Nhớ bát đường đen

BẢO TRÂN 14/02/2013 15:55

Xứ Quảng xưa có nghề nấu đường. Khi cánh đồng mía vào mùa thu hoạch là các “ông che” được tu sửa để dựng lò ép mía nấu đường.

Người Quảng nấu đường đổ vào cái bát, nên gọi là đường bát, thứ đường đen được quấn rơm cho vào bầu gánh đi bán cùng nơi khắp xứ. Đường quấn theo cặp, mỗi cặp 2 tán (tức 2 bát). Đường đen có thể dự trữ lâu ngày, lại có thể dùng mà chế biến ra đường cát, đường phổi… Hồi đầu thế kỷ XX, ở vùng Gò Nổi (Điện Bàn), có cái bến sông chuyên nhận hàng đường đưa xuống Phố Hội, rồi xuất đi các nước. Có phải vì vậy mà bến ấy mang tên Bến Đường? Tiếc, cái bến ấy giờ đã chìm vào cõi mù sương…

Làm đường bát.
Làm đường bát.

Bát đường đen gợi lên nhiều kỷ niệm, nhất là những ngày áp Tết Nguyên đán. Có cực khổ chi, các bà mẹ cũng cố mua trữ ít cặp đường để làm bánh. Nào bánh da (bánh lăn), bánh in, bánh tổ, bánh nổ, bánh khổ… Bây giờ cơ man nào là bánh, nhưng những thức quà cổ truyền ấy còn gợi lên trong lòng kẻ thôn quê đi xa làng tìm lại niềm vui dân dã. Đặc biệt, loại bánh tổ và xôi ngọt thì “phi đường đen bất thành bánh Quảng”, bởi cái màu đường in đậm vào thức quà dâng tặng tổ tiên đã thấm sâu vào tập quán xứ sở.

Nhớ sao những buổi chiều áp Tết, kỳ cục chặt cho hết mấy bát đường đen để “thắng” làm bánh. Nhớ những ông che ngào ngạt mùi đường lan tỏa, xin lấy cây mía mà quấn  ít đường non. Nhớ những khi ghé nhà hàng xóm nhấm nháp cục đường với dừa rồi khề khà bát nước chè xanh. Nhớ, ngay cả cục đường đen trong lễ đặt tên, bắt đầu cho  mùa xuân đầu tiên của đời người, để rồi thương hoài một câu ca: “Thương em từ thuở trong nôi/ Em nằm em khóc anh đôi cục đường…”.

BẢO TRÂN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhớ bát đường đen
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO