Sau khi tôi ở nhà lao Quảng Tín (TP.Tam Kỳ) bị đưa ra giam lao Thừa Phủ được 4 tháng (7.1966) thì ngày 22.11.1966, chúng tôi khoảng 80 người tù chính trị, bị kêu án từ 5 năm trở lên, từ nhà lao Thừa Phủ (Huế) bị còng tay đưa lên xe đày đi Côn Đảo. Đoàn xe mấy chiếc chạy vào đến Lăng Cô (Thừa Thiên Huế) thì trời tối. Những người lính áp giải đoàn tù, tuy trang bị đầy đủ súng ống, song không dám cho xe chạy tiếp qua đèo Hải Vân ban đêm vì họ sợ quân Giải phóng, nên phải dừng lại nối đuôi nhau trên cầu Lăng Cô.
Sáng hôm sau đoàn xe chạy vào Đà Nẵng, đưa chúng tôi vào ở nhà lao Kho Đạn - Chợ Cồn. Họ phân ra 3 phòng giam, mỗi phòng ở mấy chục người. Hồi còn ở nhà lao Thừa Phủ, mỗi phòng giam gọi là “đoàn”, tù nhân nằm trên giường tầng gọi là “carê” đầy rệp! Người tù dùng tấm ra cá nhân trải nằm để dễ phát hiện rệp bò ra cắn mà giết, sáng ra vết máu đầy trên bức ra trắng. Mỗi “đoàn” đều có trưởng phòng là một tù thường án “quản lý” chặt chẽ. Chúng bắt tù nhân chào cờ mỗi tuần vào sáng thứ Hai. Tôi ở đoàn O (đoàn dành cho tù mới đến để chúng bắt học nội quy nhà lao) rồi sau đưa qua đoàn D. Ở đây một lần tôi bị chúng bắt ra đánh đập, còng tay rồi nhốt casô. Vì chúng nghe một tên tù xấu nào đó làm cộng tác viên cho chúng báo cáo láo là tôi tuyên truyền chiến thắng của cách mạng bên ngoài. Nhốt casô mấy hôm thì chúng mở còng đưa tôi vào đoàn B.
Thú thật là vào nhà lao Kho Đạn, không khí dễ thở hơn, vì có lẽ chúng chỉ giam tạm thời để chờ tàu rồi đi tiếp, nên không khắt khe như ở lao Thừa Phủ. Chúng tôi ở trong phòng tự làm chủ. Ngày đêm cùng nhau ca hát và bày cho nhau những bài thơ ca cách mạng. Các bạn có gia đình ở Đà Nẵng, người nhà nghe tin con em mình ở Thừa Phủ đưa vào, nên tìm đến thăm. Bọn lính áp giải tù chỉ cho nhận thức ăn và đồ đạc. Sau một tháng ở đây, tất cả anh em lại bị còng tay đưa xuống chiếc tàu hải quân ở cảng sông Hàn để đưa vào Chí Hòa.
Chúng tôi ngồi trên xe phủ bạt kín chạy từ cổng nhà lao đến bến tàu, hô to cho nhân dân biết là chúng tôi bị nhà cầm quyền đưa xuống tàu đày đi Côn Đảo… Tàu chạy nhưng không đi thẳng ra Côn Đảo mà vào sông Sài Gòn, rồi dùng ô tô chở chúng tôi vào giam ở nhà lao Chí Hòa. Khu giam này xây hình lục giác có mấy tầng lầu. Các cạnh nhà lao đặt tên theo mẫu tự ABC… các khu giam: Như khu AB, khu CD, khu EF. Tầng trệt gọi là O, rồi lên tầng 1, tầng 2. Tôi và một số anh trong đoàn vào ở cùng phòng OF1 thuộc khu FG. Mấy ngày sau, chúng tôi cùng nhau thống nhất tuyên bố chống chào cờ ba sọc. Chúng đưa lên phòng điện ảnh, còng chân vào các dãy còng, cùng với nhiều anh đã bị còng ở đây từ trước.
Ngày 4.2.1967, sắp đến Tết Đinh Mùi, nhưng chúng đưa anh em đang ở phòng điện ảnh xuống chiếc tàu hải quân, còng tay cùng hàng trăm anh em khác ở nhà lao Chí Hòa, để đày ra Côn Đảo. Tàu chạy từ chiều tối hôm trước đến sáng hôm sau thì cập bến. Sà lan chở từng đoàn tù từ tàu lên bờ, rồi chúng bắt đứng sắp hàng kêu tên từng người, có giám thị và cả đám trật tự kẹp hai bên áp giải, đưa vào giam ở trại 2. Chúng soát xét đồ đạc cá nhân của từng người tù để thu giữ những gì không cho mang vào nhà lao. Một tuần lễ ở đây, chúng lập hồ sơ từng người, rồi chia đi các trại và các sở để làm khổ sai. Chúng đưa cho mỗi người tù một thẻ bài và buộc phải đeo lên áo. Thẻ bài của tù chính trị màu đỏ; tù thường án màu vàng… Tôi đeo thẻ bài màu đỏ số C 18.701 (A là tù giam, C là tù khổ sai, CT là chung thân…) và đưa vào làm ở nhà bếp trại 3.
Sau này khi tôi đọc tập “Thi tù tùng thoại” của cụ Huỳnh Thúc Kháng, rồi đối chiếu thấy từ thời thực dân Pháp (1908 - năm cụ Huỳnh bị bắt đày Côn Đảo) và thời chống Mỹ, cả hai cường quốc xâm lược nước ta, đều có một hành trình đày người tù từ miền Trung ra Côn Đảo hầu như giống nhau. Chúng ta hãy xem cụ Huỳnh viết: “Lúc chúng tôi bị giải đày đi Côn Lôn ở bến sông cửa Hàn (Tourane) lên tàu, quan Tây dẫn ra boong sau tàu thì thấy một số cổ gông chân xiềng, cả thảy 9 người… Đêm ấy tàu đậu ở Tourane, độ 8 giờ tối, ở Thừa Thiên có giải vào một cậu Ấm sanh Lê Đình Mộng.
Trưa bữa sau tàu đến Cửa Giả (Bình Định) thì có lính giải thân sĩ Quảng Ngãi, Bình Định, một xâu gông tạ kéo nhau lên tàu…, cùng đày đi chuyến tàu ấy là 27 người.
Đến Sài Gòn xuống tàu dẫn vào khám lớn, cúp tóc chụp ảnh, đợi tàu một tuần đi Côn Lôn. Từ Sài Gòn đi tàu thủy độ 16, 17 giờ đồng hồ đến Côn Lôn. Tàu đến bến thì gardien và ma tà (surveillant) đem chiếc sà lan trong bến đưa ra đón dẫn chúng tôi lên bến, đi thẳng xuống phòng giấy gardien chef sắp hàng nơi sân. Gọi tên từng người, bao nhiêu đồ hành lý và thập vật, tiền bạc mang theo cùng áo quần đều ghi tên gởi vào kho, ngoài thân ra chả còn có vật gì cả”.
Cụ Huỳnh ra Côn Đảo chúng cấp cho một bộ quần áo vải xanh, một chiếc chiếu và 1 thẻ bài tù số 7.455. Lúc đầu chúng cầm cố cụ, sau mới cho ra đi làm. Cụ bị Pháp bắt 1908 và trả tự do 1921. Cụ Phan Châu Trinh cũng bị bắt đày ra Côn Đảo 1908 và được trả tự do tháng 8.1910. Ở Côn Đảo cụ có bài thơ Đập đá Côn Lôn nổi tiếng, nói lên chí khí của người yêu nước.
Côn Đảo là địa ngục trần gian, đày đọa người tù yêu nước và cách mạng rất dã man. Khi còn làm khổ sai, tôi đã bao lần bị chúng đưa đến phòng “chuyên môn” đánh bầm người rồi còng chân nhốt hầm đá. Chúng có nhiều hình thức đàn áp tù chính trị như bắn lựu đạn cay, hơi ngạt vào phòng giam làm ngất xỉu, rồi cho trật tự đánh đập. Tôi bị chúng hành hạ mỗi khi chuyển từ trại này sang giam trại khác, nơi làm khổ sai này qua nơi làm khổ sai khác như nhà bếp, Chỉ Tồn, sở Ruộng… Trong vòng 3 năm (1967-1969) tôi đã bị chúng giam ở các trại 2, 3, 4, 7, 1 và hầm đá trại 2, hầm đá trại 3.
Tháng 7.1973 tôi cùng mấy trăm anh em tù Côn Đảo được đưa về đất liền để trao trả cho cách mạng, nhưng bị chúng giam lại 7 tháng ở nhà lao Hố Nai (Biên Hòa) mới đưa ra sân bay Biên Hòa, rồi chở máy bay trực thăng đến Lộc Ninh để trao trả vào tháng 2.1974.
ĐỖ HÙNG LUÂN