Ừ thì ba xứ bốn quê, chuyện cơm áo cứ dài ngày dài tháng. Nhưng đôi bận, mệt quá vì những chộn rộn của thị thành, lại nhớ vô vàn thứ đã cũ. Rất cũ, rất xưa, nhuốm màu tiếc nhớ vài điều cỏn con của quê mùa trong ký ức. Như lúc gặp cái cối đá xay bột, một chiều hè bên thềm nhà người quen…
Trình diễn xay bột bằng cối đá tại Vinahouse (Điện Bàn). Ảnh: THÀNH CÔNG |
1. Nhà tôi ở xóm ngụ cư nằm giữa những ô chè vuông vức như bàn cờ của thung lũng chè Quyết Thắng. Toàn là người dưới xuôi, đi làm kinh tế mới cho nông trường, rồi từng căn nhà nhỏ mọc lên dọc theo những nương chè ngút ngát, thành xóm. Ba bốn chục nóc nhà, chỉ có duy nhất cái cối đá xay bột của nhà ông Nhung Mãn. Hiếm không phải vì quá đắt, mà là chẳng dễ dầu tha được cái cối đá cả nửa tạ từ dưới đồng bằng lên núi. Ngày thường thì hầu như chả mấy ai đụng tới, nhưng mùa mưa, khi không thể băng qua những dòng suối đục ngầu nước lũ để đến rẫy chè, các bà các mẹ rảnh rang rủ nhau ngâm gạo xay bột đúc bánh bèo, bánh xèo với mớ tép nhảy vớt được từ những cái rớ con con giăng quanh bờ mương của xóm. Ba bốn nhà chung gạo rồi đi xay. Cái cối đá cũ, chở lên núi bị sứt mất một “tai” – là cái quai gài một que gỗ để cầm xay – và sứt miệng, được các bà các mẹ thay bằng miếng bẹ chuối hứng bột xuống những cái nồi đen nhẻm muội than. Cứ đến mùa mưa là đông nghịt người đến. Xay bột, tráng cối xong, trích “phần trăm” lại ít bột biếu chủ nhà, không thì đội nón cời xách qua vài cái bánh, thân tình dữ dội! Nên mới có bận, lũ đổ về nhanh quá, có nhà trong xóm ướt nguyên một thùng gạo. Gạo thời độn cơm độn sắn quý lắm, vậy là mang mủng gạo ướt tới nhà ông Nhung Mãn, rồi xay bột, đổi lấy gạo khô của nhà này nhà kia. Được một ngày ăn bánh bèo, bánh xèo cả xóm. Xóm ngụ cư, mỗi người mỗi quê mà như bà con một họ, cứ dềnh dang những tình cảm xóm giềng ngọt ngào như thế từ một cái cối đá sứt tai, mẻ miệng của một gia đình…
2. Càng ngày, đất càng chật, người càng đông. Nhà ông Nhung Mãn quày quả về lại dưới xuôi, cái cối đá cũng dọn theo chủ. Mỗi bận trở về xóm cũ thăm chơi, mấy ông bà già lại lôi chuyện cái cối ra như một thứ minh chứng vượt thời gian cho tình xóm giềng, cho cả những buổi đói no ngày ấy. Còn bọn nhỏ tụi tôi, thòm thèm cái vị bánh ngày xưa, thứ đặc sản dễ làm mà đỡ tốn mỗi mùa mưa. Vẫn những ông bà ấy, vẫn những gia đình ấy, giờ nhà cửa san sát thì lại họa hoằn giỗ quảy mới ngồi chung mâm, rồi lại lôi biết bao kỉ niệm thời quá vãng nhâm nhi cho nguôi ngoai tuổi già. Bọn trẻ thì bỏ làng đi mất. Cái cối đá chắc chỉ còn “sống” ở đó - trong câu chuyện của các ông các bà, nhưng cũng đủ là một “đầu câu chuyện” để kết nối những trái tim, những hồi ức của bao nhiêu người trong xóm nhỏ. Thân tình ngày xưa, nó khác. Mặn mòi đến độ chia xa không làm phai nhạt, mà vẫn ở đó như vốn dĩ nó luôn có một vị trí không thể thay thế trong mỗi gia đình ngụ cư. Thế nên là xóm ngụ cư nhưng rất ít khi lớn tiếng, không phải vì… nhà xa quá hét không tới, mà vì cái tình giản dị ấy. Giờ thì có đôi chút khác, vì nhà cửa san sát, chân đi không đụng đất, chỉ chạm… đường bê tông, nhưng tầm 7 giờ tối chỉ nghe tiếng ti vi phát thời sự, phát phim vọng ra từ mỗi căn nhà, chứ chả mấy khi râm ran bên nồi bánh bèo, bánh xèo thơm phức như dạo xưa. Đổi thay nhanh quá, đủ để mấy ông bà già chép miệng, “ờ, thì mình cũng già quá rồi…”.
3. Một buổi chiều thấy cái cối đá đã cũ để trong góc vườn, lòng bỗng như bắt gặp cơn cớ để nhớ làng quê và cả ấu thơ của mình. Thứ đồ vật xám lạnh trơ ra cùng năm tháng mà níu giữ hồi ức. Chỉ còn chừng đó. Cái cối đá không còn là thứ vật báu của cả xóm, cả làng, hay là chuyện chung của những người một thời đói no đùm bọc nữa. Nó chỉ ở đó, dành riêng cho những kẻ thương tiếc nhà quê, thương tiếc kỷ niệm của bà, của mẹ, của chính mình tự ngắm và tự nhớ. Đâu đó, có ai viết về cái cối đá như là câu chuyện của sự hủy diệt và hồi sinh, đại để cái cối đá nghiền nát hạt gạo, hạt đậu, nhưng lại cho ra những loại bột ngũ cốc dành lại cho đời. Những biến thiên của cuộc đời cũng xoay vần như từng vòng quay cái cối đá. Hủy diệt và hồi sinh… Ngay cả cái cối đá chỉ dành để ngắm trong những mảnh vườn phố thị, nó cũng đã chết đâu. Nó vẫn giữ vô vàn ký ức, vô vàn kỷ niệm, vẫn là một khoảng đời nào đó từng hiện thân bóng dáng của những đói no nghĩa tình ngày cũ. Thành thử, chẳng ai đành đoạn đem bỏ đi cái cối đá xám lạnh vô tri đó. Nhờ vậy mà đá có linh hồn. Để lúc nào đó, cả ấu thơ với quê ùa về cùng hình ảnh cái cối đá nhỏ, hồi sinh diệu kỳ những dấu yêu một thời đã xa, xa lắm rồi…
Không còn dòng chảy ngọt ngào nào từ cái cối đá, khi nó chẳng được dùng để xay bột nữa. Cối đá chừng như tạm dừng sống cuộc đời của mình ở quê, mà mang theo những câu chuyện đã cũ và quen cất dành cho những người-nhà-quê-ở-phố. Những ký ức xao xác, rơi rụng theo cơn lốc thị thành. Vậy đó, nên thi thoảng cái cối đá hiên nhà mở một con đường mòn về ký ức, để nhớ, để thương, và tưởng tiếc một chút ngọt ngào quá xa, và sắp hết…
PHƯƠNG GIANG