(QNO) - Dầu gió không phải "vị cứu tinh, chữa bách bệnh", có thể sử dụng tùy tiện, mọi lúc mọi nơi; nếu sử dụng sai cách có thể gây ngộ độc, thậm chí tử vong. Bài viết này hướng dẫn sử dụng dầu gió đúng cách và an toàn.
Theo các chuyên gia, dù là sản phẩm không kê đơn nhưng dầu gió vẫn là thuốc, không nên lạm dụng để chữa những bệnh lý không thuộc về chức năng chữa bệnh của nó. Ảnh minh họa: Internet. |
Dầu gió không phải "vị cứu tinh, chữa bách bệnh"
Như đã biết, dầu gió được chiết xuất từ các loại tinh dầu thảo dược có nguồn gốc thiên nhiên như khuynh diệp, hồi, quế, long não. Dầu gió có vị cay, tính mát, là một loại thuốc trị ngoài da giúp chống viêm nhiễm, kháng khuẩn, giảm đau...
Tuy nhiên, việc nhiều người xem dầu gió là “vị cứu tinh, chữa bách bệnh”, sử dụng tùy tiện mọi lúc mọi nơi có thể gây xung huyết da, ngộ độc thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Trong thành phần của dầu gió chứa eukalyptol và camphor, báo Sức khỏe & Đời sống đưa tin. Trong đó, camphor là một chất độc đối với trẻ em, nếu quá trình sử dụng không đúng, hấp thu nhiều vào cơ thể qua phần da trầy xước hay vô tình nuốt phải với lượng nhiều (khoảng 1g) gây tổn thương hệ hô hấp, thậm chí ngưng thở.
Theo các chuyên gia, lượng camphor cho phép trong các chế phẩm dầu gió chỉ khoảng 3 - 11%. Khi bị ngộ độc, camphor có thể gây tác hại với những triệu chứng xuất hiện chỉ trong vòng 5 - 90 phút sau tiếp xúc, tùy vào lượng dầu nhiều hay ít. Các biểu hiện sớm là bỏng miệng, hầu họng, buồn nôn, nôn mửa, lừ đừ, sau đó là co giật, hôn mê, suy hô hấp nặng. Nếu không được điều trị kịp thời, có thể dẫn đến tử vong.
Còn có quan niệm cho rằng, dầu gió chữa được sâu răng, áp dụng bằng cách lấy dầu gió tẩm vào bông gòn, rồi nhét bông gòn đó vào vùng răng bị sâu. Trong khi đó, TS.BS Trương Thị Ngọc Lan, Viện phó viện Y dược học dân tộc TP.HCM khẳng định trên tờ Tuổi trẻ: "Đây chỉ là cách giảm đau răng tạm thời, người dân tuyệt đối không nên áp dụng. Trong dầu gió không ghi chữa trị nhức răng thì tại sao chúng ta lại áp dụng? Điều này cực kỳ nguy hiểm", TS.BS Trương Thị Ngọc Lan nhấn mạnh.
7 điều cần nhớ khi dùng dầu gió
Những ai thường xuyên sử dụng dầu gió với mục đích chữa bệnh, giảm đau cần ghi nhớ kỹ 7 điều sau:
1. Dầu gió có thể điều trị cảm lạnh, nhức đầu, vết thương do côn trùng cắn và các bệnh liên quan đến mũi như viêm xoang, viêm mũi, nghẹt mũi... Lưu ý, dầu gió không có tác dụng chữa sâu răng và đau bụng thường xuyên tái phát.
2. Không nên sử dụng dầu gió thường xuyên vì điều này sẽ làm bạn bị "nhờn thuốc", làm giảm tác dụng của thuốc. Các bác sĩ khuyến cáo, bạn không nên dùng dầu gió quá 4 lần/ngày.
3. Cần đọc kỹ các thông tin hướng dẫn trước khi sử dụng dầu gió.
4. Tuyệt đối không nên uống hoặc thoa dầu gió lên vết thương hở.
5. Trước khi thoa dầu gió lên cơ thể cần phải rửa sạch và lau khô vùng da cần thoa. Nên lấy một lượng vừa đủ, không nên bôi quá nhiều.
6. Ngưng dùng dầu gió khi cơn đau đã chấm dứt.
7. Đối với phụ nữ đang mang thai, phụ nữ cho con bú và trẻ dưới 2 tuổi, cần phải có ý kiến tư vấn của bác sĩ trước khi dùng dầu gió.
Theo nguoiduatin.vn