GS-NGND. Lê Trí Viễn sinh năm 1919, gắn bó với sự nghiệp giáo dục từ năm 1939, mất vào ngày 3.2.2012. Tôi biết thầy và học thầy hai chuyên đề: Đặc trưng văn học trung đại Việt Nam và Hồ Xuân Hương ở chương trình đào tạo sau đại học của Trường Đại học Sư phạm TP.Hồ Chí Minh vào cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 của thế kỷ trước.
TS. Bạch Văn Hợp và PGS-TS. Trịnh Sâm thay mặt các thế hệ học trò tặng tượng chân dung thầy (chất liệu đồng), nhân ngày GS. Lê Trí Viễn 90 tuổi. |
Xuân này, nhân GS-NGND. Lê Trí Viễn tròn 100 xuân (1919 - 2019), tôi xin kể lại một vài kỷ niệm về thầy - người đã cho tôi những lời dạy mà tôi rất tâm đắc. Và cũng nhờ vào những lời dạy này, cùng với sự nỗ lực của bản thân, tôi trở thành người nghiên cứu văn học.
Người làm nghiên cứu phải có ý riêng
Lúc học chuyên đề Đặc trưng văn học trung đại Việt Nam, thầy có nói đến một tác phẩm nào đó, tôi quên rồi nhưng có cụm từ “mục sư”. Thầy hỏi cả lớp (chừng hơn mười người), mục sư là gì? Có người trả lời, đó là một chức sắc của tôn giáo. Thầy cười: “Trả lời như thế thì trả lời làm gì”, rồi thầy chỉ ngay tôi: “Anh biết mục sư là gì không?”. Tôi đứng dậy: “Thưa thầy, chữ “mục” có lẽ là chăn dắt, giống như chữ “mục” trong “mục đồng” ta thường hay nói. Mục sư là người thầy chăn dắt phần linh hồn, cũng có thể gọi là người đi truyền giáo của đạo Cơ đốc”. Thầy chẳng nói câu trả lời của tôi đúng hay không đúng, chỉ bảo rằng tiếng Việt mình có những 70% - 80% là từ Hán Việt. Do đó, không rành từ Hán Việt sẽ dùng tiếng Việt không tốt, không khéo làm trò cười cho người đọc. Thầy kể một lần dẫn sinh viên đi thực tập, có thầy giáo đứng lớp giải thích với học trò “yêu sách” là yêu sách vở (?!). Tin hay không là quyền của các anh chị, nhưng đó là sự thật!
Cũng ở chuyên đề này, một lần thầy hỏi ai biết vua Quang Trung chết vì nguyên nhân gì? Ai đó nhanh miệng cho biết vua Quang Trung chết vì trúng độc. Theo thầy, sách có nói như thế, nhưng đọc sách, nói theo sách chưa phải là người nghiên cứu. Thức ăn đưa vào cơ thể phải tiêu hóa thành dưỡng chất để nuôi cơ thể thì con người mới khỏe mạnh, chứ ăn gì thải nấy là phải đi cấp cứu, thậm chí phải lo hậu sự. Đọc sách cũng thế.
Nghe vậy, có người thắc mắc vậy thì vua Quang Trung chết vì nguyên nhân gì? Thầy cười cười, cho rằng vua Quang Trung chết do… muỗi cắn! Nghe vậy, ai cũng muốn cười mà không dám cười. Thầy nói làm người nghiên cứu thì phải có suy nghĩ riêng của mình. Nếu cứ cho những gì sách nói là đúng thì nghiên cứu làm gì.
Người làm nghiên cứu, khi đọc bất kỳ tác phẩm nào cũng phải trên tinh thần đọc - phản biện. Sở dĩ, thầy nói Quang Trung chết vì bị muỗi cắn, vì theo thầy ngày đó, vùng An Khê (thuộc tỉnh Bình Định ngày nay) là vùng rừng thiêng nước độc. Đã vậy, Nguyễn Huệ còn vào sâu vùng dân tộc Xơ Đăng tuyển quân và huấn luyện binh sĩ, nên bị muỗi vằn đốt là chuyện bình thường. Khi sức khỏe có phần sa sút, bệnh sốt rét ác tính hoành hành, bây giờ còn không ít người chết vì bệnh này, huống gì hồi thế kỷ 18.
Khi học chuyên đề Hồ Xuân Hương, thầy hỏi ngày đó, Hồ Xuân Hương làm nghề gì mà đi khắp nơi, tới đâu làm thơ đó? Bây giờ, ai đã đi được như Hồ Xuân Hương?
Nói xong, thầy chỉ tôi, hỏi bà Hồ Xuân Hương làm nghề gì? Tôi dõng dạc khẳng định Hồ Xuân Hương làm nghề buôn vải và lý giải bằng những gì mắt thấy tai nghe, rằng hồi đầu thập niên 60, ở quê, tôi thấy có người phụ nữ vai mang tay nải, bên trong có nhiều xấp vải, tay cầm cây thước gỗ, thường vào nhà nào đó khá giả một chút nói là nghỉ chân, nhưng là giới thiệu vải. Chủ nhà gọi hàng xóm tới xem vải, gặp bữa, chủ nhà mời cơm luôn. Nếu trời tối, thì nghỉ lại nhà người đó, sáng hôm sau mang tay nải đi tiếp… Do đó, bà Hồ Xuân Hương làm nghề buôn vải mới đi được nhiều nơi như vậy.
Thầy cười cười cho biết như thế là có nghiên cứu. Đúng hay sai, hạ hồi phân giải. Điều quan trọng của người làm nghiên cứu là phải có ý riêng của mình.
Giờ giải lao, ngồi nói chuyện, tôi mới biết thầy cùng quê Quảng Nam với tôi; làng của ông ngoại tôi và làng của thầy cách nhau một cái bàu; một bên gọi là Bàu Tây (nay thuộc xã Đại Hòa, huyện Đại Lộc), một bên gọi là Bàu Đông (nay thuộc xã Điện Hồng, thị xã Điện Bàn). Thầy nói tôi có khả năng làm nghiên cứu văn học. Luận văn cao học sắp tới chính là cơ hội tốt để tôi bước vào con đường này. Theo thầy, cơ hội không phải dựa vào ai cho, mà là tự mình đoạt lấy.
Mến cái nghĩa thầy trò
Muốn thoát khỏi kén hóa thành bướm, đương nhiên phải trải qua những đau đớn, giày vò, chứ đâu thể nằm duỗi dài ngắm trăng thanh, đón gió mát mà được. |
Sau hai chuyên đề ấy, nhất là khi tôi bảo vệ thành công luận văn cao học với điểm tuyệt đối 10/10, tình thân giữa tôi và thầy gần nhau hơn. Thầy thường đến nhà tôi và tôi cũng thường đến nhà thầy. Tôi có ý định chuyển luận văn cao học thành cuốn sách phát hành rộng rãi, thầy vui lắm và mấy ngày sau thầy giao cho tôi Lời giới thiệu viết tay, chữ dày đặc 2 trang giấy A4. Đọc qua, tôi hoảng hồn. Thầy đánh giá luận văn và bản thân tôi cao quá. Nhưng không thể không sử dụng Lời giới thiệu này, tôi bèn biên tập còn gần 300 từ. Câu kết Lời giới thiệu, tôi sửa lại: “Khái Hưng - nhà tiểu thuyết là cuốn sách nên đọc và đọc được”.Sửa vậy, tôi đã thấy “lên mây xanh” rồi, không ngờ khi tặng sách cho thầy, thầy mới lướt qua Lời giới thiệu, thì xé toạc cuốn sách và vất ra ngoài sân. Tôi hoảng quá, vội chạy ra lượm cuốn sách bị xé làm 2 mảnh ấy, rồi lấy xe chạy một hơi mới hoàn hồn. Đạp phải đinh rồi! Lo lắng thì có lo lắng, song tôi có tính lạc quan, tàu tới đầu cầu ắt thẳng. Chắc thầy sẽ hiểu cho tôi. Và quả nhiên chừng 3 tháng sau, bảo vệ cơ quan điện vào phòng làm việc, báo cho tôi biết ngoài cổng có người cần gặp. Tôi đi ra, thấy thầy ngồi ở ghế đá, bên cạnh có chiếc xe Chaly màu xanh. Thầy cười vui, cho biết đi ngang qua tòa soạn, nên ghé thăm tôi và dặn hôm nào rảnh lên nhà thầy chơi và mang theo cho thầy cuốn sách Khái Hưng - nhà tiểu thuyết. Nghe vậy, tôi thở phào nhẹ nhõm.
Sau đó, tôi mang sách đến biếu thầy. Thầy bảo viết Lời giới thiệu cho cuốn sách của tôi là thật lòng, chứ chẳng phải đãi bôi và tôi chẳng là gì để thầy phải đãi bôi. Thầy động viên tôi tiếp tục làm cuốn sách khác. Cách viết nghiên cứu của tôi thoát tính hàn lâm, nếu cố gắng nương theo đó thì sẽ tạo được phong cách riêng.
Tôi cũng nói thật lòng, việc nghiên cứu cực nhọc gấp nhiều lần so với viết báo mà nhuận bút một cuốn sách không bằng mấy bài báo. Thầy không có ý kiến gì về điều tôi nói, nhưng cho biết chuyện chi cũng vậy, muốn thoát khỏi kén hóa thành bướm, đương nhiên phải trải qua những đau đớn, giày vò, chứ đâu thể nằm duỗi dài ngắm trăng thanh, đón gió mát mà được.
Một lần thầy vào nhà tôi (tôi ở tầng 1 chung cư), bảo tôi đi theo thầy. Xuống đường, thấy chiếc xe taxi đỗ trước cổng. Thầy mở cửa xe, mang ra một chồng sách (Lê Trí Viễn toàn tập, 7 tập), cho biết vừa mới in xong và mang đến tặng tôi. Ôm chồng sách nặng ỳ, mà lòng tôi nhẹ tưng, mừng cho một đời cầm bút của thầy. Cứ thế mà nhìn chiếc xe taxi đưa thầy khuất khỏi tầm mắt, tôi mới về căn phòng của mình. Thấy bọc nhựa bên ngoài tập 1 đã bị bóc, tôi lật vào trang bìa lót, thấy mấy dòng chữ của thầy:
Mến cái nghĩa thầy trò, quý nhất là cái tình “chưa mưa đã thấm”, tặng Vu Gia và chúc sức tài cao ngang Núi Chúa quê nhà.
Ngày 12.5.07
(ký tên)
Đọc tới đọc lui những mấy lần về lời thầy ghi tặng, lòng tôi cứ rưng rưng. Bây giờ đọc lại những dòng chữ ấy, cái tình cái nghĩa thầy trò ngày nào cứ nặng trĩu trong tôi.
VU GIA