Hồ sơ - Tư liệu

Nhớ Giáp Thìn 1964

Ký của HỒ DUY LỆ 10/02/2024 07:06

Từ Giáp Thìn 1964 đến Giáp Thìn 2024 - sáu mươi năm vòng đời, với con người - một chớp mắt(!), và có những ký ức 60 năm vẫn trọn vẹn...

tnb-62177.jpg
Tuổi trẻ TP.Đà Nẵng thăm "địa chỉ đỏ" Tượng đài chiến thắng Bồ Bồ tại Điện Tiến, Quảng Nam. Ảnh T.S

Giữa năm tổ chức "Tết đồng khởi"

Ngày 20/8/1964, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đà - Hồ Nghinh họp ở căn cứ Khu ủy 5 về, liền triệu tập họp Ban Thường vụ Tỉnh ủy mở rộng. Cuộc họp tổ chức trong một lán trại, dưới vòm cây xanh lá ở dốc Ô Rây (huyện Hiên).

Tỉnh ủy đang họp thì nhận được báo cáo: Sinh viên - học sinh Đà Nẵng biểu tình chống Hiến chương Vũng Tàu (trước đó, ngày 18/6/1964, Trung tướng Sài Gòn - Nguyễn Khánh chủ trì cuộc họp tại Vũng Tàu, ký một Hiến chương, có khoản bán đất Cam Ranh cho Mỹ 99 năm, có tên gọi Hiến chương Vũng Tàu).

Bí thư Hồ Nghinh đề nghị ngưng chương trình cuộc họp, chuyển sang bàn phân công Ủy viên Ban Thường vụ xuống các cánh chỉ đạo giải phóng nông thôn, đồng bằng.

Cũng trong mùa Thu, tháng 8/1964, Tỉnh ủy Quảng Nam họp ra Nghị quyết phát động quần chúng khởi nghĩa giải phóng đại bộ phận nông thôn đồng bằng, trong đó, trọng điểm là giải phóng vùng Đông quốc lộ Một và vùng cát ven biển.

Bàn thực hiện chiến dịch Thu - Đông, Tỉnh ủy đề ra một mục tiêu táo bạo và bất ngờ - vì không dễ dàng, để thảo luận là: Tiến xuống vùng Đông! Đó là mệnh lệnh! Một quyết tâm sắt đá: “Con người, hãy rắn như đá’’.

Tháng 9/1964, các xã vùng Tây gồm Phước Hà, Bình Lâm, Bình Lãnh, Bình Trị, Bình Phú được giải phóng. Dân làng thoát vòng o ép, bừng bừng khí thế nổi dậy. Vui như mùa xuân hoa khoe màu, cây xanh lá. Tết đồng khởi! Ngày 5/9/1964, bất ngờ từ vùng Đông, nhiều người bất ngờ - bất ngờ nhất là địch.

Cái xã nằm sát biển, Bình Dương, trong đêm trăng, tại Trảng Trầm, hàng nghìn người dân Bình Dương háo hức tụ về dự mít tinh mừng chiến thắng giải phóng xã nhà, nghe quân Giải phóng tuyên bố chính quyền Cách mạng, chứng kiến cuộc ra mắt lực lượng vũ trang…

Tức thì các xã dọc theo sông Trường Giang: Bình Giang, Bình Đào, Bình Hải, Bình Sa, lần lượt nổi dậy đập tan bộ máy kìm kẹp, thành lập chính quyền tự quản.

Chớp thời cơ, vùng Trung - có quốc lộ Một chạy qua, ngày đêm xe nhà binh địch ì ầm, vậy mà, các thôn Trà Sơn, Đồng Dâu, Tứ Thăng, của xã Bình Trung đứng lên trừ gian, phá kìm. Ngày 26/9/1964, Bình Triều, Bình Phục được giải phóng. Địch co cụm trong các quận lỵ, đồn bốt, chờ Mỹ ứng cứu.

Năm lụt lịch sử

Đó là ngày 7/11/1964, nhằm ngày mùng 4 tháng 10 năm Giáp Thìn, trời mưa tầm tã ngày đêm, nước lên nhanh. Tỉnh ủy lệnh hỏa tốc cho các Huyện ủy, nhất là các huyện dọc sông Vu Gia, Thu Bồn dừng họp hội, phân công cán bộ giúp dân chống lụt.

Tưởng lụt như hàng năm, không ngờ mưa ngày một lớn, mưa mù trời ba ngày ba đêm liên tiếp, trong khuya ngày thứ ba, ở thượng nguồn Thu Bồn, một giờ nước dâng lên một mét, lở núi Cà Tang, trôi làng Đông An…; nước băng qua đường xe lửa, cầu Diêm Sơn, cầu Bà Thinh; trâu, bò, heo trôi, nhà cửa trôi, nhiều người trôi trên dòng nước bạc… Và, vùng cát, nước ngập trắng đồng. Từ tang thương đau đớn ấy, người đời gọi "Lụt năm Thìn".

Một cái tết nhớ đời!

Nhắc đến cái dốc người Cơ Tu gọi Ô Rây, là muốn nhắc đến một cái tết chỉ diễn ra một lần trong đời chúng tôi và mỗi người dự có một kỷ niệm đẹp.

Chiều hai mươi bảy tháng Chạp, chuẩn bị ăn Tết, chúng tôi gồm 16 trai trẻ, vai mang bao vải nặng, ẩn trong xóm nhà tranh giữa cánh đồng trong làng Giáng La, xã Điện Thọ, Điện Bàn…

Ai cũng bồi hồi, rạo rực và lo lo, vì ngóng đợi đến hơn mười giờ đêm mới thấy lù lù ba bốn người từ ngoài bờ ruộng bước vào. Họ là những người dẫn đường, đến để đưa chúng tôi lên núi, nhưng tới trễ vì bị địch phục trên đường 100 - con đường nối thị trấn Vĩnh Điện - quận lỵ Điện Bàn lên thị trấn Ái Nghĩa - quận lỵ Đại Lộc.

Sau những lời thì thầm, tất cả chia làm 3 tốp, theo người dẫn đường xuống ghe, qua sông Bình Phước, lên bờ lội qua vùng chân núi Bồ Bồ - trên đỉnh núi địch luôn chốt một đại đội… Tất cả lặng thinh như đi săn thú rừng, leo hơn một giờ đồng hồ thì đến cái dốc cao - dốc Ô Rây.

Tết có thịt heo của núi rừng do đồng bào dân tộc Cơ Tu nuôi thả và các loại bánh của chúng tôi mang lên. Ăn xong, mọi người ngồi quanh bếp lửa, những khúc củi khô cháy, nổ tách tách, lửa hừng hực ấm, sưởi hồng tươi những khuôn mặt lạ. Thú vị là cái chi cũng thấy lạ!

Chẳng là sau mấy cuộc biểu tình liên tiếp diễn ra trong thành phố, Thành đoàn Đà Nẵng quyết định tổ chức đưa anh em lên rừng học tập chính trị.

Hoàng Phủ Ngọc Tường nhắc lại chuyến đi lịch sử trên dốc Ô Rây như sau: ‘‘Đêm đầu tiên ở vùng căn cứ, chúng tôi gặp một người mặc quần cọc, áo cổ vuông, gùi một con heo lớn, bấm đèn pin từ dưới suối đi lên, ướt sũng, vạm vỡ, mông và vai căng tròn dưới sức nặng mang trên lưng, hoàn toàn giống một đồng chí anh nuôi miền Thượng vẫn thường thấy ở vùng căn cứ.

Đến lúc giới thiệu, tất cả anh em mới lên đều nẩy bật vì lấy làm lạ: đó chính là nhà thơ Thu Bồn, ai cũng từng đọc thơ anh. Lạ lùng và cảm động hơn nữa khi biết anh đã đi nhiều ngày đường tới những làng núi để gùi heo về chuẩn bị đón anh em thành phố.

Đêm ấy, Thu Bồn đọc thơ cho chúng tôi nghe đến sáng, và tuyên bố một câu gây xúc động: Đây là mười sáu chiếc máy kéo của phong trào sinh viên học sinh miền Trung".

Người cõng heo lên dốc Ô Rây có mặt cùng "khách thành phố", trong đêm xuân lạnh, bên bếp lửa hồng. Người cõng heo đọc thơ ai cũng muốn nghe, sau này được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh.

Còn người dẫn đường, rất nghiêm, người đã đón chúng tôi không thấy xuất hiện bên bếp lửa để cùng khách nghe đọc thơ, ăn tết? Hỏi thì biết và thương quá, anh cùng tổ bảo vệ đi vòng vòng ngoài lán trại, lắng nghe từng tiếng động xung quanh, ôm súng trong tư thế sẵn sàng nhấn cò, giữ gìn sự bình an cho Bí thư Hồ Nghinh tiếp các vị khách đặc biệt...

Người dẫn đường trong đêm đó là Nguyễn Thanh Năm - biệt danh Năm Dừa, sau này được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân...

*
* *

Từ Giáp Thìn 1964 đến Giáp Thìn 2024 - sáu mươi năm vòng đời, với con người - một chớp mắt! Rồng thiêng chứng kiến và thấu cảm bao thăng trầm, bể dâu của con người. Rồng thiêng chào Xuân mới, ban cho người mới tuổi Rồng, mang mệnh Kim để có sức mạnh, kiên cường đối diện với cuộc đời, có cả thanh bình, niềm vui, hy vọng và thách thức!

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhớ Giáp Thìn 1964
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO