Đến thăm gia đình họa sĩ Từ Duy vào dịp tròn 10 năm ngày anh qua đời (tháng 5.2008 – 5.2018). Ngồi nhìn ra khoảng sân trống ngoài vườn ánh chừng chẳng có nhiều thay đổi và lắng nghe chị Nghiêng, vợ của Từ Duy say sưa nhắc về kỷ niệm và khát vọng nghệ thuật của anh, chúng tôi tưởng chừng như anh vẫn còn đâu đó, đang bận rộn bên những tác phẩm dở dang với những sắc màu và đường nét mang đậm bản sắc quê nhà...
Chân dung họa sĩ Từ Duy. |
Không giống như những họa sĩ đã từng thành đạt tại chốn kinh kỳ như Huế, Sài Gòn, Hà Nội…, họa sĩ Từ Duy (sinh năm 1952, tên thật là Nguyễn Hữu Duy, quê ở phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) là một họa sĩ tự học trên những đồng ruộng quê hương đất Quảng, luôn nhận mình là một họa sĩ “chân quê”. Nguyên là phóng viên ảnh Báo Quảng Nam - Đà Nẵng, nhưng sau đó, Từ Duy bỏ hẳn biên chế nhà nước để sống bằng tranh. Với nhiều lần triển lãm cá nhân tại Pháp và châu Âu, anh đã nhanh chóng khẳng định tên tuổi với giới mỹ thuật trong và ngoài nước bằng chính những nét vẽ “chân quê” độc đáo của mình. Tranh của anh nhiều lần được giải thưởng cao trong các triển lãm toàn quốc, trưng bày ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, và được nhiều nhà sưu tập uy tín lưu giữ. Tại Hội An, mấy năm liền Từ Duy dành công sức thành lập gallery Lá Gai như là một điểm giao lưu, triển lãm thường xuyên với nhiều họa sĩ tên tuổi đến từ nhiều nước. Thế nhưng, một cơn bạo bệnh bất ngờ ập đến, vào ngày 6.5.2008, Từ Duy vĩnh viễn ra đi, để lại không ít những khát vọng dở dang cùng bao tiếc thương của bạn bè, thân hữu...
Tranh của họa sĩ Từ Duy. |
Còn nhớ, trong chuyến triển lãm tranh cá nhân lần đầu tiên tại Pháp trở về (1995), Từ Duy không giấu được xúc động thổ lộ với chúng tôi: “Thực tế vài năm trước tôi đã được gia đình ông Joél (người chịu trách nhiệm chương trình Việt Nam – Lào - Campuchia của Fondation France - Liberté) động viên, khích lệ và hứa hẹn giúp đỡ để đem tranh sang Pháp triển lãm. Thế nhưng, tôi vẫn không hy vọng. Đến chừng cầm giấy mời trên tay, tôi mới tin rằng những bức tranh vẽ từ kỷ niệm con người, cuộc sống miền quê dân dã của tôi đã tạo được sự chú ý nào đó. Tôi thấy mạnh dạn hơn. Và tôi đem theo chừng 50 tranh sơn dầu, 40 tranh khắc gỗ lên đường đến Paris - nơi người ta thường gọi kinh đô nghệ thuật”.
Buổi khai mạc tranh của Từ Duy lần đầu năm ấy, đầy bỡ ngỡ, nhưng lại rất đông người đến dự. Đặc biệt, bà Mitterrand - phu nhân của tổng thống Pháp đến xem rất trân trọng và mua một tác phẩm. Cả hai lần triển lãm tại Paris và Pontivy, Từ Duy nhận thấy phần lớn Việt kiều thích mua tranh khắc gỗ, còn người Pháp thích mua tranh sơn dầu. Một vài khách mua tranh, còn ân cần mời Từ Duy về nhà họ để hỏi ý kiến nên treo tác phẩm nơi đâu. Đáng nhớ nhất, là bà con Việt kiều đã dành cho Từ Duy nhiều tình cảm ưu ái, vì họ cho rằng tranh của anh đã giúp họ gặp lại những ký ức thân yêu ở quê nhà.
Về sau, Từ Duy cũng có những chuyến triển lãm khác với vài đồng nghiệp ở châu Âu, nhưng anh cho rằng, kết quả tài chính thu được từ triển lãm xem như huề với những chi phí phải trang trải. Với anh, điều quan trọng là mình đã được dịp bày tỏ quan niệm nghệ thuật phương Đông của mình (chủ yếu tạo hình theo lối xoắn ốc âm dương, hiện đại hóa lối tranh dân gian Đông Hồ và đề tài nông dân chỉ là một cái cớ để thể hiện với giới phê bình và thưởng ngoạn).
Nhắc lại những ký ức về tranh Từ Duy, bà Hồng Hạnh (thân mẫu của diễn viên Trần Nữ Yên Khê), người đã giúp đỡ Từ Duy rất nhiều trong các chuyến triển lãm tại châu Âu nói rằng: “Tranh của Từ Duy có sức lôi cuốn, vì đã mô tả được những nhọc nhằn, cần lao cũng như lối sống, sinh hoạt hằng ngày của những con người miền Trung...”. Nhà phê bình Đặng Tiến nhận xét: “Tranh sơn dầu và khắc gỗ của Từ Duy có nhiều bức đẹp. Vẻ đẹp hồn nhiên của tranh tự học và tự lọc. Màu sắc Từ Duy tươi thắm và đối lập, đường nét cách điệu, mềm mại, tài hoa. Nhiều họa tố tranh dân gian và dân tộc được phối trí theo hội họa hiện đại, tạo được phong cách riêng, vừa lạ lẫm, vừa thân quen...”.
TRẦN TRUNG SÁNG