Nhớ khoai sắn nướng

NGUYỄN TAM MỸ 15/08/2017 08:17

Chiều thu. Như kẻ mộng du giữa ban ngày, tôi đi dạo quanh làng Lâm Bình rồi men theo con đường bê tông ngoằn ngoèo dưới tán rừng thông Caribê để lên cánh đồng bậc thang nhỏ hẹp ở bên đập Hố Qườn. Chiều muộn. Nắng thu hanh vàng. Đồng làng lúa đã chuyển sang màu thị chín, độ mươi hôm nữa là đến mùa gặt. Dăm ba con trâu, con bò nhởn nhơ gặm cỏ. Ở mé đồi Mù U, những sợi khói mỏng manh uốn lượn bay lên trời. Và thoảng trong gió heo may mùi sắn nướng thơm thơm. Bọn trẻ chăn bò bày trò nướng sắn ăn lót dạ ở chỗ ngọn khói tỏa lên. Tôi thầm đoán và sải chân bước đến. Quả nhiên không sai. Trông thấy tôi, bọn trẻ nhe răng cười thay cho lời chào. Nhìn khuôn mặt đứa nào cũng nhem nhuốc tro than, bất giác tôi lại nhớ cái thời đói cơm lạt muối mà mình từng nếm trải…

Dẫu đã hai thứ tóc trên đầu nhưng tôi vẫn không quên những tháng ngày cơ cực ấy. Đấy là những năm cuối thập kỷ 70 của thế kỷ XX. Lúc bấy giờ quê tôi đồng loạt thực hiện hợp tác hóa nông nghiệp để được “sớm trưa tiếng trống đi về nông thôn”. Chỉ sau một thời gian ngắn hậu quả của việc “làm chung ăn chạ” đã hiện hữu trong mỗi gia đình: Đói rã họng! Bởi một ngày công lao động, hợp tác xã chỉ trả có vài ba lạng thóc, lép nhiều hơn chắc. Đói, đầu gối phải bò. Để có cái ăn mà tồn tại với đời, gia đình tôi cũng như bao gia đình khác ở làng Lâm Bình, tận dụng đất gò đồi hợp tác xã bỏ hoang hóa, lén lút trồng khoai sắn. Hồi đó, tôi là cậu bé ở độ tuổi mười sáu, mười bảy, nhưng không thể nào “bẻ gãy sừng trâu” vì bị suy dinh dưỡng nặng. Ban ngày, đi học một buổi, còn một buổi tham gia lao động, “tuổi nhỏ làm việc nhỏ”, dọn bờ, cuốc góc, nhổ cỏ… do tổ đội sản xuất giao khoán cho gia đình để kiếm thêm công điểm. Ban đêm, đem sách vở ra học một lúc, nghe tiếng kẻng vang lên, vội xách đèn bão ra đồng lội ruộng bắt sâu rầy hại lúa…

“Bác chưa khi nào ăn khoai sắn nướng, đúng không? Mời bác nếm thử, ngon lắm!”. Thằng bé có mái tóc xoăn cười nói. “Ở phố làm chi có mà xơi! Ngay ở quê giờ cũng đâu có mấy người trồng…”. Thằng bé có cái trán dô tỏ vẻ hiểu biết. Tôi cầm miếng sắn nướng vàng ruộm vừa nhấm nháp nhai vừa chắp nối lại mạch suy nghĩ dở dang… Những năm tháng ấy, khoai sắn được gọi bằng cái tên khác: Khoai xiêm. Và giống khoai chống đói này cũng có nhiều loại. Khoai gòn, vỏ màu đỏ tím, luộc chín, bở tơi. Khoai bún, vỏ trắng ngà, nấu ăn sượng sượng. Khoai lùn, vỏ có màu xám nhạt, củ ngắn không dài, luộc nấu đã đời, khi xơi vẫn dẽ dẽ… Ngày nào cũng thế, ăn hoài phát ngán, thoáng nghe mùi sắn lại thấy buồn nôn! Dân làng Lâm Bình lại kỳ công chế biến khoai sắn thành các món ăn dân dã: Bún sắn hấp, khoai sắn quết, bánh chập chập, bánh ú sắn, bánh tráng sắn… Cho dù chế biến dưới hình thức nào đi chăng nữa, thì sắn vẫn là sắn, chỉ đánh lừa vị giác vài ba bữa mà thôi!

“Khoai sắn ngày xưa ăn thay cơm à, bác?”. Thằng bé có mái tóc xoăn ngạc nhiên hỏi. Tôi gật đầu. “Chừ, thứ này chẳng có mấy ai trồng. Bọn cháu kiếm được mươi củ sắn nướng ăn cho vui lúc chăn thả trâu bò là nhờ thằng Xí nhổ hú họa bụi sắn làm giàn che mát những cây sầu riêng, măng cụt mới trồng ở vườn nhà”. Thằng bé có cái trán dô cười nói. Tôi bảo với bọn trẻ, ngày xưa còn có một giống sắn nữa, ăn củ tươi không được vì say, phải thái lát to tổ bố đem phơi khô rồi mới sử dụng được. Đó là giống sắn H34. Con nít hồi đó thường chọn những lát sắn H34 to dày làm viên đáo để chơi trò đánh đáo, cãi nhau chí chóe vào những trưa hè… Thời thế đổi thay. Bây giờ sắn khoai không còn là nguồn lương thực chủ lực của mỗi gia đình ở quê. Nó trở thành của hiếm. Và chẳng ai còn nhớ về một thời cơ cực chưa xa…

NGUYỄN TAM MỸ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhớ khoai sắn nướng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO