Nhớ lần tác nghiệp ở Đông Hồ

THÁI MỸ 21/06/2018 10:53

Một ngày đầu tháng 4.1995, nhận được tin ông  George H.W. Bush  (thường gọi Bush cha), cựu Tổng thống thứ 41 của Hoa Kỳ sẽ vào TP.Đà Nẵng, Ban Biên tập Báo Công an tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng liền cử tôi liên hệ với lực lượng an ninh Công an tỉnh để được bám theo chuyến đi.

Tác giả Thái Mỹ (giữa) trong lần gặp gỡ, trao đổi nghiệp vụ với các phóng viên Báo An ninh Hải Phòng năm 2006.
Tác giả Thái Mỹ (giữa) trong lần gặp gỡ, trao đổi nghiệp vụ với các phóng viên Báo An ninh Hải Phòng năm 2006.

Chiều hôm đó, tôi đến gặp các anh lãnh đạo một số phòng của lực lượng an ninh. Các anh đưa tôi một chiếc thẻ “đặc biệt” và cho biết: theo kế hoạch, Tổng thống Bush, phu nhân và đoàn tùy tùng xuống sân bay Đà Nẵng khoảng 9 giờ. Sau đó máy bay trực thăng sẽ đưa ông vào thôn Đông Hồ (Điện Hòa, Điện Bàn) để thăm các binh lính của Cơ quan tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích trong cuộc chiến tranh Việt Nam (MIA). Đây là chuyến đi “không chính thức” của tổng thống, vì vậy các báo chí địa phương, trung ương ở trong nước đều không được thông báo.  

Đúng 6 giờ sáng hôm sau, tôi chạy xe máy từ Đà Nẵng vào thôn Đông Hồ. Từ quốc lộ 1 rẽ vào con đường bê tông tới xã Điện Hòa tôi mới nhận thấy công tác bảo vệ hết sức nghiêm ngặt. Nghiệm ngặt bởi từ khi kết thúc chiến tranh Việt Nam, Tổng thống Bush là nguyên thủ đầu tiên của Mỹ đến Việt Nam và tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Trên con đường bê tông cứ chỗ nào có nhánh rẽ là ở đó có một người cảnh sát hoặc một an ninh đứng chốt. Mặc dù tôi đã đeo chiếc thẻ “đặc biệt” được cơ quan an ninh Công an tỉnh cấp nhưng thỉnh thoảng vẫn có người… ách lại kiểm tra. Phương án bảo vệ này được đại tá, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam Đà - Nẵng Nguyễn Hạnh Kiểm giao cho Thượng  tá Nguyễn Xuân Hường - Phó giám đốc, phụ trách lực lượng cảnh sát và Trung tá Trần Văn Thanh - Phó giám đốc, phụ trách lực lượng an ninh trực tiếp chỉ huy hai lực lượng.

Khi tôi đến được nơi tập kết của đoàn MIA thì gặp anh Trần Văn Thanh và anh Nguyễn Xuân Hường. Các anh cho biết kế hoạch bảo vệ được triển khai từ chiều hôm qua, cán bộ chiến sĩ đều phải thức trắng đêm. Trong phạm vi khu vực chừng 500m cách nơi tổng thống tiếp cận hiện trường đã dùng máy để rà mìn, chất nổ rất kỹ lưỡng. Mỗi bụi tre, bụi chuối rậm rạp đều bố trí một cán bộ chiến sĩ chốt chặn.
Chỗ ở dã chiến của đoàn MIA nằm sát bên dòng sông La Thọ và cánh đồng vừa gặt xong, rộng mênh mông. Bà con nông dân gánh rơm rạ và đốt đồng cũng được lệnh tạm dừng từ chiều hôm trước nên cánh đồng càng thêm vắng lặng. Đoàn MIA đóng ở đây bởi vì họ nhận được thông tin tại bờ sông La Thọ có một lính Mỹ bị chết, vùi lấp. Sông La Thọ uốn quanh nho nhỏ, vào mùa khô, nước càng trơ cạn nên đoàn MIA dùng các bao cát đắp ngăn từng đoạn sông, hút nước để bới từng tấc đất ngay giữa dòng thế mà qua hơn một tháng vẫn chưa tìm được hài cốt.

Tuy tôi vào đây sớm nhưng đến nơi đã thấy có một số phóng viên nước ngoài rồi. Họ căng dây, ấn định vị trí cụ thể chỗ báo chí tác nghiệp chứ không cho vác máy chạy lung tung. Đúng 9 giờ 20, từ xa vọng lại tiếng động cơ xoành xoạch và trên trời xuất hiện chiếc máy bay trực thăng dân dụng bay vào giữa cánh đồng. Một quả khói trắng được phía Mỹ ném ra báo hiệu vị trí trực thăng hạ xuống. Tổng thống Bush cùng phu nhân và con gái bước ra khỏi máy bay, theo các cận vệ phía Mỹ tiến về doanh trại đoàn MIA. Máy ảnh, máy quay phim của các phóng viên bắt đầu tí tách, đèn flash liên tục nhấp nháy. Các phóng viên quốc tế hoạt động nghiệp vụ rất trật tự, bởi phương tiện của họ hiện đại, tối tân còn chiếc máy ảnh Canon của tôi ống kính “kéo” thua xa các phóng viên nước ngoài. Nếu đứng cùng chỗ với họ thì chắc chắn sẽ không thể có những tấm ảnh đẹp. Tôi liền lách khỏi đám đông bước ra khỏi vòng dây căng tiến tới gần Tổng thống Bush tranh thủ bấm máy vài kiểu. Một nhân viên đoàn MIA da đen bóng sấn tới trước mặt tôi hỏi bằng tiếng Việt lơ lớ:

- Anh ở báo nào?

- Tôi là phóng viên Báo Công an - tôi trả lời nhanh mà không chú ý đến anh ta  và tiếp tục bấm máy.

- Anh không được đến gần vị trí này. Chỗ báo chí ở kia mà. Nếu anh xông lên lần nữa thì mời anh ra chỗ con trâu kia kìa - anh ta chỉ tay về phía con trâu đen trũi gặm cỏ ở xa lắc.

Nghe anh ta nói tôi phì cười và lùi về vị trí cũ. Sau đó một sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam tham gia trong đoàn hỗn hợp tìm kiếm MIA nói với tôi rằng anh em trong đoàn thường gọi  người Mỹ da đen đó là Beo, rất giỏi tiếng Việt nên kiêm luôn phiên dịch cho phía Mỹ. Tổng thống Bush thăm hỏi, đi xem chỗ nghi có hài cốt quân nhân Mỹ, tặng quà, chụp ảnh lưu niệm với đoàn MIA; xong, gia đình Tổng thống Bush vẫy chào tạm biệt và bước lên trực thăng về Đà Nẵng. Các nhà báo nước ngoài đều lên ô tô của họ, tôi lên xe máy. Anh Thanh, anh Hường thông báo kết thúc phương án bảo vệ tại hiện trường.
Sáng hôm sau, báo có tin Tổng thống Bush về thôn Đông Hồ thì một số đồng nghiệp của tôi gọi điện trách: “Sao ông không kêu tôi đi với?”. Thật tình, tôi muốn rủ anh em cùng đi  nhưng tôi đâu có dám… rủ là do thế đó!

THÁI MỸ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhớ lần tác nghiệp ở Đông Hồ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO