Nhớ mãi chiến dịch Hè Thu 1952

VÕ VĂN MINH 10/09/2019 11:20

Để hỗ trợ cho phong trào du kích chiến tranh khôi phục và phát triển, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Liên khu 5 chủ trương mở chiến dịch Hè Thu 1952 ở Bắc Quảng Nam - Đà Nẵng nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, bồi dưỡng lực lượng ta và hỗ trợ phong trào chiến tranh du kích địa phương, phá thế kìm kẹp của địch.

Gò Nổi là một vùng đất nằm giữa hai nhánh của sông Thu Bồn. Phạm vi ngang dọc trên 10 cây số. Từ ngày bị địch chiếm, xóm làng trở nên xơ xác. Phần lớn bà con phải bỏ quê ra đi. Vì vậy, muốn khôi phục và đẩy mạnh chiến tranh, trước hết phải làm chủ vùng Gò Nổi này.

Nơi đây, địch cắm hai cứ điểm lớn là Xuân Đài và Vân Ly cùng nhiều tháp canh khác như Tứ Kỳ, Thượng Phước…Cứ điểm Xuân Đài, hình tứ giác, trên một địa hình bằng phẳng trống trải, có công sự kiên cố, có lô cốt, hầm ngầm cố thủ. Đặc biệt ở đây có 6 lớp rào kẽm gai. Đồn do một đại đội đóng giữ, có nhiều cụm pháo 105 yểm trợ, từ Vĩnh Điện, Ái Nghĩa, Túy Loan, Quá Giáng. Ban chỉ huy Trung đoàn 803 giao nhiệm vụ tiêu diệt cứ điểm Xuân Đài cho Tiểu đoàn 365. 

Lúc 23 giờ ngày 21.7.1952, Tiểu đoàn 365 áp sát hàng rào kẽm gai cứ điểm Xuân Đài, địch không hề hay biết. Lệnh tiến công được phát ra. Bộc phá ta liên tục nổ. Địch chống cự quyết liệt. Tổ bộc phá thương vong gần hết. Chiến sĩ Huỳnh Trãi, một mình trong mưa đạn, chạy lên chạy xuống, dùng toàn bộ số bộc phá còn lại của anh em, liên tiếp phá tung 3 lớp rào cuối cùng. Liền đó, bộc phá 20 cân của ta tiến vào, đánh nổ tung mảng tường lô cốt số một. Tên đồn trưởng trúng đạn, bị thương nặng. Ta tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm Xuân Đài sau 2 giờ chiến đấu, thu toàn bộ vũ khí.

Đây là trận công đồn bằng sức mạnh. Địch chống cự quyết liệt, nhưng ta đã giải quyết nhanh, gọn, hiệu xuất chiến đấu cao. Cùng lúc đánh cứ điểm Xuân Đài, Tiểu đoàn 59 được giao nhiệm vụ đánh khu hành chính Phú Kỳ nằm giữa Xuân Đài và Vân Ly..

Đêm 23.7, thừa thắng ta đánh tiếp cứ điểm Vân Ly. Vân Ly là cứ điểm hiểm yếu, xây trên một địa hình phức tạp, 3 mặt là sông, phía trước có lô cốt boong ke, bên trong có hầm ngầm kiên cố, được bố trí hỏa lực mạnh. Địch thường huênh hoang về sự “bất khả xâm phạm” của hệ thống phòng thủ này.

Sau khi mất Xuân Đài địch ở Vân Ly ráo riết đề phòng. Yếu tố bất ngờ của ta không còn nữa. Trận đánh diễn ra ác liệt ngay từ đầu. Địch phản ứng quyết liệt. Pháo lớn của địch từ Ái Nghĩa, Vĩnh Điện tới tấp bắn chi viện vào sát hàng rào thứ nhất. Các đội bộc phá liên tiếp xông lên mở rào. Đội bộc phá của Đại đội 213 vừa mở được 2 lớp rào thì trung đội phó hy sinh, một số lớn bộc phá viên bị thương và hy sinh. Các lớp hàng rào 3, 4, 5 còn đó. Đại đội phó Phạm Đình Dư không một chút chần chừ, vụt chạy lên trong lửa đạn thay anh em, ôm bộc phá, phá tung hàng rào thứ 3. Anh quay lại, ôm bộc phá của đồng đội bị thương, chạy lên đánh tiếp hai lớp rào dây thép gai mở toang cửa tấn công… Kết quả, dù địch có phòng bị cẩn mật, cứ điểm kiên cố Vân Ly “bất khả xâm phạm” ấy vẫn bị tiêu diệt.

Bị mất 3 đồn trong hai đêm, vùng Gò Nổi bị uy hiếp mạnh, Bộ chỉ huy Pháp ở Quảng Nam hiểu ngay rằng chúng đã đụng đầu với chủ lực của ta. Chúng mở ngay một cuộc càn quét lớn với lực lượng khoảng 2.000 quân, có không quân, pháo binh, xe lội nước vượt sông Thu Bồn, băng qua cánh đồng Duy Hưng tiến thẳng vào hướng trú quân của Tiểu đoàn 365. Dưới sự chỉ huy của Tiểu đoàn phó Nguyễn Văn Thông và Chính trị viên Bùi Dư, quân ta xung phong đánh bật địch ra giữa đồng trống và đánh giáp lá cà. Kết quả, ta diệt gần 200 tên, bắn cháy 5 xe lội nước.

Lúc này, là đợt hai của chiến dịch. Nhằm đập tan mắt xích quan trọng trong hệ thống phòng thủ tây nam thành phố Đà Nẵng, Trung đoàn giao nhiệm vụ diệt đồn Túy Loan cho Tiểu đoàn 365, có sự yểm trợ của Tiểu đoàn Trợ chiến.

Kẻ địch phán đoán ta có thể phát triển từ hướng tây xuống tiến công Túy Loan, uy hiếp Đà Nẵng, nên chúng tăng cường cho Túy Loan một đại đội Âu Phi. Lúc 22 giờ đêm ngày 19.8.1952, tức là đêm 29.6 năm Nhâm Thìn, trời tối đen như mực. 23 giờ 40 phút, trận đánh bắt đầu. Mở đầu là các bộc phá ống, tiếp đến là các loạt đạn dồn dập chế áp. Chỉ 5 phút sau, đột phá khẩu đã mở. Ta dùng bộc phá 20 cân vào đánh tiếp lô cốt đầu cầu. Đại đội trưởng Nguyễn Phước Trình dẫn đầu bộ đội xung phong, trúng đạn hy sinh. Địch ngoan cố chống cự, chúng rút xuống giao thông hào, hầm ngầm, điên cuồng chống trả. Các chiến sĩ ta giành giật với địch trên từng đoạn giao thông hào, vừa đánh vừa kêu gọi đầu hàng. Không chịu nỗi thứ vũ khí lợi hại của ta là thủ pháo, địch lần lượt chui lên nộp vũ khí đầu hàng.

Kết quả, sau hơn một giờ chiến đấu quyết liệt, Túy Loan - cứ điểm mạnh của địch đã hoàn toàn bị tiêu diệt. Ta làm chủ chiến trường, bắt tù binh, thu vũ khí. Đặc biệt thu được khẩu pháo lớn 94mm. Đây là, khẩu pháo lớn đầu tiên mà chiến trường Liên khu 5 thu được trong chiến đấu.

Ngoài những trận trên, quân ta thừa thắng diệt tiếp cứ điểm Bà Du, Túy La, Thượng Phước, Lệ Sơn và đồn Nhứt ở đỉnh đèo Hải Vân.  Chiến dịch Hè Thu 1952 Quảng Nam - Đà Nẵng là một chiến dịch thắng lớn và toàn diện. Đó là sự phối hợp giữa hoạt động quân sự và hoạt động chính trị, giữa tác chiến của bộ đội chủ lực với chiến tranh du kích rất nhịp nhàng,  tạo nên sức mạnh tổng hợp to lớn để đánh địch và thắng lợi. Ta đã diệt 7 cứ điểm lớn nhỏ, 5 tháp canh, thu được nhiều vũ khí, quân trang, quân dụng.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhớ mãi chiến dịch Hè Thu 1952
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO