Báo Quảng Nam trân trọng giới thiệu những kỷ niệm, ký ức của đồng chí Mai Thúc Lân - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng và nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam về người anh, người đồng chí Võ Chí Công.
Tiết mục văn nghệ tại Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Võ Chí Công tổ chức tại TP.Tam Kỳ năm 2012. Ảnh: THÀNH TRÍ |
Trước ngày giải phóng miền Nam, tôi công tác ở miền Bắc và biết đồng chí Võ Chí Công lúc đó là đại diện Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại miền Trung Trung Bộ. Tôi hiểu đó là chức danh công khai, còn trong cương vị lãnh đạo của Đảng, đồng chí là Bí thư Khu ủy 5... Sau ngày thống nhất đất nước, tôi được biết đồng chí Võ Chí Công đã đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng của Đảng và Nhà nước, nhưng cũng chưa có lần nào được gặp mặt đồng chí. Ngày Ban Bí thư ra Chỉ thị 100 về khoán sản phẩm, ở miền Bắc xuất hiện mấy câu thơ ca ngợi theo thể thơ Bút Tre: “Hoan hô chị Nguyễn Thị Bình/ Được ngồi bên cạnh anh Chinh, anh Đồng/ Hoan hô anh Võ Chí Công/ Anh cho khoán hộ ruộng đồng tốt tươi”.
Hết lòng vì nước, vì dân
Thời gian đó, đồng chí Võ Chí Công là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng phụ trách khối nông - lâm - ngư nghiệp. Đồng chí đã dành nhiều thời gian, công sức nghiên cứu tình hình các hợp tác xã nông nghiệp ở miền Bắc. Từ đó, đồng chí đã đề xuất vấn đề khoán sản phẩm và Chỉ thị 100 của Ban Bí thư ra đời, mở ra giai đoạn mới trong việc giải phóng sức sản xuất của nông dân. Cho mãi đến dịp kỷ niệm 40 năm Quốc khánh (2.9.1985), tỉnh Hà Bắc cũ được đón nhận Huân chương Sao vàng, tôi mới có dịp gặp đồng chí Võ Chí Công thay mặt Đảng và Nhà nước về dự lễ và gắn huân chương lên lá cờ truyền thống của tỉnh. Hồi đó, tôi là Chủ tịch UBND tỉnh Hà Bắc nên đã cùng các anh lãnh đạo tỉnh tiếp và làm việc với đồng chí. Qua cuộc làm việc đó, tôi thấy toát lên sự giản dị, chân thành và đôn hậu của đồng chí Võ Chí Công trong việc trao đổi ý kiến với chúng tôi.
Đồng chí Võ Chí Công (nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, nguyên Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng; đại biểu Quốc hội các khóa VI,VII,VIII) tên thật là Võ Toàn, sinh ngày 7.8.1912, tại làng Tam Mỹ, tổng Phú Quý, phủ Tam Kỳ, nay là thôn Khương Mỹ, xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành. Thân phụ ông là cụ Võ Nghiệm, một nhà nho yêu nước, được truy tặng là liệt sĩ; thân mẫu là bà Nguyễn Thị Thân, được truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. |
Rồi vào mùa lũ năm 1986, ở Hà Bắc xuất hiện sự cố đê Nội Doi thuộc hữu ngạn sông Cầu. Những ngày cuối tháng 7 năm đó, mưa to kéo dài làm nước các sông của tỉnh lên nhanh và đoạn đê thuộc Cống Nội Doi, huyện Quế Võ bị xói lở nghiêm trọng, có khả năng bị vỡ đến 90%. Mà nếu đê Nội Doi vỡ thì sẽ làm ngập quốc lộ 1A từ Bắc Ninh về Hà Nội và sẽ nhấn chìm không ít thôn, xóm, khu phố của thị xã Bắc Ninh và các huyện Tiên Sơn, Quế Võ. Trước tình hình đó, vào sáng 28.7.1986, Hội đồng Bộ trưởng mà trực tiếp là đồng chí Võ Chí Công đã cho thành lập Ban chỉ huy tiền phương để cứu đê Nội Doi do tôi làm Trưởng ban. Đến đêm 31.7 thì chỗ đê bị sạt lở đã căn bản được khắc phục. Ngay sáng 2.8, đồng chí Võ Chí Công từ Hà Nội lên thẳng Đáp Cầu và đi ca nô thị sát tuyến đê đã được hàn gắn rồi về trụ sở UBND thị xã Bắc Ninh làm việc với Ban chỉ huy tiền phương cứu đê và lãnh đạo tỉnh. Đồng chí đã chăm chú lắng nghe báo cáo của Ban chỉ huy trong việc cứu đê Nội Doi, phát biểu khen ngợi và động viên các lực lượng tham gia cứu đê và nêu ra những việc cần tiếp tục thực hiện. Trước khi về Hà Nội, đồng chí vẫn còn căn dặn chúng tôi là tình hình mưa lũ ở miền Bắc vẫn còn kéo dài, mặc dù việc cứu được đê Nội Doi là một thành tích rất đáng biểu dương, nhưng tuyệt đối không được chủ quan... Lần làm việc đó với đồng chí Võ Chí Công trong điều kiện phục vụ còn rất khó khăn, tôi càng nhận thấy phong thái của đồng chí rất khoan thai nhưng rất cụ thể, rất giản dị nhưng cũng rất nghiêm túc, không đao to búa lớn nhưng rất thẳng thắn, chân thành, hết sức thông cảm với những khó khăn của tỉnh trong hoàn cảnh lũ lụt vẫn còn đe dọa…
Lắng nghe và quyết đoán
Cuối năm 1989, tôi về nhận công tác chuyên trách ở Quốc hội khóa VIII. Nhiệm kỳ này, đồng chí Võ Chí Công được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, cơ quan cao nhất hoạt động thường xuyên của Quốc hội (theo Hiến pháp năm 1980). Đóng góp quan trọng nhất của đồng chí Võ Chí Công trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa VIII là việc xây dựng Hiến pháp năm 1992: Hiến pháp thể chế đường lối đổi mới của Đảng ta. Là Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và là Chủ tịch Ủy ban sửa đổi Hiến pháp, đồng chí đã tốn nhiều tâm trí, sức lực để nghiên cứu, tham khảo nhiều ý kiến đóng góp của các nhà hoạt động chính trị, luật pháp, khoa học, văn nghệ sĩ… và các tầng lớp nhân dân, cùng với các vị trong Ủy ban chỉnh lý, sửa đổi, bổ sung nhiều lần để có được bản dự thảo hoàn chỉnh trình ra kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa VIII thảo luận, thông qua với 100% đại biểu tán thành...
Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII, đồng chí Võ Chí Công được Ban Chấp hành Trung ương mời tham gia Ban Cố vấn cùng với các đồng chí Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Linh. Ở Quảng Nam - Đà Nẵng, trước và sau Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh xuất hiện những hiện tượng mất đoàn kết, tham nhũng, tiêu cực. Nhiều đồng chí lão thành cách mạng, cán bộ hưu trí ở địa phương đã viết thư lên Bộ Chính trị yêu cầu thay đổi lãnh đạo tỉnh. Trong kỳ họp Quốc hội cuối năm 1993, đồng chí Võ Chí Công gặp tôi và có ý kiến: “Nếu tình hình Quảng Nam - Đà Nẵng không giải quyết được ổn thỏa thì có thể sẽ đề nghị với Bộ Chính trị điều động anh vào làm Bí thư Quảng Nam - Đà Nẵng”.
Sau đó tôi và anh Trương Quang Được được Bộ Chính trị giao nhiệm vụ về Quảng Nam - Đà Nẵng... Đồng chí Võ Chí Công biết tôi còn nhiều băn khoăn vì chưa nắm bắt được tình hình nên động viên tôi cần bình tĩnh, lắng nghe ý kiến đóng góp của các đồng chí ở địa phương và quan trọng hơn là phải có chính kiến, thận trọng xử lý công việc.
Bài học về đoàn kết và công tác cán bộ
Từ ngày 29 đến 31.3.1994, Đảng bộ Quảng Nam - Đà Nẵng tổ chức hội nghị đại biểu giữa nhiệm kỳ; đồng chí Võ Chí Công về dự và phát biểu ý kiến chỉ đạo trước khi hội nghị bế mạc. Trong bài phát biểu của đồng chí, có những điều mà tôi đã coi như phương châm trong thời gian công tác ở tỉnh: “…Trước hết phải xây dựng đoàn kết thật sự trong Đảng, tạo nên sự nhất trí cao trong nội bộ Đảng về đường lối và các chủ trương, chính sách, các biện pháp kinh tế - xã hội. Đoàn kết trong nội bộ cấp ủy, giữa cán bộ, đảng viên các cấp, đoàn kết trên dưới, đoàn kết giữa các đồng chí hưu trí với các đồng chí đương chức. Trong quá trình đấu tranh cách mạng, Đảng bộ Quảng Nam - Đà Nẵng đã có một truyền thống đoàn kết hết sức tốt đẹp và đã đóng góp phần quan trọng cho sự nghiệp vẻ vang trong lịch sử dân tộc và của Đảng. Trong giai đoạn mới này, phải ra sức phát huy truyền thống tốt đẹp đó để thực hiện mục tiêu kinh tế - xã hội của Đảng... Một vấn đề hết sức quan trọng trong xây dựng Đảng là phải tích cực và biết sử dụng tốt đội ngũ cán bộ sẵn có và đào tạo đội ngũ cán bộ kế thừa. Quảng Nam - Đà Nẵng không thiếu nhân tài, đời nào cũng có nhiều nhân tài, đời nay càng có nhiều nhân tài hơn. Vấn đề là phải tập hợp được nhiều trí tuệ của anh chị em, sử dụng hợp lý trên các lĩnh vực, có chính sách thỏa đáng, tạo điều kiện thuận lợi để anh chị em phát huy được tài năng của mình. Mạnh dạn đào tạo lớp cán bộ kế thừa có phẩm chất cách mạng, có tri thức, trẻ, có chuyên môn, qua thử thách công tác để tiếp tục sự nghiệp cách mạng”.
Thời gian công tác ở Quảng Nam - Đà Nẵng và Quảng Nam sau này, những khi ra họp tại Hà Nội, tôi lại được gặp đồng chí Võ Chí Công và được đồng chí hỏi han, trao đổi, động viên… Tôi hiểu đó cũng là tình cảm sâu đậm của đồng chí đối với quê hương, với Đảng bộ và nhân dân Đất Quảng, Thành Đà. Và mặc dù không được trực tiếp công tác dưới sự lãnh đạo của đồng chí, nhưng tôi vẫn luôn luôn ghi nhớ những chỉ dẫn của đồng chí trong thực hiện nhiệm vụ công tác được giao cho đến khi về nghỉ hưu.
ĐÔNG KHÔI (lược ghi)