Gần 30 năm rồi, mọi thứ nhòa đi, chỉ còn bóng đổ trong mưa lạnh thổi nghiêng đêm, cũng tầm thời khắc này. Sát tết. Tôi không nhớ cụ thể, phải hỏi Trường.
Thị trấn Vĩnh Điện - Điện Bàn. |
Ngày đó, Trường làm chỗ với tôi, mang nguyên cốt cách sinh viên mới ra trường vào công sở. Vị lãnh đạo cơ quan ra tối hậu thư, rằng trong một tháng, nếu không hớt tóc lòi lỗ tai, thì tự động nghỉ. Đúng một tháng, Trường nghỉ rồi về Đài Truyền thanh Điện Bàn làm, lúc đó anh Phạm Nên làm trưởng đài. Tất nhiên, vẫn nguyên màu mây xưa, Trường đời nào chịu xuống tóc. Trường thế mà an cư sớm hơn tôi, tức là có phòng tập thể để ở và làm việc, chứ tôi vẫn lang thang bất định ở Đà Nẵng, xe đạp cũng không sắm nổi.
Hoài niệm
Tôi hỏi rằng bà nớ tên chi quên rồi, Trường nói ngay là bà Long. Sau này, rồi mới đây thôi, một tối ngang qua nhà văn hóa thị xã Điện Bàn, tôi cố chạy chậm để coi thử có bà đó không, mà vẫn không thấy. Hằn sâu trong tôi gương mặt người già như cố giấu, lẩn đi sau ánh đèn hột vịt lộn. Ngày đó, bao đêm dài, tôi và Trường ngồi đó, y như hồi sinh viên. Bà bán vịt lộn, bữa thì bán đầu cánh cổ vịt, rồi bún. Bữa nào ít tiền, tụi tôi nhậu bằng tô nước bún, bữa khá hơn xí thì kêu thêm cái móng heo, còn bí hung thì hai cái trứng lộn. Tất nhiên là rượu gạo. Hình như bà cũng quen rồi với hai thằng mang danh nhà báo mà gầy giơ xương, đi liêu xiêu như ma đói, ngồi cái phịch xuống, rì rầm bao chuyện, mãn khuya mới lê xác về.
Đèn đường vàng ệch, đâu đủ soi chỗ ngồi, nên phải nương ánh đèn dầu. Nhìn những bức vẽ, hình chụp những con phố hiu hắt đèn dầu, với bóng những người đàn bà đàn ông đổ ngã vô tường, người ta hay hoài niệm, hay “chua” cho một câu rằng ở đó chỉ còn nỗi nhớ. Tôi thì ước mơ, trên cái nền đã cũ, nếu là họa sĩ, sẽ vẽ lại những đôi mắt, của một người thôi, biến động theo thời gian, từ đó ta có thể hình dung những xáo trộn, đổi thay. Mọi thứ qua nhanh, bao lần tôi ngang qua, thấy Vĩnh Điện từ đèn vàng qua đèn trắng, nhưng hình như cái cổng nhà văn hóa với sắt mục, sơn cũ, loi nhoi cỏ vẫn vậy, ngay cả những người quen ở đó, vẫn như thế. Rồi đài huyện nữa, kẻ đến, người đi, nhưng những người cũ còn đó, vẫn thế. Tôi không hề thấy mòn nhàm ở họ, bởi mình có mới mẻ chi đâu. Năm tháng qua đi, kết tủa trong tôi ý nghĩ như nguyên lý trái đất quay quanh mặt trời, rằng ai sinh ra cũng đã được sắp đặt trước. Vì thế, đừng ngạc nhiên và đòi hỏi. Ngày nào còn thấy nhau thì ổn, không thì rồi cũng vậy thôi.
Phố
Nhưng phố thì khác. Vĩnh Điện thay đổi nhiều. Nhà cửa, đường sá, bán buôn, ăn nhậu, cả hít thở hình như cũng khác đi. Tôi nhớ một vị lãnh đạo tỉnh quê ở đây, nói rằng dân thị trấn lắm người giàu, nhưng họ thiếu điều kiện bung ra làm ăn, cũng bởi kẹt đủ thứ. Cái đủ thứ đó, đứng riêng góc độ quy hoạch, đường sá, dễ thấy một thời gian dài, tuy nằm ở quốc lộ, nhưng nó như bị lãng quên, chật chội, ra khỏi nhà mặt tiền là thấy ruộng đồng. Giờ, mở lên phía tây, xuống phía đông, chiếc áo như rộng ra hơn, ngột ngạt được tháo bung ra. Một diện mạo khác cho đô thị, đã thành hình hài.
Có lẽ, chuyện này quá muộn màng, lẽ ra phải thực hiện từ sớm hơn để tạo động lực cho phát triển. Cũng chính vì chậm trễ, nên hình như tôi vẫn chưa thấy câu chuyện và tâm hồn đô thị ở Vĩnh Điện, dù đã lên thị xã, xét ở góc độ biến động về văn hóa. Điều này là tất nhiên, nó phải là sự cộng hưởng của dân cư, sinh hoạt, làm ăn, những tiếp dẫn và phái sinh, tức là phải có bề dày thời gian đi kèm vô số điều. Mọi thứ vẫn vậy.
Trong tôi vẫn không ngừng hỏi, rằng, như nhiều nơi khác, thăng hạng từ thị trấn, huyện lên thị xã, ngoài các tiêu chí mang tính hành chính, những nỗ lực để ghi tên vào bảng phong thần, thì câu hỏi người dân được gì khi sổ hộ khẩu thay đổi tên gọi nơi mình cư trú? Lên thị xã, miếng cơm manh áo người dân có cơ hội tốt hơn không? Đời sống văn hóa, tinh thần có phong phú hơn không? Cái nhìn có sự chuyển biến từ ruộng đồng lên phố không? Đã qua rồi cái thời người dân tự sướng. Họ có đủ công cụ để nhận chân mình. Đây mới là căn cốt để định hình. Tất nhiên, đó là chuyện cần làm của nhà chức trách. Vinh quang qua mau, còn lại những đối mặt, thách thức của thực tại luôn hiện tồn. Hãy thử test đi, xem dân nói gì, nghĩ gì. Không thể đi xa hơn, nếu mình không dừng lại và cúi xuống…
Vĩ thanh
Tôi thuộc loại chây ì, cũ kỹ trong ăn nhậu, vẫn thích lê la vỉa hè, thèm ly rượu gạo đúng điệu xưa cũ, khê nồng, đục đục, sủi bọt. Tôi điện hỏi Trường, để một lần thêm nhớ và thèm. Không biết điều này đúng hay sai, nhưng tôi vẫn ôm cứng ngắc cây cột điện mà nói rằng, đã là phố, dứt khoát phải có quán rượu cho “hiệp khách hành”. Rượu ngon, mồi ngon, phóng đãng mà thư thái. Khách cũng phải được kén chọn. Tửu quán là nơi giao tình mà. Tôi sống gần 20 năm ở Tam Kỳ, vẫn không tìm được một quán rượu đúng nghĩa. Ngay cả Hội An kìa, tìm ở đâu, hay phải dạt về Cẩm Thanh, ghé quán cá nướng giữa đồng, tấp vô nhà bạn, tìm cho được rượu quê để uống. Có quán rượu ngon, lịch sự, văn minh, là nơi sinh hoạt văn hóa ở phố, với tôi là một chỉ dấu cho cơn say của một tâm hồn đô thị, bởi đó không là chuyện rượu chè bá láp, mà ở đó sẽ là những dáng ngồi lõm tường, xuyên đêm, sau này lưu vào ký ức, khi năm tháng qua đi, tất cả chỉ còn lại một chữ Nhớ.
Loáng qua thật chậm những gương mặt thân quen đã say bao lần với tôi ở Vĩnh Điện. Họ vài năm nữa rồi sẽ về hưu. Hồi đó, say dễ tìm đường. Giờ mà say, coi chừng đi lạc. Người đã già. Phố thì trẻ. Chỉ có cái nắm tay là quen, tất nhiên, họ còn nhậu tốt…
TRUNG VIỆT