(QNO) - Chạp mã là ngày để con cháu nhớ về tổ tiên ông bà, thành tâm với người đã khuất, còn là dịp gặp gỡ, củng cố mối quan hệ tộc họ, chia ngọt sẻ bùi, nhìn nhận bà con.
Những ngày này, con cháu tộc Lê Phước (Ái Nghĩa, Đại Lộc) sinh sống ở TP.Hồ Chí Minh, ai cũng bồn chồn nhớ quê, nhớ ngày chạp mã. Không về quê dịp này, mọi người gọi điện thoại cho nhau nhắc nhớ ngày quan trọng của dòng tộc mình với nhiều kỷ niệm.
Tộc “Lê Phước” chúng tôi chạp mã vào ngày mùng một tháng Chạp hàng năm. Ngày này, con cháu nội ngoại xa gần đều tranh thủ về tụ họp, nhang khói ông bà. Trước đó, ban chủ chốt tộc họ có mấy cuộc họp bàn bạc, thảo luận về chương trình ngày chạp mã. Nhờ thế, không ít lần con cháu về họp mặt đông hơn ngoài dự tính, không khí vì thế càng thêm ấm áp, thân tình.
Đứng từ nhà thờ tộc nhìn ra phía trước là con đường làng đã được bê tông hóa, hai bên đồng lúa xanh rì. Phía bên trái con đường có một khu mộ dòng tộc; ngày chạp mã, con cháu thành kính nhang khói. Hơn hai mươi năm trước, các ngôi mộ nơi đây chưa được xây cất, chỉ đắp đất và gắn một tấm bia để tưởng nhớ, phân biệt nên ngày chạp mã mọi người tỏ ra bận rộn hơn bây giờ. Trên tay ai cũng cầm cuốc, liềm để cắt cỏ, bang đất và một bó nhang to. Nhang không chỉ được thắp trong mộ người thân, họ hàng mà còn thắp cho các ngôi mộ láng giềng hay vô chủ.
Chạp mã là dịp để con cháu tộc họ thắt chặt tình thân (ảnh minh họa). Nguồn: Internet. |
Sau khi phát hoang cỏ cây, ngôi mộ nào cũng “mặc áo” màu đất giống hệt nhau. Mọi người tỏ ra hài lòng, khi “ngôi nhà” của người thân đã khuất của mình được dọn dẹp sạch sẽ, chuẩn bị đón xuân. Bây giờ, phần lớn những ngôi mộ được quét vôi hay ốp đá, không cần phải “dẫy mã” như trước. Tuy vậy, mộ tộc Lê Phước nằm trong khu ngập lụt, nên một vài năm phải quét vôi. Đứng trước phần mộ được chăm sóc nhân ngày đặc biệt, ai cũng cảm thấy ấm áp, an lòng.
Thăm mộ xong, mọi người quay trở lại nhà thờ tộc để dự lễ cúng bái tổ tiên, chuyện trò, nhìn nhận bà con. Ngày này, con cháu ngoại được ưu tiên “ngồi mâm trên”; trẻ con, người già được quan tâm, chăm sóc chu đáo. Người làng tôi, nhắc đến ngày chạp mã, ai cũng mong chờ, bởi ngày chạp mã không chỉ diễn ra trong ngày mùng một tháng Chạp, ngay tại nhà thờ tộc, mà còn diễn ra ở nhà riêng của những người chung “đầu ông cố” vào ngày hôm sau (mùng hai tháng Chạp).
Cứ “đến hẹn lại lên”, con cháu tộc Lê Phước ở Sài Gòn lại chuẩn bị cho ngày trở về dự chạp mã quê nhà. Tuy nhiên, những ai không về được, vẫn có cơ hội dự ngày chạp mã tộc họ mình tại thành phố. Đây là dịp để con cháu tộc Lê Phước tưởng nhớ quê xa, phát huy tinh thần đoàn kết, củng cố các mối quan hệ bền chặt, để mỗi người dù xa quê, vẫn luôn thấy ấm áp trong lòng.
KHÁNH THI