Nhận nhiệm vụ giải phóng Cù Lao Chàm (nay là xã đảo Tân Hiệp) trong thời gian sớm nhất, ngay trong tối 29.3.1975, ba chiếc thuyền đánh cá chở lực lượng vũ trang của ta cưỡi sóng gió cấp 7, nhằm hướng đảo thẳng tiến…
Ông Nguyễn Văn Trước (trái) và ông Nguyễn Hưng kể lại thời khắc giải phóng xã đảo Tân Hiệp.Ảnh: GIANG HẢI |
Cưỡi sóng ra đảo
Nhắc lại thời khắc giải phóng xã đảo Tân Hiệp 38 năm trước, ông Nguyễn Hưng - nguyên Bí thư Thành ủy Hội An nhớ như in: Ngày 29.3.1975, Đà Nẵng được giải phóng. Chiều cùng ngày, đồng chí Võ Chí Công - Bí thư Khu ủy 5 cùng đoàn công tác vô Hội An. Tại Tỉnh đường Quảng Nam (nay là Khách sạn Hội An), chưa kịp nghỉ ngơi, đồng chí Võ Chí Công đã yêu cầu các anh em giở bản đồ ra kiểm tra. Những ai có mặt khi ấy đều giật mình khi đồng chí Võ Chí Công chỉ tay trên bản đồ còn một vùng đất mà ta chưa giải phóng. Đó là Cù Lao Chàm. Đồng chí giao nhiệm vụ cho lãnh đạo Thị xã Hội An tổ chức ngay lực lượng tại chỗ, đợi trời tối vượt biển ra giải phóng đảo.
“Đồng chí Võ Chí Công yêu cầu phải giải phóng đảo Tân Hiệp trong thời gian ngắn nhất có thể. Mệnh lệnh khẩn trương và vẻ mặt đăm chiêu của người lãnh đạo đáng kính ấy khiến chúng tôi ai cũng cảm nhận được tầm quan trọng của nhiệm vụ lần này. Khi đó, tôi là Trưởng ban An ninh Thị xã Hội An được Thường vụ Thị ủy giao nhiệm vụ làm chỉ huy giải phóng Tân Hiệp. Anh Nguyễn Văn Trước - Thị đội phó được giao nhiệm vụ tập hợp lực lượng, chuẩn bị tàu thuyền. Công tác chuẩn bị rất khẩn trương, bí mật, đến chập choạng tối thì mọi việc hoàn tất. Thời điểm ấy, trời trở gió bấc cấp 7 nên Cửa Đại vắng lặng như tờ. Ba người chủ tàu được huy động đưa quân ra đảo tỏ ra ái ngại vì không rõ chúng tôi là ai, ra đảo làm gì giữa lúc sóng to gió lớn thế này” - ông Hưng nhớ lại.
Trời tối hẳn, 3 chiếc tàu vượt sóng gió chở theo 32 người trong trang phục vạn chài nhằm hướng Cù Lao Chàm thẳng tiến. Trong đêm tối, chỉ có tiếng máy tàu gầm gào cưỡi sóng gió, không ai nói một lời nào, mọi người (gồm đặc công nước, C2, C4, tổ binh địch vận) đều dồn hết sự tập trung hướng về phía đảo. “Ba giờ sáng thì tàu chạy ra đến Hòn Mồ, hai tàu có công suất nhỏ hơn liền chia làm hai mũi. Một mũi chạy vào ém phục ở Bãi Xếp, mũi còn lại chạy vào ém phục ở Bãi Ông tạo thành thế gọng kìm, sẵn sàng đợi lệnh hiệp đồng tác chiến. Trong chúng tôi ai cũng hừng hực khí thế sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng hy sinh để giải phóng vùng đất cuối cùng của quê hương” - ông Nguyễn Văn Trước tâm tình.
Ngày giải phóng
Năm giờ sáng 30.3.1975, tiếng súng đồng loạt nổ thị uy. Theo kế hoạch tác chiến đã vạch ra, chiếc tàu lớn áp sát bến Bãi Làng, ta dùng loa dõng dạc kêu gọi: “Đây là quân chính quy Bắc Việt, các bạn ngụy quân ngụy quyền hãy buông súng đầu hàng!”. Tại thời điểm lịch sử này, trên khắp mặt trận, địch liên tiếp bị thua đau, phải tháo chạy, nhiều vùng đất được giải phóng, trong đó có Quảng Nam - Đà Nẵng. Do vậy, tinh thần quân ngụy đang đồn trú tại Tân Hiệp cũng bị hoang mang, dao động không kém. “Vì thế khi nghe tiếng loa (người của tổ binh địch vận có giọng miền Bắc) cất lên chúng lầm tưởng là bộ đội chủ lực của ta đã đánh áp sát đảo nên hàng ngũ rối loạn, không đánh mà tự tan rã, buông súng đầu hàng không điều kiện. Đến hơn 8 giờ sáng, ta nắm quyền làm chủ hoàn toàn xã đảo Tân Hiệp trong niềm hân hoan vô bờ của bà con ở đảo”- ông Trước hồ hởi kể.
Cũng theo lời kể của ông Hưng, ông Trước, ngay trong sáng 30.3, ta tiến hành giải giáp quân ngụy, kê biên tịch thu gần nghìn khẩu súng các loại. Đến trưa, khi tình hình ổn định, người dân địa phương cấp báo hiện có hàng nghìn thanh niên đang trốn quân dịch trên các ngọn núi cao của đảo. Những thanh niên này sống ở khắp các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Bình Định, Quảng Nam vì trốn quân dịch nên theo tàu đánh cá ra trú trốn trên đảo. Nhận được tin báo, ta tổ chức kêu gọi, cho người tiếp cận để vận động, trấn an và đưa họ xuống núi. Thời điểm ấy, hàng nghìn người dân có mặt trên đảo, không khí đông vui như hội, nhân dân giết gà, mổ heo ăn mừng ngày giải phóng.
Cũng đứng trưa ngày hôm ấy, ngư dân địa phương báo tin vừa phát hiện một chiếc tàu lạ hỏng máy đang trôi dạt trên vùng biển Cù Lao Chàm. Nhận định đây có thể là tàu của địch tháo chạy từ Đà Nẵng vào Sài Gòn trên đường đi thì bị hỏng máy. Ta cử lực lượng ra nắm tình hình để có kế hoạch ứng phó. Đúng như nhận định, chiếc tàu trên chở 24 sĩ quan ngụy có quân hàm cấp tá trở lên đang trên đường chạy vào Sài Gòn. Tuy nhiên, do không muốn đưa những người này vào Sài Gòn nên lái tàu phá hỏng máy.
Sau một tuần, ta đã xây dựng được chính quyền lâm thời thôn Tân Hiệp (xã Cẩm An, Thị xã Hội An cũ). “Năm 1976 lập thành xã Tân Hiệp, tôi được giao nhiệm vụ làm Bí thư Đảng ủy xã. Để ghi nhớ mãi thời khắc giải phóng xã đảo, ngày 30.3 hằng năm, tại Tân Hiệp, chúng tôi tổ chức buổi gặp mặt thân mật để cùng nhau ôn lại những kỷ niệm của một thời hoa đỏ, để được tận mắt chứng kiến sự đổi thay từng ngày trên quê hương xứ đảo” - ông Hưng tâm tình.
HÀN GIANG - MINH HẢI