Những câu chuyện tưởng sẽ không bao giờ dứt hẳn trong lòng người vẫn còn muốn nhớ. Nhất là chuyện nghĩa ân, khi người dân Lào, một mực tin yêu bộ đội Việt Nam…
|
Những ngày này, các cựu quân tình nguyện ở Quảng Nam lại tìm gặp nhau, cùng nhớ về thời thanh xuân trên vùng đất bên kia dãy Trường Sơn. Trong ảnh: Ông Phạm Bạch Đằng (bên trái) và ông Lê Văn Lộc. Ảnh: LÊ QUÂN |
Bây giờ, bận nào họp mặt đồng đội từng chiến đấu ở Hạ Lào, những gương mặt người già xứ Quảng như giãn ra. Chuyện tưởng đã kể hết cả thời tuổi trẻ, đến ngày về già lại nhớ thêm từng chi tiết nhỏ, từng lớp lang. Họ nhớ về những con người không có trong sử sách, vô danh, nhưng nhiều vô số, âm thầm cùng những đội quân tình nguyện Việt Nam tạo nên sức mạnh thần kỳ đưa đến thắng lợi chung…
Lần giở…
Ông Lê Văn Lộc - Phó ban Chủ nhiệm Ban liên lạc cựu quân tình nguyện Việt Nam tại Lào tỉnh Quảng Nam cho biết, ngày 30.10.1949, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định tổ chức các lực lượng quân sự Việt Nam thực hiện nhiệm vụ Quốc tế tại Lào thành hệ thống riêng, lấy tên quân tình nguyện (sau này ngày 30.10.1949 được chọn làm Ngày truyền thống quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào - PV). Trước đó, Liên quân Lào - Việt đã được tổ chức ở nhiều nơi và đến đầu năm 1947 một số Ban Biên chính được thành lập để liên hệ, phối hợp và giúp đỡ các địa phương Lào đẩy mạnh đấu tranh.
“Ơ h’rô mày, h’rô mo, h’rô mo” “Tiếng khóc run run và như lịm đi… Đó là tiếng khóc của Can Tia, cô gái có đôi mắt sáng và nụ cười hiền lành, đã từng nửa đùa nửa thật với chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam tên Thông: Độc lập rồi, mày về đây ở với tao nhé. Ơ h’rô mày, h’rô mo, h’rô mo (tao thương mày, thương nhiều lắm)”… (theo hồi ký của ông Phạm Bạch Đằng). Ông Đằng chia sẻ, khi giọt nước mắt của Can Tia rơi xuống lúc nhận tin Thông hy sinh, những người lính trẻ Việt Nam thuở ấy không ngăn được lòng mình khỏi nỗi xúc động. “Anh Tường, rồi Thông - người bạn từ Quế Sơn hy sinh ở vùng Hạ Lào, đến giờ tôi vẫn không quên được. Có ai biết được là anh Thông và Can Tia đã dành tình cảm cho nhau, nhưng rồi Thông ra đi…” - ông Phạm Bạch Đằng kể lại. |
Ông Lộc bảo, mình không có duyên với các đồng chí Quảng Nam đi đợt đầu tiên vào năm 1949. “Việc giúp nước bạn Lào được xác định như là “giúp chính mình”, do vậy đã có biết bao chuyên gia, cán bộ, chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam không quản ngại khó khăn, gian khổ, dũng cảm chiến đấu, sẵn sàng hy sinh chống kẻ thù chung, giành và bảo vệ vững chắc nền độc lập của hai dân tộc” - ông Lộc chia sẻ. Trải qua mỗi giai đoạn, các đơn vị quân tình nguyện Việt Nam đã phát huy truyền thống quân đội anh hùng, vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ, cùng nhân dân và các lực lượng vũ trang Lào chiến đấu, chiến thắng kẻ thù chung. Trong đó, sức mạnh của nhân dân các bộ tộc Lào biểu hiện bằng tình cảm chân thành đến bây giờ vẫn khiến những chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam bồi hồi.
Thời gian dần trôi, những người dân Lào một thời chở che cho bộ đội Việt Nam, cũng như những người lính tình nguyện thuở ấy nhiều người đã đi xa. Còn với những người đang sống, trong miền ký ức nhớ nhớ quên quên vẫn luôn đeo mang lòng tri ân khi nhắc đến Hạ Lào… Ông cụ Phạm Bạch Đằng (SN 1929, quê Tiên Phước, hiện sống tại TP.Tam Kỳ) bây giờ vẫn giữ liên lạc với gia đình người con trai nuôi trên đất Lào - nơi mà ông đã trao gửi hơn 20 năm tuổi trẻ. Ông nói làm sao quên được những ngày tuổi 20 khi chân ướt chân ráo qua bản Lào. Và khi vượt qua được những trở ngại ban đầu, nhân dân Lào coi mình như con em trong nhà. Kỷ niệm của ông Đằng cứ dài ra theo trí nhớ từng hồi của người già. Những bữa nói chuyện với ông trong căn nhà dày bảng chiến công, huân chương, của cả Việt Nam và Lào, nhiều nhất vẫn là chuyện cùng người dân các bản Lào “tránh cọp”. “Không chỉ chia sẻ những phong tục, văn hóa của bộ tộc để mình khỏi “phạm”, họ còn bày cho mình cách đi rừng, vượt núi, nhất là tránh cọp. Lúc mới qua, đơn vị của tôi đã có mấy đồng chí bị cọp vồ. Sau này, nhờ kinh nghiệm của nhân dân Lào các bản giúp bộ đội an toàn hơn khi hành quân qua các vùng rừng núi. Chưa kể, người Lào ở các bản luôn sẵn sàng nhường cơm nắm cho bộ đội, chia sẻ tấm da trâu để trải ngủ hay trao đổi thông tin chiến đấu… mà chưa bao giờ những người lính tình nguyện Việt Nam quên được” - ông Đằng nói.
Hẹn ngày về
Những câu chuyện về tình quân dân Việt - Lào thức dậy trong ông lão tóc đã bạc trắng Phạm Bạch Đằng như dòng suối chảy, dù đôi chỗ gập ghềnh. Ông bảo, khốc liệt nhất phải đến những năm 1951, 1952 và đầu năm 1953, các lực lượng vũ trang Lào cùng quân tình nguyện Việt Nam vượt mọi khó khăn, trở ngại, kiên cường chiến đấu. Đến cuối năm 1952 đầu năm 1953, các khu căn cứ kháng chiến ở Hạ Lào được xây dựng liên hoàn cả hai vùng đông - tây nam tỉnh Attapeu, nối liền hai phía nam - bắc cao nguyên Boloven, trở thành trung tâm kháng chiến trên toàn Hạ Lào và là bàn đạp hỗ trợ, chi viện cho cuộc kháng chiến ở vùng đông bắc Campuchia. Sau đó, khoảng đầu năm 1954, lực lượng vũ trang Việt - Lào tập trung đánh vào cứ điểm Bản-pui và khống chế sân bay Mường-mày. Đại bộ phận quân địch bị tiêu diệt, số còn lại bỏ chạy về Attapeu. Chiến thắng ở Hạ Lào góp phần làm đảo lộn kế hoạch Na-va, và tại Việt Nam tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị ta đánh tan, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ.
Đến cuối năm 1954, đơn vị của ông Phạm Bạch Đằng được chọn tập kết ra miền Bắc. Tính từ cuối năm 1951 đến tháng 7.1954, ông Đằng nói, từng ấy năm sống với dân bản Lào, ngày lên đường về nước ai nấy đều quyến luyến. “Dân các bản ra tiễn, già trẻ, trai gái đứng hai bên đường bịn rịn không muốn rời. Họ mang theo đủ thứ quà tặng bộ đội Việt Nam khi nói lời chia tay” - ông Đằng nhớ lại. Nhưng có lẽ, mối duyên giữa vùng Hạ Lào với người đàn ông này chưa thể dứt, khi sau đó, đến cuộc kháng chiến chống Mỹ, ông quay trở lại vùng đất Hạ Lào tiếp tục sống và chiến đấu ở đó cho đến năm 1970, rồi sang nước bạn Campuchia tiếp tục vì sự nghiệp độc lập của toàn Đông Dương. Đến tháng 7.1974 ông Phạm Bạch Đằng mới về hẳn Việt Nam.
Và trong những ngày này, khi nhân dân hai nước Việt - Lào tổ chức nhiều chương trình, hoạt động nhân kỷ niệm 40 năm Ngày ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác (18.7.1977 - 18.7.2017) và 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào (5.9.1962 - 5.9.2017), các cựu quân tình nguyện ở Quảng Nam lại tìm gặp nhau, cùng nhớ về thời thanh xuân trên vùng đất bên kia dãy Trường Sơn.
_____
Bài cuối: Những cuộc đời trở về
Tất cả họ, tóc đã màu sương mai. Trong gian nhà dọi nắng, họ lau bụi đời, bụi thời gian và nhớ…
LÊ QUÂN