Cách đây 50 năm, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, hàng trăm thanh niên xã Kỳ Anh, huyện Bắc Tam Kỳ (cũ), nay là xã Tam Thăng, TP.Tam Kỳ đã bước qua “Cầu vinh dự” lên đường tòng quân đánh Mỹ. Ký ức của những tháng ngày hào hùng vẫn còn vẹn nguyên trong lòng những chiến sĩ năm xưa…
Cựu TNXP cùng nhau bước qua “Cầu vinh dự” được tái dựng nhân kỷ niệm 50 năm thanh niên Tam Kỳ lên đường nhập ngũ. Ảnh: VINH ANH |
Nhập ngũ trong đêm
Từ năm 1965, Mỹ ồ ạt đổ quân vào chiến trường miền Nam. Và ở khu vực Trung Trung Bộ, Quảng Nam trở thành một trong những trọng điểm đánh phá ác liệt của quân đội Mỹ và tay sai. Tại Tam Kỳ, để bảo vệ tỉnh đường Quảng Tín, địch đánh phá ác liệt vào các xã vùng ven, trong đó có xã Kỳ Anh hòng triệt tiêu lực lượng cách mạng. Không chỉ nã đạn pháo từ các đồn Núi Cấm, Tuần Dưỡng và hạm đội 7 ngoài biển, địch còn tổ chức nhiều trận càn quét vào khu vực này. Vũ khí, bom đạn và sự tàn bạo của địch không khuất phục được nhân dân mà ngược lại còn tạo nên làn sóng phẫn nộ, căm thù giặc, qua đó thôi thúc ý chí quyết tâm đứng lên đánh giặc Mỹ và bè lũ tay sai.
Đêm 15.3.1967, tại xã Kỳ Anh, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, 400 thanh niên ưu tú của huyện Bắc Tam Kỳ đã hăng hái bước qua “Cầu vinh dự” lên đường nhập ngũ đánh giặc. Bà Trương Thị Lưu - Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong (TNXP) TP.Tam Kỳ vẫn còn nhớ như in thời khắc hào hùng ngày đó. “Thời điểm đó, khoảng 12 giờ đêm, quân địch bủa vây 4 phía nhưng dưới sự dẫn đường tài tình, mưu lược của các anh giao liên huyện, số thanh niên nam nữ lên đường tòng quân đã an toàn vượt vòng vây về tập trung tại nhà ông Luyện đầu dốc Đá Rồng, giáp giới giữa 2 xã Kỳ Quý và Kỳ Ngọc. Được tổ chức phân công, một số đồng chí vào đơn vị V12 Huyện đội Bắc Tam Kỳ, một số được bổ sung vào Tiểu đoàn 72 và đơn vị đặc công V16 của Tỉnh đội, còn khoảng 200 đồng chí tập trung về thôn Ngọc Tú, xã Kỳ Ngọc và đến ngày 20.3.1967 gia nhập Đoàn TNXP Hà Nam, làm nhiệm vụ vận chuyển lương thực, vũ khí, đạn được” - bà Lưu cho hay.
Năm nay dù đã gần 80 tuổi nhưng ông Nguyễn Trường Sơn (thôn Thanh Đông, xã Tam Thăng), nguyên Phó Chủ tịch kiêm Trưởng Công an xã Kỳ Anh cũng không quên thời khắc hào hùng của đêm 15.3.1967. Hôm nay trở lại thăm mảnh đất hào hùng năm xưa, ông Sơn kể: “Khu vực này trước đây mênh mông cát trắng. Để tránh sự phát hiện của địch, công tác giao nhận quân phải thực hiện lúc đêm khuya. Đêm đó, tôi là người trực tiếp gắn các tấm vải nhỏ màu đỏ lên trước ngực mỗi thanh niên khi họ bước qua “Cầu vinh dự”. Thủ tục nhập ngũ được thực hiện nhanh chóng nhưng không làm giảm đi khí thế của ngày tòng quân. Các thanh niên tuổi đời còn rất trẻ nhưng đều thể hiện ý chí quyết tâm đánh giặc, cứu nước”.
Chân đồng, vai sắt
Tái dựng “Cầu vinh dự” Đêm 15.3.1967 có 400 thanh niên Tam Kỳ bước qua cầu vinh dự nhưng chỉ có 200 người trở về; trong 200 người hy sinh, chỉ có hơn 100 người được tìm thấy hài cốt, số còn lại vẫn đang nằm ở khắp các chiến trường. Nhân kỷ niệm 50 năm ngày thanh niên Tam Kỳ bước qua “Cầu vinh dự” lên đường nhập ngũ (1967-2017), TP.Tam Kỳ vừa khánh thành Bia di tích và tái dựng “Cầu vinh dự” tại thôn Thăng Tân, xã Tam Thăng. Công trình Bia di tích và “Cầu vinh dự” tái hiện hình ảnh thanh niên Tam Kỳ lên đường nhập ngũ là địa chỉ “đỏ” ghi dấu thời khắc lịch sử của thanh niên Tam Kỳ trong kháng chiến chống Mỹ, đồng thời là nơi để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Tam Kỳ - Trần Nam Hưng cho rằng, công trình Bia di tích và “Cầu vinh dự” được xây dựng trên mảnh đất Tam Thăng như ngôi nhà chung quy tụ hồn thiêng của những thanh niên Tam Kỳ đã ngã xuống cho độc lập dân tộc. Thế hệ hôm nay cảm thấy yên lòng, ấm lòng, và đây sẽ là nơi giáo dục truyền thống văn hóa, yêu nước, cách mạng vẻ vang của quê hương. Để quản lý, phát huy tốt giá trị công trình, theo ông Trần Nam Hưng, các ngành, đơn vị cần sáng tạo những hình thức và nội dung hoạt động hấp dẫn, nghiên cứu kết nối với các điểm du lịch để nơi đây trở thành điểm đến trong chuỗi du lịch thành phố. Đồng thời tổ chức các hoạt động tìm về địa chỉ “đỏ”, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân trong và ngoài thành phố biết về công trình, nhất là thế hệ trẻ. |
Bên cạnh những thanh niên vào quân đội trực tiếp cầm súng đánh giặc, khoảng 200 thanh niên bước qua “Cầu vinh dự” nhập ngũ trong đêm 15.3.1967 tham gia lực lượng TNXP làm nhiệm vụ vận chuyển vũ khí, đạn dược. Và câu chuyện về họ - những TNXP “chân đồng, vai sắt” trong kháng chiến - hôm nay được kể lại càng tô thắm thêm những chiến công, đóng góp của thanh niên Tam Kỳ cho sự nghiệp giải phóng quê hương. Bà Trương Thị Lưu nói, gần một năm đóng quân tại làng Ngọc Tú, anh chị em TNXP đã vận chuyển hàng nghìn tấn lương thực, thực phẩm phục vụ các cơ quan tỉnh, khu 5; chuyển hàng trăm tấn vũ khí, đạn dược ra chiến trường phục vụ kịp thời cho bộ đội chiến đấu. Với khẩu hiệu “Ngày không thứ, tháng không tuần” và thực hiện phong trào thi đua “Vai tăng cân, chân tăng bước, người đi trước rước người đi sau”, lực lượng TNXP Tam Kỳ đã kịp thời phục vụ lương thực, vũ khí đạn dược cho chiến trường đánh địch ở các cứ điểm: Liệt Kiểm, Cấm Dơi, Hòn Tàu, Khâm Đức, Núi Thành, Tiên Phước…
Những năm tiếp theo, đơn vị TNXP Hà Nam phải liên tục thay đổi địa điểm đóng quân. Từ Tiên Phước qua A Lưới (Thừa Thưa Huế)…, dọc dãy Trường Sơn, đâu đâu cũng in dấu chân của TNXP Hà Nam. Tuy không trực tiếp cầm súng chiến đấu với kẻ thù nhưng nhiệm vụ của TNXP hết sức nặng nề, ngày đêm sát cánh với các đơn vị bộ đội trên khắp các chiến trường để tiếp tế đạn dược và chuyển thương binh về tuyến sau. Trong lúc làm nhiệm vụ nhiều người đã hy sinh khi tuổi đời còn ở độ trăng tròn. Nhiều TNXP đã trở thành tấm gương sáng và luôn được đồng chí, đồng đội hôm nay nhắc nhớ. Bà Nguyễn Thị Thao, 68 tuổi, một trong những thanh niên nhập ngũ năm xưa, xúc động chia sẻ: “Tôi sinh ra và lớn lên tại xã Kỳ Anh. Năm 1967 tôi mới 18 tuổi và cảm thấy rất tự hào khi được bước qua “Cầu vinh dự” lên đường nhập ngũ. Hôm nay, được trở về mảnh đất năm xưa, nơi mình lên đường nhập ngũ khiến tôi hết sức xúc động. Những kỷ niệm hào hùng ngày ấy lại ùa về. Hình ảnh “Cầu vinh dự” được tái dựng khiến cho ai cũng bồi hồi. Chiến tranh đi qua, tôi và một số anh chị em khác may mắn sống sót trở về, nhưng nhiều đồng đội của tôi đã mãi mãi ra đi khi tuổi còn rất trẻ. Tôi rất mừng vì TP.Tam Kỳ xây dựng được công trình di tích này để thế hệ trẻ nhớ đến những đóng góp, hy sinh của thế hệ đi trước”.
VINH ANH