Nhà thơ Khương Hữu Dụng quê ở Hội An. Ông sinh năm 1907 và mất ngày 17.4.2005. Ông là nhà thơ nổi tiếng ở Quảng Nam - Đà Nẵng trong kháng chiến chống Pháp với trường ca Từ đêm 19. Nhân 10 năm ngày mất của ông, chúng tôi xin giới thiệu bài viết của này như một nén tâm nhang tưởng nhớ nhà thơ Khương Hữu Dụng.
Đại tá Khương Thế Hưng (bên phải) và cha - nhà thơ Khương Hữu Dụng. (Ảnh do gia đình cung cấp) |
Tôi quen biết bác Khương Hữu Dụng cách đây đã 50 năm. Đó là những ngày tôi chập chững làm thơ, là cậu sinh viên bẽn lẽn đến gặp bác đưa bài thơ “Bà nội miền Nam” để in vào tập Sức mới. Bác đã “quần” tôi từng câu từng chữ. Bác là một biên tập viên say thơ, cần cù, hết lòng với thơ người khác. Qua tay bác (cùng với bác Yến Lan, anh Trinh Đường ở báo Văn Nghệ) lớp thơ chống Mỹ chúng tôi càng hiểu thế nào là nghề làm thơ và chúng tôi có nhiều điều chịu ơn.
Bác sống giản dị trong căn hộ tập thể nhà 36A Phan Bội Châu. Già Khương ngủ ngay trên sàn gỗ, đặt một chiếc ghế con làm bàn và ngồi bệt xuống sàn để viết. Có lần bác tâm sự với tôi:
- Bác sống khổ từ nhỏ. Mẹ bác mất lúc bác lên ba. Bác lớn lên trong tiếng ngâm thơ Đường của cha. Bác say mê những chữ lạ, những âm thanh huyền diệu dù không hiểu nghĩa. Vào những năm 20, bác bắt đầu làm thơ yêu nước và đấu tranh. Có lẽ do cuộc đời nghèo khổ nên bác dễ thông cảm với nỗi khổ cực của dân mình. Bác cứ làm như vậy thôi, theo cảm xúc của mình, không ngờ được cụ Phan Bội Châu “để mắt” tới. Từ đó, bác năng lui tới trò chuyện và đọc thơ cho cụ nghe. Có khi cụ sửa thơ cho bác nữa. Cụ Phan coi bác như một người bạn vong niên, đặt bút danh Thế Nhu cho bác và khuyến khích bác viết. Cụ thích bài “Gửi tác giả bút quan hoài”, những bài thơ họa Tôn Thất Đãi, đặc biệt bài “Lửa thù” viết về phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh. Nói thật với cháu, không phải lúc đó ai cũng dám viết về Xô viết Nghệ Tĩnh. Bởi thế cụ Phan rất thích. Cụ còn cho rằng bài đó có cách diễn đạt tương đối mới nữa…
Năm 1927, cụ Huỳnh Thúc Kháng thành lập tờ báo Tiếng Dân. Khương Hữu Dụng hoan nghênh:
Tiếng ai kêu đó, tiếng dân mình
Vang giữa Trung kỳ đất đế kinh
Chợt tỉnh mấy nghìn năm mộng mị
Hả hơi trên sáu triệu sinh linh
Thế rồi, ngay từ số báo ra ngày 2.11.1927 đến năm 1935, Khương Hữu Dụng với các bút danh Thế Nhu, Hy Doãn, Thiên Tân, T.N, H.D, H.Z, Z..., liên tục có mặt trên báo này. Những bài thơ hay như Trời lụt, Phu xe than trời mưa, Đề ảnh, Trọn nghĩa chung tình... đặc biệt là bài Thói đời, một bài thơ độc đáo và theo tôi, tính thời sự của nó vẫn còn nguyên vẹn đến ngày nay.
Nhà thơ có khuynh hướng yêu nước và dân sinh rõ rệt ấy còn cho đăng hàng loạt bài trên báo Phụ nữ tân văn, Phụ nữ thời đàm. Ngày nay, tiếc thay, do thất lạc chưa tìm lại được mấy.
Thời kỳ Mặt trận Bình dân ra đời (1936 - 1939), phong trào cách mạng phát triển rầm rộ, công khai. Nhà thơ càng có dịp phát huy thế mạnh những bài thơ yêu nước và đấu tranh của mình. Khương Hữu Dụng thâm nhập hiện thực đời sống những người lao khổ để làm thơ kêu gọi đấu tranh.
Những bài thơ trong giai đoạn này: Chiều xuống, Tìm đâu, Con đường sống, Chiếc lá cuối cùng, Sống thầm vừa cảm động vừa chứa chan niềm tin vào tương lai:
Tôi nghe từng mảng thân gầy
Thu về ủ mộng đợi ngày hồi sinh
Nhà thơ Khương Hữu Dụng như một chiến sĩ “cầm thơ” tả xung hữu đột lúc ở báo Thế giới (miền Bắc), lúc ở báo Mới (Sài Gòn), để phản ánh hiện thực khốn khổ và bức xúc của nhân dân và chỉ lối thoát cho họ. Có cái gì không khác giữa thơ bác và thơ các chiến sĩ cách mạng lúc đó. Đó là khuynh hướng tiến bộ mà Phác Căn đã đề cao trong tờ Dân chúng 9.1938. Nhà thơ trẻ say mê lý tưởng, háo hức sáng tác và tập hợp lại một tập thơ để in. Nhưng vừa mới quảng cáo, đã bị một nhóm văn học lãng mạn đánh phủ đầu trên một tờ báo cho rằng thơ ông chưa thơ và khô khan. Điều ấy làm ta hiểu thêm thơ ca yêu nước và cách mạng trong thời kỳ còn đen tối phải chịu bao thế lực đè nén và càng quý trọng những nhà thơ yêu nước, trong đó có Khương Hữu Dụng.
Bên cạnh thơ tranh đấu, Khương Hữu Dụng viết về những tình cảm tế nhị riêng tư như tình cảm vợ chồng, cha con, anh em, nam nữ thật xúc động và mới mẻ. Thật quặn lòng khi đọc các bài Nhớ con, Bày chi, Hương còn, Lòng em ngoài đảo. Đặc biệt bài Quán trọ đêm bệnh, một bài thơ đau đớn một cách trầm tĩnh mà rung động sâu xa.
Ta nên nhớ thêm là, Khương Hữu Dụng không được tự do sáng tác như những nhà thơ trong phong trào Thơ mới, phải luôn thay đổi bút danh vì chính quyền thực dân chú ý theo dõi. Người thầy giáo trẻ này bị đẩy đi dạy ở những vùng rừng heo hút ma thiêng nước độc như Kon Tum, Bình Thuận. Điều gì đã đến phải đến: năm 1941, Khương Hữu Dụng bị cách chức vì “những hoạt động chính trị đáng khiển trách”.
Khương Hữu Dụng lại sống một cuộc sống vất vả, ngỡ như nó đè nặng xuống lưng làm cho bác chóng già. Nhưng thơ lại giữ cho bác trẻ mãi; bác say mê viết và dịch thơ.
Cuộc kháng chiến bùng nổ, Khương Hữu Dụng dồn sức sáng tác những diễn ca cũng như các bài thơ làm truyền đơn binh vận. Những bài thơ phục vụ kịp thời của Khương Hữu Dụng được phổ biến sâu rộng ở khu V và có tác dụng khá lớn. Nhà nghèo, bác vừa mở quán bán nước ở Đèo Le (Quế Sơn), chủ yếu là phục vụ cho cán bộ, bộ đội để có tiền sinh sống, vừa làm thơ cách mạng. Đó là một tấm lòng yêu nước, yêu cách mạng trong gian nan nghèo đói mà chẳng ai có thể phủ nhận được ở bác Khương.
Lăn mình phục vụ cuộc sống kháng chiến, nhưng Khương Hữu Dụng không thỏa mãn với những bài thơ phục vụ chính trị kịp thời. Nhà thơ trằn trọc suy nghĩ, học hỏi, trao đổi với bạn bè tìm cách thể hiện mới để vừa phản ánh thực chất cuộc kháng chiến vừa đúng với ý nguyện về thơ của mình. Chính điều đó đã tạo cho Khương Hữu Dụng có được hùng ca “Từ đêm 19”...
Viết bài này, tôi không dám coi đây là bài nghiên cứu về nhà thơ Khương Hữu Dụng. Tôi chỉ xin độc giả coi như những cảm nhận của tôi về một nhà thơ mà tôi yêu mến trân trọng. Còn với bác Dụng, cháu xin bác coi đây như một bông hoa đồng giản dị mà đứa cháu nhỏ từ quê xa mang ra Hà Nội để kính dâng lên bàn thờ bác.
THANH QUẾ