Từng có thời gian cùng ăn cùng ở cùng làm việc với nhà thơ Thu Bồn (tên thật Hà Đức Trọng) tại “ngôi nhà số 4 Lý Nam Đế” nên nhà thơ Thanh Quế có rất nhiều kỷ niệm với ông. Kỷ niệm 10 năm ngày mất của ông, nhà thơ Thanh Quế nhớ lại...
Năm 1969, khi tôi vào chiến trường khu V thì nhà thơ Thu Bồn đã ra Bắc dưỡng bệnh và sáng tác. Nhưng tôi thường nghe anh em kể chuyện về anh. Nhà báo Nguyễn Đình An kể rằng: “Cuối năm 1967, Thu Bồn cùng một số anh em văn nghệ, báo chí xuống Gò Nổi để chuẩn bị tham gia Tổng tiến công xuân 1968. Mới xuống địa bàn có mấy ngày, Thu Bồn đã sáng tác được bài thơ “Đà Nẵng gọi ta” để Ban Tuyên huấn Quảng Đà in tờ rơi đưa vào thành phố”. Nhà văn Chu Cẩm Phong lại kể: “Thu Bồn ở Ban Văn học Quân khu V. Anh em mình ở Tiểu ban Văn nghệ, Ban Tuyên huấn khu. Bên tụi mình đói hơn bên Quân khu, ngày ngày chỉ ăn sắn với cây dớn. Thu Bồn thương lắm. Lâu lâu anh đem qua cho mấy chục lon gạo với bánh lương khô. Chả là khi đi cõng, có quy định ai cõng 3 ang (90 lon) thì mỗi ngày được ăn 3 lon gạo, cõng thêm 1 ang ăn thêm 1 lon. Thu Bồn cố gắng mỗi lần cõng tới 9 ang để thừa 6 lon. Anh để dành, góp lại mấy lần như vậy mang cho anh em…”. Còn nhà thơ Hà Giao bên Quân khu lại kể: “Thu Bồn khéo tay lắm. Ảnh làm nhà, đan cót, đan teo suốt lúa đều giỏi. Ai nhờ việc gì ảnh giúp ngay”. Mỗi người kể về Thu Bồn một chuyện, ai cũng khen, cũng quý anh.
Sau giải phóng Đà Nẵng tôi mới được gặp Thu Bồn, anh từ ngoài Bắc vô công tác. Tôi đi theo các đơn vị bộ đội giải phóng ở phía Nam về. Gặp tôi, anh nắm tay, nói giọng đặc sệt Quảng Nam: “Quế hả? Tao có đọc bài “Trước nhà em sông Vu Gia” của mày, hay, sao chưa in một tập thơ đi?”. Tôi nói: “Tôi ở trong này đâu có điều kiện in”. Anh nói: “Thì bây giờ tập hợp in đi cho nó khẳng định mình chớ”. Từ đó, tôi cùng ở với anh tại Trại sáng tác Văn học Quân khu V.
Thu Bồn được phân một phòng tương đối rộng ở 1B Ba Đình, Đà Nẵng. Anh đưa mẹ ra đây để hàng ngày vừa viết vừa chăm sóc mẹ. Anh thường kể rằng, anh lén trốn mẹ xin đi bộ đội lúc mới 12 tuổi. Suốt nhiều năm anh ân hận vì không giúp được gì cho mẹ. Dạo mới giải phóng, Thu Bồn trở về thăm mẹ ở làng Thanh Quýt (Điện Thắng, Điện Bàn). Anh quỳ xuống thưa mẹ: “Con có tội là lén đi bộ đội không báo cáo cho mẹ, con xin lỗi mẹ. Giờ con trở thành một nhà thơ, trở về, xin mẹ mừng cho con”. Mẹ anh lẫy: “Mừng cái mồ tổ mày, mày lén mày trốn, mày đi biền biệt, tao nhớ mày bắt chết”. Thế là anh khóc, mẹ anh khóc, hai mẹ con ôm nhau khóc. Những ngày ngắn ngủi ở quê, Thu Bồn thường cõng mẹ đi qua con mương nhỏ có bắc 2 đoạn tre trước nhà để mẹ thăm chơi bà con trong xóm. Giờ đây anh đưa mẹ ra ở cùng anh. Anh đóng một cái giường lò xo, trải nệm cho mẹ nằm không đau lưng. Anh nấu cơm cho mẹ ăn, mua thuốc cho mẹ uống, quạt cho mẹ ngủ khi nóng bức. Những lúc phải đi công tác, anh băn khoăn lắm. Anh kêu một người cháu gọi anh bằng cậu đến chăm bà, còn dặn đi dặn lại: “Nhớ nhé, không cho bà ăn cơm khô quá, bà nghẹn. Cho bà uống thuốc đều hàng ngày. Nhớ chưa…”.
Bận bịu chăm sóc mẹ như vậy nhưng Thu Bồn viết rất nhanh. Mấy tháng ở trại anh đã viết xong tiểu thuyết “Đỉnh núi”, kể chuyện ông Lưu Ban ở Duy Sơn (Duy Xuyên) xây dựng trạm phát điện phục vụ cho hợp tác xã. Anh lại đi Tây Nguyên với nhà thơ Liên Nam và viết được trường ca “Ba dan khát” nói về bộ đội làm kinh tế.
Vào tháng 7.1978, tôi cùng với anh và các nhà văn Nguyễn Chí Trung, Bùi Minh Quốc, Nguyễn Bảo đi Campuchia. Thu Bồn vốn tính rộng rãi, hay chiều đãi bạn, lại vừa mới nhận nhuận bút tiểu thuyết “Dưới đám mây màu cánh vạc” nên khi dừng lại ăn trưa ở Tây Ninh, trước khi qua Xvâyriêng (Campuchia), anh nói:
- Trưa nay mình đãi, ai ăn gì cứ kêu.
Anh kêu thịt, cá ê hề, lại còn kêu rượu để uống. Nhà văn Nguyễn Chí Trung ngăn:
- Uống ít ít thôi, còn đi nữa.
Cuối đợt ấy, chúng tôi về Trảng Bàng (Tây Ninh) làm việc với Cục Chính trị Quân đoàn 4. Chẳng hiểu bằng cách nào, Thu Bồn lại tậu được rượu và một con gà luộc. Đêm ấy, anh rủ chúng tôi ra bờ sông Vàm Cỏ uống rượu. Giữa chừng anh hỏi:
- Các cậu viết được gì rồi?
- Chưa! Chúng tôi cùng nói.
Anh trừng mắt:
- Viết đi chớ, Nguyễn Chí Trung bảo chúng mình lo nhậu nhẹt không làm việc. Tớ nháp xong trường ca “Campuchia hy vọng” rồi.
Năm 1980, chúng tôi chuyển ra Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Thu Bồn ở tổ sáng tác. Tôi làm công tác biên tập. Suốt ngày anh đóng cửa hì hục viết. Nhưng đến chiều tối là cù anh em đi uống rượu. Có lần một người bạn của Thu Bồn đến chơi. Anh rủ bạn cùng chúng tôi ra chợ Hòe Nhai nhậu. Thấy anh cầm theo cây quạt bàn, tôi hỏi:
- Đi nhậu mà mang quạt làm gì?
- Để biến nó thành rượu, tớ đâu còn tiền.
Cứ thế, giày, áo mưa, quần áo… lần lượt đội nón ra đi để mang rượu, thịt chó, lòng lợn về. Thu Bồn sắp thịt ra đĩa, cầm chai rượu lắc lắc rót vào các cốc, mũi hít hít:
- Đã quá, nhậu đi mấy cậu.
Bấy giờ Thu Bồn đã là một nhà thơ nổi tiếng, nhiều người biết đến anh từ năm 1964, khi trường ca “Bài ca chim chơ rao” ra đời. Còn tôi chỉ là cây bút trẻ, mới tập sự trên con đường văn chương. Có lần tôi hỏi anh:
- Cái khó nhất trong nghề viết văn là gì hả anh?
- Là phải viết khác những cái người ta đã viết.
- Muốn thế thì phải làm sao?
Thu Bồn im lặng một chút rồi nói:
- Theo mình, phải đạp qua cái khiêm tốn u mê đi. Trong cuộc sống thì việc hòa đồng với mọi người, khiêm tốn trước mọi người là tốt. Nhưng trong sáng tác thì không nên đứng hòa trong đám đông cứ “hò lơ hó lơ” theo người lãnh xướng mãi, mà phải tự mình đứng ra lãnh xướng để có giọng riêng.
Năm 1983, tôi giải ngũ, chuyển về Đà Nẵng công tác, Thu Bồn cũng chuyển vào Sài Gòn. Lâu lâu vẫn đọc thơ văn anh và vẫn gặp anh.
Một lần đi Huế về, chẳng biết Thu Bồn say em nào mà có bài thơ viết về Huế rất hay, có câu cuối là: “Anh trở về hóa đá ở bên kia”. Ngồi trên hè phố Đà Nẵng giữa trưa hè nóng nực, chúng tôi vừa uống bia vừa nghe Thu Bồn đọc thơ. Tới câu cuối cùng, bỗng nhiên Thu Bồn chỉ vào cốc bia của mình, đọc trệch đi: “Anh trở về hóa đá ở trong bia”
Lúc ấy cô phục vụ đứng bên bỗng cười to, lúi húi đi lấy đá vì từ nãy giờ cô mãi nghe thơ mà quên phục vụ.
Dạo đó, Thu Bồn còn viết nhiều bài thơ hay như: Qua quê mẹ, Mong em về trước cơn mưa… và một chùm thơ liên kết có tên “100 bài thơ tình nhờ em đặt tên”. Có lẽ đó là những bài thơ tình hay nhất của anh. Anh vẫn đi Nam về Bắc, lên núi xuống đồng, những tưởng anh còn khỏe lắm, bỗng một hôm nghe tin anh bị đột quỵ. Lo. Rồi mừng, vì một lần anh em văn nghệ khu V gặp mặt ở Đà Nẵng, anh cũng có ra, đi cùng vợ, anh có yếu đi, giọng nói lơ lớ nghe không rõ.
Vào một ngày đầu năm 2003, nữ nghệ sĩ Lý Bạch Huệ, vợ Thu Bồn đột ngột ghé thăm vợ chồng tôi. Sau khi thăm hỏi sức khỏe nhau, chị hỏi:
- Anh Thanh Quế đang ở phòng cũ của anh Thu Bồn hồi Trại sáng tác Văn học Quân khu V phải không ạ?
- Vâng, đúng rồi.
Chị vui vẻ:
- Anh Thu Bồn nhờ em ra đây chụp ảnh chiếc giường cũ mà ngày xưa ảnh đóng cho mẹ ảnh nằm. Ảnh thường kể cho em nghe rằng, xa mẹ lâu ngày, hồi giải phóng ảnh mới về quê, thương mẹ quá, ảnh đem mẹ ra đây để hàng ngày chăm sóc mẹ. Giờ mẹ mất rồi. Ảnh cứ nằng nặc đòi em ra đây chụp ảnh chiếc giường mang về cho ảnh…
Khi tôi cho hay rằng, chiếc giường cũ hư đã lâu, tôi phải bỏ đi rồi thì chị bưng mặt khóc:
- Làm sao đây anh. Biết nói với anh Trọng làm sao đây. Ảnh đang nằm bệnh, nóng ruột chờ em mang ảnh chiếc giường về cho ảnh xem…
Sau lần gặp gỡ với chị Lý Bạch Huệ ấy, độ 3 tháng sau, tôi nghe tin Thu Bồn mất. Anh ra đi ngày 17.6.2003, cách đây vừa tròn 10 năm…
THANH QUẾ