Nhớ những bờ xe nước

NGUYỄN HẢI TRIỀU 27/10/2013 10:03

Tôi nhớ những bờ xe nước cũ càng đã một thời giúp người dân quê tôi đem nước lên đồng, cho cơm no áo ấm. Hình ảnh những bờ xe nước luôn mang đậm hồn quê kiểng, khiến tôi nhớ mãi...

Mỗi lần về quê, ngang qua cánh đồng Ba Khe làng Hà Dục Đông, nhìn mấy bờ xe nước một bánh đơn độc, cần mẫn xoay vòng, kĩu cà kĩu kịt nhấc từng ống nước hứng từ dòng khe trong đư, bồi tưới những rẻo ruộng ven triền đồi cỗi cằn, lòng tôi dâng lên niềm hoài niệm bâng quơ về một thời quá vãng ở miền quê mưa bùn nắng bụi. Dừng lại bên đường, bước chậm rãi đến gần bờ xe nước, ngồi xuống vạt cỏ xanh… để được ngọn gió nồm mát rượi đưa tôi về với những ký ức xưa xăm thời thơ ấu, rong chơi trên miền quê yên bình nhưng cũng đã xa lăng lắc.

Làng tôi nằm bên bờ sông Vu Gia. Con sông mang vác những nhọc nhằn quê tôi từ mấy trăm năm trước, cần mẫn xuôi về biển cả để rồi những ai từng dứt áo ra đi đều có căn nguyên mà yêu, mà nhớ, mà hoài niệm về những tháng ngày ả êm nơi một sông quê xứ, một góc quê nhà. Làng trải dài dọc sông. Sông tới làng. Tới đồng ruộng và đồi núi. Là vùng giáp miệt thượng nguồn trung du nên sông quê tôi không mênh mang như xứ người mà đôi bờ thường rất hẹp, có độ dốc lớn, chảy xiết. Mùa nắng dòng nước trong veo như dải lụa xanh, vắt qua những triền đồi, đồng bãi, làng xóm nên thơ; mùa mưa dòng sông đục ngầu, chở phù sa bồi đắp để xanh um dâu lúa sắn ngô. Và có lẽ cũng từ nhiều đặc điểm tự nhiên ấy nên người dân quê tôi cứ mùa lại mùa thường làm rất nhiều bờ xe nước để cho những mùa vàng đầy bông trĩu hạt, gánh về từng nhà ấm no cơm áo.

Lần đầu tiên trong đời mẹ dẫn tôi ra bến sông thì bờ xe nước đã đứng đó rồi. Tuổi thơ tôi và bao bè bạn cùng trang lứa từng sống êm đềm với những kỷ niệm làng mạc, cánh đồng bậc thang, những đồi sim tím ngần nỗi nhớ, đêm trăng sáng hát đồng dao dung dăng dung dẻ, chơi u mọi, bịt mắt bắt dê… và cả những ngày trốn học cùng lũ bạn đi tát cá ao đìa, bùn đất mốc meo, ra bến sông hụp lặn, cút bắt thỏa thuê, chơi trò đá bò, trồng chuối bẻ búp, rồi leo trèo đánh đu trên vòng quay của bờ xe nước làng tôi, để khi về nhà chấp nhận những trận đòn tím mông nhớ đời.

Tôi nhớ, ngày ấy làng tôi có đến hai bờ xe nước. Bờ xe nước Bến Miếu bên ngã sông Con đổ nước vào ruộng Đồng An; bờ xe nước bến ông Khuê bên sông Cái cho nước chảy theo con mương thủy lợi dọc từ cuối đến đầu làng rồi  đổ ra Lung Ngõ, Ruộng Su, chưa kể của Hoằng Phước, Dục Tây, Tịnh Đông… những bờ xe nước trông xa vừa như những cổ máy khổng lồ nhẫn nại ngày đêm đưa nước lên đồng; vừa tạo nên nét thơ mộng, êm đềm, tạc vào không gian dáng vóc quê kiểng để làm nơi thương nhớ đi về của mỗi đời người.

Bờ xe nước làng tôi là bờ xe nước “kỳ vĩ” hơn cả. Năm nào thời tiết nắng nóng, hạn hán kéo dài, người ta làm đến mười hai bánh xe quay. Đêm đêm, giữa không gian vắng lặng, tĩnh mịch, khi mọi người đã chìm vào giấc ngủ say, từ đầu làng đến cuối làng chỉ còn lại âm thanh ầm ì, lắc cắc, rào rạo… gõ đều vào không gian nghe xốn xang cả một vùng quê. Tôi nghe người lớn kể rằng, công việc thiết kế, tìm kiếm vật liệu lâm sản để dựng bờ xe nước của làng là sự kiện vô cùng hệ trọng của năm, đòi hỏi sự đóng góp công sức của cả cộng đồng. Từ thời ông nội, rồi đến cha tôi đều là những người thợ lành nghề trong việc thiết kế, thi công tạo dựng nên bờ xe nước. Mỗi năm, vào những ngày cuối tháng Mười, trời đất bắt đầu hanh khô sau bao trận lụt dữ dằn trôi nhà trôi cửa. Làng tôi cử từng tốp trai tráng khỏe mạnh theo các vị trung niên dày dạn kinh nghiệm, mo cơm, ống nước lên rừng, tìm vật liệu như cây gỗ, róng, mây, lồ ô… Việc tìm nguyên liệu diễn ra khoảng mươi ngày, nửa tháng, sau đó từ trên đầu nguồn, họ kết thành từng bè nổi thả xuôi dòng về bến sông của làng.

Nghỉ ngơi dăm bảy bữa cho lại sức, cả làng bắt tay vào thiết kế, dựng xe. Bến sông, trên bờ những ngày ấy náo nhiệt đến lạ. Nào thợ mộc, thợ tre,  lao động phổ thông, mỗi người một việc. Nào đục lỗ trụ cho bánh xe, tiện trục. Những cây gỗ hạng danh mộc như chò, trao, lim… được chọn làm trụ. Mỗi bánh có hai trụ chính đường kính từ nửa thước tây, dài khoảng mươi lăm thước. Trục bánh bằng gỗ lim chắc khừ, được đẽo gọt kỹ càng.  Róng nan bánh xe là những cây săng dài to bằng cổ chân người lớn, được khớp vào trục như nan quạt; những sợi mây nước được đánh tréo để liên kết vững chắc giữ cho bánh xe khi quay đều. Rồi việc dựng máng xối cao đến mươi lăm thước…. Mọi việc được tiến hành nhịp nhàng như một công trường. Nơi này tiếng va đập của vồ đóng trụ thình thịch, nơi kia tiếng cưa xẻ gỗ âm vang, tiếng chặt tre, chẻ nứa chanh chách; tiếng hô “hai…ba...” làm hiệu lệnh để trai làng kéo tời nâng trục cái, gác giàn xao động cả một góc sông quê. Chưa hết, trong không gian nhộn nhịp, vui vẻ  ấy, thỉnh thoảng lại vang lên một vài câu hát hò khoan của  ông Bảy Khái, ông Biện Thành… lời lẽ thâm thúy, dí dỏm ai nghe cũng say lòng, làm tan đi sự mệt nhọc. Lũ trẻ chúng tôi ngày ấy, được phân công xách ấm nước chè chạy lon ton theo mẹ, theo bà mang mì quảng, bún, chè, chuối chín… cho mọi người ăn uống nước nửa buổi; rồi chạy loanh quanh dọc biền dâu rủ nhau bắt dế, đá cầu mà trong lòng thì cứ ước đến khi người lớn dựng xong bờ xe nước để có nơi tắm nhảy đánh đu cho “thỏa chí tang bồng”.

Bờ xe nước dựng xong, cả làng vui như hội. Bởi ai cũng đinh ninh mùa lúa tới trên đồng làng quê mình chắc sẽ đầy bông. Tôi và lũ bạn cùng trang lứa lớn lên như mây ngàn phương, như sông trăm ngả. Cuộc sống nơi làng quê cũng khác xưa, ấm no trù phú hơn. Ruộng đồng đã có máy bơm bơm nước từ sông lên đồng. Có lẽ vì lý do ấy, nên rất lâu rồi, những bờ xe nước làng tôi chỉ còn trong hoài niệm.

NGUYỄN HẢI TRIỀU        

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhớ những bờ xe nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO