Nhớ những ngày "gieo chữ"

NGUYỄN HẢI TRIỀU 23/08/2014 06:54

Hơn hai tháng sau ngày Thượng Đức giải phóng, chính quyền cách mạng ngoài việc chi viện cho chiến trường, lo cho đời sống hơn 15 nghìn dân hạn chế đói rét, ốm đau, còn quan tâm đến việc học hành cho con em địa phương. Tháng 10.1974, một lớp sư phạm cấp tốc được Ty Giáo dục Quảng Đà mở tại Trường Dân tộc nội trú thuộc vùng giải phóng Giằng (huyện Nam Giang bây giờ). Tham gia lớp học có cán bộ các ngành của tỉnh Quảng Đà được biên chế qua giáo dục, các anh chị là thương binh đi an dưỡng ở miền Bắc trở về và có cả một số thanh niên như chúng tôi từ vùng Thượng Đức vừa giải phóng. Lớp học kéo dài hơn một tháng. Tuy thời gian ngắn nhưng chúng tôi được truyền đạt khá nhiều nội dung về đường lối  giáo dục cách mạng; được hướng dẫn phương pháp đứng lớp; tiếp xúc với sách giáo khoa các môn, các cấp học 1, 2 do Nhà xuất bản Giải phóng ấn hành. Trưởng ty Giáo dục Trương Anh Ta, một con người bình dị, dễ gần, quê Đại Nghĩa cùng các thầy cô giáo hướng dẫn như thầy Lựu, quê Nghệ An, có hai người em trai hy sinh trong chiến dịch Thượng Đức, rồi cô Quế, thầy Bản… nhiệt tình chỉ bảo, giảng dạy. Một tháng trôi qua thật nhanh. Sau bế giảng, liên hoan chia tay, mỗi học viên được phân công về từng địa phương công tác. Với Đại Lộc, chúng tôi được anh Nguyễn Duy Thức, phụ trách Giáo dục của huyện lúc bấy giờ đến tận lớp học nhận chúng tôi về địa phương, tổ chức lại mạng lưới giáo dục để đáp ứng nhu cầu trong tình hình mới.

Minh họa: VĂn TIN
Minh họa: VĂN TIN

Đoàn học viên chúng tôi, ngoài một số anh chị về vùng B, Lộc Vĩnh (nay là Đại Hồng), còn khoảng hơn chục người tập trung cho vùng mới giải phóng Thượng Đức, chủ yếu là các xã Lộc Ninh (Đại Sơn), Lộc Bình (Đại Hưng), Lộc Bắc (Đại Lãnh). Cuối tháng 11.1974, anh Nguyễn Duy Thức tổ chức cuộc họp tại Trường Tiểu học Lục Bắc (Trường Ngô Quang Tám, Đại Lãnh bây giờ) quán triệt nhiêm vụ cho anh em chúng tôi. Ở thời điểm này, để tiện việc chỉ đạo thực hiện các chủ trương của Đảng và chính quyền cách mạng, cấp trên đã quyết định thành lập huyện Thượng Đức bao gồm 4 xã mới giải phóng, cơ quan huyện đóng tại Lộc Ninh. Trong buổi họp hôm ấy, có sự tham dự và chỉ đạo của đại diện Ủy ban huyện Thượng Đức về công tác giáo dục trong tình hình mới. Người dân đã bắt đầu trở về làng cũ, phải khẩn trương vận động con cháu đang trong độ tuổi đi học ra lớp, trước mắt ưu tiên cho cấp tiểu học. Mỗi giáo viên được quán triệt phải thể hiện vai trò là một chiến sĩ tiên phong trên mặt trận văn hóa. Chúng tôi được phân công tập trung xây dựng hai điểm trường chính của hai xã lúc bấy giờ: Trường Tiểu học Trung Đạo (Lộc Bình) do hai anh Nguyễn Thanh Đạm, Trần Ngọc Bích phụ trách; Trường Tiểu học Lộc Bắc do anh Phạm Hóa và tôi cùng một số anh chị giáo viên đứng lớp ở các thôn như thầy Nguyễn Văn Nhu, cô Lương Thị Nhồng, Trịnh Thị Như Mai, Ngô Thị Thu Hà, Lê Thị Kim Chi… Chúng tôi bắt tay vào công tác tuyển sinh, vận động phụ huynh cho con em ra lớp và cùng Ban tự quản các thôn dựng cơ sở cho các lớp ở điểm thôn và trường chính. Trận chiến trên đồi 1062 còn đang diễn ra ác liệt. Việc vận động nhân dân cho con em ra lớp khó khăn vô vàn. Ai cũng sợ may ít rủi nhiều cho con cái mình. Mỗi địa điểm lớp đều có hầm trú ẩn cho học sinh phòng khi pháo địch bắn lên. Thôn nào chưa dựng được lớp thì mượn nhà dân để dạy học. Sách giáo khoa và vở bút đã có Phòng Giáo dục cấp xuống cho trường.

Bằng cả nhiệt huyết của tuổi trẻ và tấm lòng đối với quê hương, chúng tôi hăng hái thực hiện sứ mệnh được giao không chút e dè, ngần ngại. Được cán bộ giáo dục của huyện, tỉnh về hướng dẫn, theo dõi, các lớp học lần lượt ra đời. Dù trên bom dưới đạn, các lớp học vẫn duy trì được nền nếp. Trường xã dạy từ lớp 3 đến lớp 5; trường thôn dạy lớp 1, lớp 2. Lần đầu tiên được học chương trình giáo dục của cách mạng có nhiều điều hay, điều lạ, học sinh càng phấn khởi, siêng năng. Với chúng tôi thì niềm vui, niềm tin yêu tràn đầy.

Những ngày tháng này, làm sao có thể quên được. Cuộc sống thiếu thốn trăm bề. Chúng tôi hằng tháng về huyện nhận tiêu chuẩn lương thực 45 lon gạo cho một người, thực phẩm tự túc. Ấy vậy mà chẳng ai để ý đến cực nhọc, chỉ lo hoàn thành nhiệm vụ, dù một giáo viên phải phụ trách 2 lớp, cả sáng lẫn chiều. Học trò và thầy giáo đôi khi không chênh lệch nhau lắm về tuổi tác vẫn chung lớp chung trường không chút ngại ngần e dè. Những buổi học dở chừng vì phải xuống hầm tránh pháo; những ngày nghỉ vào gò Hiu làm phân xanh để bón đồng canh tác lúa… đầy ắp tình thầy trò.

Một ngày giữa tháng 12.1974, tại cơ quan thôn Hà Dục Tây xã Lộc Bắc, tôi cùng chị Huế, chị Nghĩa là cán bộ trên Ty Giáo dục về đứng cánh, chuẩn bị các khâu cho việc mở thí điểm một lớp học mẫu giáo. Cả buổi sáng, chúng tôi dán khẩu hiệu, trang trí cờ hoa, ảnh Bác Hồ để chiều mời bà con trong thôn và các cháu học sinh đến tổ chức lễ khai giảng. Trưa hôm ấy, đang loay hoay hoàn tất những phần việc cuối thì có báo động xuống hầm tránh  pháo. Chúng tôi vừa vào hầm trú ẩn thì nghe một tiếng nổ chát chúa phía trên đầu, miểng pháo văng tứ tung. Xong trận pháo kích của địch, chui lên khỏi miệng hầm trú ẩn, ai nấy không khỏi bàng hoàng trước quang cảnh bày ra trước mắt: cả ngôi nhà họp vừa trang trí để tổ chức lễ khai giảng đã thành một đống đổ nát. Cho đến cái ngày 28.3.1975, trước một ngày Đà Nẵng được giải phóng, khi tàn quân địch tháo chạy, chẳng hiểu vì lý do gì mà bọn chúng đã trút hàng loạt những pháo kép, pháo bầy từ sân bay Nước Mặn, từ các hạm đội ngoài biển… về phía Thượng Đức. Hôm ấy, cả cánh đồng, khu vực ven sông, làng mạc của Lộc Bình, Lộc Vĩnh, Lộc Bắc… bị pháo rơi trúng nhiều nơi. Vào lớp buổi sáng, giáo viên chỉ kịp sơ tán học sinh xuống hầm trú ẩn. Miểng đạn pháo văng phạt nát cả cây cối, ruộng đồng, vườn tược, nhà cửa. Hôm đó tôi đang dạy các em lớp 3 ở nhà ông Hoành (thôn Đại An), pháo nổ quanh lớp học, có những mảnh đạn pháo rơi cách tôi chưa đầy nửa mét. Các em đã vào hết trong hầm trú ẩn, vì hầm đã chật, tôi ngồi ngay trước cửa, tuy có chút nguy hiểm nhưng cũng thấy an tâm vì học trò của mình được an toàn.

Rồi những ngày lửa đạn cũng qua đi. Trước hôm giải phóng Đà Nẵng ít bữa, trường chúng tôi được bổ sung các anh chị thuộc khóa sư phạm cấp tốc 2 về công tác như: Nguyễn Văn Vinh, Trần Lâm, Trà Quang Quỳ, Nguyễn Tấn Ta, Lương Thị Hoàng Thủy, Trần Văn Đông... Trường lớp được mở thêm, học trò đông đúc hơn, việc dạy và học từ trường xã đến thôn nền nếp hơn.

Bốn mươi năm đã trôi qua, so với đời người là khoảng thời gian khá dài. Nhớ lại những ngày lửa đạn ấy, bầu nhiệt huyết tuổi trẻ như vẫn còn âm vang những khúc hoài niệm về một thời không thể nào quên, về đồng nghiệp, trường lớp và những khuôn mặt học trò thân yêu của ngày đầu Thượng Đức giải phóng.

NGUYỄN HẢI TRIỀU

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhớ những ngày "gieo chữ"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO