Đã tròn 39 năm, những ngày khói lửa ngút ngàn ấy vẫn còn in đậm trong ký ức người dân Thượng Đức, trong đó có gia đình tôi. Những gian khó, mất mát ngày ấy sẽ mãi mãi là dấu ấn khó phai mờ ở mỗi cuộc đời. Còn với quê hương tôi, chiến thắng Thượng Đức sẽ mãi là khúc ca bất tử về truyền thống kiên cường của vùng đất, con người một thời bom đạn.
Đầu mùa hè năm 1974, không khí chiến trận, sự căng thẳng lo âu, hồi hộp về một sự kiện quan trọng nào đó hiện lên trên khuôn mặt mọi người dân quê tôi, từ già đến trẻ… Họ rỉ tai nhau những chuyện bí mật về thời cuộc, về bom đạn, về giải phóng, và rằng: “Cách mạng sắp về đánh đồn Thượng Đức”.
Thuở ấy, tôi mới là cậu học trò trung học, từ nhỏ đến lớn sống ở khu dồn và chỉ biết học hành. Với vốn nhận thức sơ đẳng, tôi và bạn bè trang lứa hiểu rất lờ mờ về những người mà lúc ấy được gọi là “Việt cộng”, nên chúng tôi rất lo sợ khi chiến sự xảy ra số phận mình và những người thân sẽ như thế nào? Trường tôi học nằm ngay dưới chân quận lỵ Thượng Đức. Lúc ấy tôi chỉ hiểu na ná rằng Thượng Đức là một căn cứ quân sự, một cơ quan hành chính quận. Nơi đây có rất nhiều đơn vị lính đồn trú, nào là biệt động quân, bảo an, dân vệ, cảnh sát dã chiến, cảnh sát chìm… Chung quanh là các khu trại tiếp cư san sát, chật hẹp của những người dân các làng từ Trúc Hà, Trung Đạo, Đại Mỹ, Thạnh Đại… hay bên Lộc Vĩnh, Lộc Ninh chạy tản cư về trú ngụ. (Sau này tôi được biết đó chính là những khu dồn mà chính quyền cũ lập nên xúc tát dân các nơi về làm bia đỡ đạn để bảo vệ bọn chúng trong cứ điểm Thượng Đức, ngăn các cuộc tấn công bằng pháo của quân giải phóng).
Buổi học cuối cùng của năm ấy lớp tôi vắng mặt đến gần một nửa. Một số theo gia đình đi lánh nạn ở Đà Nẵng, ba bốn đứa khác nghe đâu vào núi và bị cách mạng bắt giữ. Sau này kể ra mới biết, họ đều là cơ sở đi trước để nhận nhiệm vụ cách mạng giao trong ngày giải phóng.
Một buổi sáng, người ta nghe có rất nhiều tiếng mìn nổ vọng lại từ núi xa. Rồi mọi người làng tôi đổ ra đường xầm xì to nhỏ khi phát hiện ra từ dãy núi phía An Điềm, một con đường đất đỏ xuất hiện mờ mờ như vết đất lở. Sự phán đoán về một cuộc tấn công quy mô của quân giải phóng vào đồn Thượng Đức được khẳng định chắc chắn hơn. Hôm ấy đi học về, tôi kể lại những điều tai nghe mắt thấy với cha tôi.
Hàng xóm láng giềng bảo cha tôi là người bất đắc chí với thời cuộc. Tính ông trầm tĩnh, ít nói, luôn nghiêm khắc với con cái và cả bản thân mình. Có lần nghe cô Hai tôi kể rằng vào những năm 1954, 1955, cha tôi là cơ sở cách mạng, từng tham gia đấu tranh đòi hiệp thương, treo băng rôn, biểu ngữ đòi chính quyền Ngô Đình Diệm ở quận Thượng Đức thực hiện hiệp định đình chiến. Ông bị bắt và bị bỏ tù, bị tra tấn dã man, sau đó được thả về. Là người nặng nợ gia đình nên ông không muốn xa vợ con, chỉ an phận thủ thường. Làm y tá ở trạm xá quận, ông bảo với mọi người rằng làm cái nghề cứu người thì chẳng có lỗi gì. Ở tuổi mười sáu, mười bảy chỉ biết lo ăn học là chính, tôi chẳng thiết quan tâm nhiều đến chuyện người lớn, nên khi nghe cha nói tôi cũng chỉ cười chứ chưa hiểu sâu sắc ý của cha mình từ câu nói ấy.
Sau bữa cơm chiều, trước khi mang xách thuốc lên trạm xá, cha gọi mẹ và mấy anh em tôi lại gần và nói: “Thời thế có biến đổi, khả năng cách mạng sắp về đánh đồn Thượng Đức rồi. Có thể đêm nay hoặc trong những ngày tới. Mẹ sắp nhỏ lo chuẩn bị sắp xếp đồ đạc, vật dụng cần thiết thật gọn gàng cho vào các túi để sẵn. Nếu có “sự cố” xảy ra thì đưa mấy đứa con theo làng xóm đi lánh nạn. Tôi tự lo liệu được cho mình, chỉ sợ mấy mẹ con thôi. Thời buổi loạn ly này, ai lường trước được mọi sự rủi ro, tên bay đạn lạc! Nhớ cẩn thận!”. Quay sang chúng tôi, ông nói: “Các con nhớ phải nghe lời và giúp đỡ mẹ!”. Thuở ấy làng tôi là vùng tranh chấp, thường xuyên hứng chịu bom tấn pháo bầy mỗi khi có chiến sự xảy ra nên nhà nào cũng tự đào một căn hầm trú ẩn kiên cố. Căn hầm kèo nhà tôi đã có từ nhiều năm nay. Cha còn dặn tôi phải lo dọn dẹp căn hầm của gia đình phòng khi bom đạn bất ngờ có nơi ẩn tránh. Dặn dò xong mọi điều cần thiết, cha tôi lên trạm xá quận. Nhìn theo bóng cha đi về phía đầu làng, tôi linh cảm sẽ có điều gì đó không mấy bình yên đến với gia đình tôi trong những ngày tới.
Đêm ấy, dưới ánh đèn dầu tù mù, mẹ tôi ngồi lục soạn quần áo, vật dụng cần thiết của gia đình cho vào từng bọc vải và phân công chúng tôi mỗi đứa một gói, dặn phải đeo bên mình phòng khi có sự cố xảy ra. Rồi mẹ tôi lại đi ra, đi vào lo lắng suốt đêm. Mẹ lo cho cha, cho anh em tôi!
Quả đúng như dự đoán của mọi người. Khuya ấy, trong cơn ngủ chập chờn tôi giật mình tỉnh dậy. Tiếng súng đang nổ dồn tứ phía, cả làng tôi nhốn nháo hẳn lên. Tiếng la khóc của trẻ nít, tiếng gọi nhau í ới xen lẫn tiếng rít gầm của nhiều loại súng đạn nổ chát chúa. Tôi chồm dậy lôi mấy đứa em xuống hầm. Mẹ tôi sờ soạng châm ngọn đèn dầu, đèn vừa đỏ thì nghe một tiếng nổ lớn, hơi gió quất mạnh làm ngọn đèn tắt ngúm. Thằng cu Ri, con bé Lạc sợ quá khóc thét lên. Mẹ biểu tôi dỗ em, rồi thắp lại ngọn đèn cho sáng căn hầm. Mẹ ngồi ngay cửa. Mẹ trấn an chúng tôi: “Các con đừng khóc, mọi việc rồi sẽ đâu vào đó. Cả làng chứ chẳng phải chỉ nhà mình!”. Tiếng súng cứ liên hồi không ngớt. Ánh lửa đạn sáng rực một góc trời. Tôi nghe tiếng chân người chạy thình thịch. Tiếng hô xung phong dậy lên đâu đó phía đầu làng. Một bóng người thấp thoáng trước căn hầm nhà tôi. Tôi nghe người ấy nói với mẹ: “Chị ơi, cho em trốn với! Việt cộng đánh vô tới đầu làng rồi!”. Té ra là anh Nghiệp, lính nghĩa quân đóng ở nhà Hội thôn. Anh ta kể cả trung đội của mình bị quân giải phóng tấn công không kịp trở tay, chạy tan tác. Rồi anh ta năn nỉ mẹ tôi cho mượn bộ quần áo dân thường của cha để mặc vào và vứt ngay bộ đồ lính đã bê bết bùn đất. Anh ta nói phải trốn về Dục Tây với vợ con, rồi chạy biến vào đám khói mù và ánh chớp nhùng nhằng lửa đạn.
(Còn nữa)
NGUYỄN HẢI TRIỀU