Bạn ở quê gọi điện khoe rằng đường về làng mình đã được láng bê tông. Nghe rất mừng, nhưng tôi cũng không quên hỏi lại: Rứa cái giếng vuông giữa đường có bị lấp không? Bạn nói, giếng vuông vẫn còn nguyên, mấy nhà quanh giếng còn hiến thêm đất để mở con đường được rộng lớn hơn.
Ngày ấy, làng tôi có hai cái giếng. Giếng giữa làng gọi là “giếng vuông” vì thân và miệng giếng hình vuông. Ông nội kể, từ hồi ông nhỏ xíu đã thấy cái giếng ấy nằm giữa đường, nghe đâu do người Chăm xây nên. Còn giếng cuối làng gọi là “giếng bà Phùng” vì nằm trước nhà bà Phùng. Cả làng tôi dùng chung nguồn nước của giếng vuông, riêng giếng bà Phùng mấy chục năm không ai dùng và lúc nào cũng thấy mấy nhành tre bự gác ngang miệng giếng. Người lớn tuổi hay kể những câu chuyện đầy huyền bí nên đám trẻ nghịch ngợm như chúng tôi không bao giờ dám bén mảng tới giếng bà Phùng, dù ở gần đấy có nhiều chùm mâm xôi chín đỏ mọng vào dịp hè…
Nhà tôi có bốn chị em, tôi là út nên chưa bao giờ phải gánh nước. Nhưng mỗi khi chị Hai quẩy thùng đi gánh thì tôi xí phần cầm gàu lon ton chạy theo. Ở giếng lúc nào cũng đông vui. Từ sáng sớm đến nửa đêm, lúc nào cũng nghe tiếng gàu chao nước. Vui nhất là những bữa tầm tầm trưa hoặc xế chiều, khi mọi người đi làm đồng về ra giếng gánh nước, giặt giũ, tắm gội. Những phụ nữ vừa múc nước vừa hỏi han nhau về chuyện gieo trồng, cầy cấy, chuyện con cái, chuyện nhà cửa...
Hồi tôi học cấp 2, ngôi trường làng được xây trên nền cũ của một nhà trẻ bị phá. Trường ở gần giếng vuông, giờ ra chơi đám trẻ chạy ào ra múc nước uống. Nước giếng trong vắt và ngọt mát, ở đó luôn đặt sẵn một cái gàu bằng nhôm, ai lỡ đường đi ngang qua làng có thể múc mà dùng. Mùa đông, những ngày mưa đường làng nhầy nhụa đất, mỗi bữa đi học ngang qua giếng vuông bọn trẻ chúng tôi cũng tranh thủ rửa chân thật sạch sẽ rồi mới vào lớp.
Làng tôi một bên tựa vào núi, một bên sông, mùa lũ năm nào lũ cũng dâng ngập miệng giếng vài bận. Hễ khi nước rút, chẳng ai bảo ai, nhà nào cũng mang dụng cụ đi vét giếng, cạo bùn non. Người làng giữ gìn giếng như gìn giữ chính tài sản của gia đình mình.
Làng tôi giờ đổi khác nhiều. Nhà nào cũng có giếng khoang sâu mấy chục mét, ấy vậy mà vẫn giữ thói quen dùng nước giếng vuông để nấu nướng hằng ngày. Mỗi khi gọi điện thoại về nhà, tôi hay “trách” mẹ rằng nước giếng khoan có sẵn trong nhà mẹ không dùng mà đi gánh làm gì cho cực. Mẹ tôi cười bảo, dùng nước giếng vuông nấu nướng món gì cũng ngon, cũng đậm đà. Mỗi ngày không ra giếng gánh nước một bận, lại thấy nhớ tiếng gàu khua.
Tôi xa quê, lần nào trở về đi ngang qua giếng vuông cũng thấy lòng nao nao không tả xiết. Trong tôi, nước giếng vuông trở thành nguồn nước mát ân tình nuôi dưỡng bao thế hệ. Giếng vuông đã là hồn cốt quê nhà...
BÌNH CHI