Tôi về thăm quê giữa cái nắng đầu thu. Đã không còn mùi thơm của rơm rạ, lúa vàng ươm phơi trước hiên nhà cậu. Từng vệt nắng long lanh, rơi rớt trên cánh cổng sắt đồ sộ cậu mới làm còn thơm mùi sơn mới. Nơi mà trước đây, ngoại chỉ cần kéo phên tre rào lại, vậy là an tâm đi ra đồng cả ngày…
Tôi từng nghe ngoại kể, ngày ngoại về làm dâu, nhà ông bà cố còn nghèo lắm. Cả gia đình mười mấy miệng ăn, ông bà cố cho vợ chồng ngoại ra ở riêng. Căn nhà tranh vách đất dựng tạm bên góc vườn là nơi ngoại xây nên tổ ấm, dẫu nhiều nhọc nhằn, vất vả nhưng luôn rộn tiếng cười của cậu và các dì. Ngoài chuyện đồng áng, tưới rau, nuôi gà, những lúc rảnh rỗi, bà cùng ông sửa hoặc đan mới những chiếc phên tre. Phên tre thường được làm khung hình chữ nhật đứng, có các thanh ngang chắc chắn. Ngoại tỉ mỉ chẻ tre, vót kỹ rồi gài vào các thanh ngang của khung sao cho thật kín. Có lẽ cả đời ngoại đã đan hàng chục tấm như vậy bởi phên tre nơi quê nghèo có nhiều tác dụng lắm. Năm nào cũng thế, đến mùa trồng cải, trồng rau ngoại đều dựng phên tre chặn không cho đàn gà vào phá. Không chỉ rào đám rau, vạt cải, một thời người dân quê tôi còn dùng phên tre để chắn cổng, khi ấy phên tre có vai trò giữ gìn sự bình yên cho ngôi nhà. Ngoại thường dặn dò: “Ai ra khỏi nhà cuối cùng phải kéo phên tre lại nhé. Cũng chẳng có trộm cắp gì đâu, nhưng để vậy cho bà con chòm xóm họ biết nhà mình không có ai ở nhà”.
Phên tre làm cổng thường cặp kè với bờ giậu. Bờ giậu nhà ngoại là dãy dâm bụt, hàng chè tàu ông trồng, vài cây mồng tơi bà chăm, những bụi chuối, gốc duối, dủ dẻ mọc hoang. Đơn sơ là vậy nhưng bờ giậu vẫn được gọi bằng một cái tên thật oai: hàng rào. Hàng rào ấy cốt để ngăn lũ heo thả rông, đàn vịt bầu vào phá phách, chẳng ai nghĩ đó là ranh giới giữa nhà nọ với nhà kia. Bờ giậu có rất nhiều kỷ niệm với lũ trẻ choai choai, tóc hoe vàng, da đen rám nắng chúng tôi ngày ấy. Đã không ít lần chúng tôi đi tắt, vượt rào, băng qua lỗ hổng bờ giậu rủ nhau chơi trốn tìm, chơi đồ hàng… Những lúc hờn giận, hì hục dùng bó rơm, hay các thân cây khô đắp kín các lỗ hổng để không thể nhìn mặt nhau. Thế nhưng, dù có lấp hết lỗ hổng của bờ giậu thì cũng chỉ được vài ba bữa lại phá dỡ để vượt sang như chưa hề có cuộc hờn dỗi nào xảy ra. Rồi khi cây chuối, gốc duối, dủ dẻ ra hoa kết trái, bờ giậu trở thành “quầy quà vặt” để tụi con nít la cà những buổi trưa hè. Cả những ngày chơm chớm tháng chín âm lịch, khi những trận lụt đã ngập hết đồng bãi, khi cái lạnh đã hiện diện trong từng ngôi nhà, nơi hàng giậu lại mọc một rừng nấm mối. Thế là láng giềng í ới gọi nhau để chia chiếc nấm lấy tình, ai nấy đều vui vẻ.
Phên tre, bờ giậu và ông bà ngoại tôi giờ đã không còn thuộc về nơi này. Ngoại mất cũng là lúc cuộc sống văn minh bắt đầu len lỏi vào từng ngõ ngách xóm thôn. Không riêng gì nhà cậu, cả cái làng này hầu như nhà nào cũng cánh cổng sắt với những thanh âm khô khốc. Bờ giậu bị chặt, những cây dâm bụt, chè tàu… được thay thế bằng bức tường xây kiên cố, trong bờ rào người ta trồng cây vạn tuế lâu năm, treo những chậu lan nhiều màu sắc. Tất cả thay đổi như một minh chứng cho sự phát triển, làng đã dần lên phố..., và đôi khi khiến ký ức chúng tôi tiếc nhớ.
THANH LY