Đã hơn 50 năm trôi qua, những người đến từ xóm Bàu, xóm Triều Châu (huyện Duy Xuyên) đã mang theo nghề đan thúng mủng của cha ông di cư vào vùng sông nước miền Tây. Và đến nay họ vẫn giữ nghề như một cách níu hồn quê hương trong lòng…
Những người đến từ xóm Bàu, xóm Triều Châu (huyện Duy Xuyên) đã mang theo nghề đan thúng mủng của cha ông di cư vào vùng sông nước miền Tây. Ảnh: MINH KIỆT |
Cái nắng của miền Tây không chang chang như miền Trung. Gió thổi lồng lộng mang theo hơi nước mát rượi từ dòng sông Cần Thơ khiến những ngôi nhà nhỏ ven sông ở ấp Yên Hạ (phường Lê Bình, quận Cái Răng, TP.Cần Thơ) trở nên hiền hòa và gần gũi. Ngay chỗ cập thuyền, tôi gặp một người đàn bà nước da ngăm đen và nói giọng Quảng “rặt”. Bà neo chiếc vỏ lãi vào cây sào, đội chồng mủng lên giao cho một nhóm người chuyên hái trái cây tại vườn. “Nhìn nước da ngăm ngăm này là biết ngay dân Quảng mà con. Chứ đàn bà con gái miền Tây ở đây da trắng bóc. Cô suốt ngày hết phơi vành, lận mê, kéo mây, rồi có khi vào tuốt xóm trên mua tre thì làm sao mà trắng trẻo cho được. Cái nghề đan thúng mủng của quê mình ngó rứa mà cũng cực lắm!”. Nguyễn Thị Lành là tên bà. Năm nay 65 tuổi, có hơn 50 năm làm nghề đan thúng, mủng. Bà kể quê bà ở xóm Bàu, xã Duy Phước, huyện Duy Xuyên. Năm 15 tuổi bà đã theo gia đình (gồm 6 người) và hơn 20 người bà con trong xóm di cư vào Cần Thơ, mang theo nghề đan thúng mủng, nong nia của cha ông, xứ sở. “Cũng may lắm khi nơi tụi tôi đặt chân đến là cái vựa trái cây của miền Tây. Dân ở đây họ cần thúng mủng, sọt, rổ để đựng trái cây nhiều lắm. Vậy là chỉ cần một tháng ổn định chỗ ở, cả gia đình tôi bắt tay vào việc đi mua tre về đan thúng mủng. Mới đó thôi mà đã 50 năm tôi làm nghề này. Cha mẹ tôi đã qua đời, con cái tôi cũng lớn lên và trưởng thành nhờ vào cái nghề đan thúng mủng này. Nghề đan thúng mủng của người Quảng ở ấp này đã nổi tiếng khắp vùng” - bà Lành chia sẻ.
Dọc đoạn đường tôi theo bà Lành về ấp Yên Hạ, trước sân nhà nào cũng phơi đầy những mê mủng còn thơm nức mùi tre. Những người đàn ông đang phơi đủ thứ các loại vành to vành nhỏ, những sợi dây mây được cột thành từng bó tựa dọc bờ rào. Bà Lành chỉ tôi ghé nhà ông Tô Hiến - người đan mủng có tiếng và nhiều nhất ở vùng này. Căn nhà ngói khang trang với mảnh sân rộng được phơi đầy các loại mê mủng, những cây tre vừa được đốn hạ nằm ở mép sân nhà ông Hiến khiến tôi nhớ da diết mảnh sân của ngoại ngày xưa. Ông Hiến đón tôi bằng nụ cười hiền. Vào đây năm 16 tuổi, năm 20 tuổi ông cưới một cô gái miền Tây xinh đẹp. Vợ chồng ông sống và nuôi 6 đứa con học xong đại học, cao đẳng chính từ nghề đan thúng mủng này. “Cái nghề ni, mới ngó thì hắn nhàn hạ lắm nhưng thực ra rất cực! Hết chẻ, đan, đát rồi uốn vành, lận vành, nứt mủng… Bà vợ tôi hồi đó cứ than cực hoài, nhưng làm riết rồi lại quen tay. Tôi luôn tâm niệm đây là cái nghề truyền thống mang theo từ quê hương đã nuôi sống và cho các con tôi cuộc sống đủ đầy thì tôi càng phải làm sao cho xứng đáng với nghề” - ông Hiến ngưng đôi tay lận vành, nói mà ánh mắt nhìn xa xăm.
Mỗi một chục mủng loại 3 ang được bà con Quảng Nam ở ấp Yên Hạ bỏ sỉ với giá 500 nghìn đồng. Nếu so với mủng 3 ang ở Quảng Nam thì giá ở đây rẻ hơn nhiều. “Đến nơi nào thì phải thích nghi với văn hóa, tập tục nơi đó. Mủng thúng ở miền Tây người ta dùng hằng ngày, ngày nào cũng bưng bê trái cây nên họ cần sự gọn nhẹ chứ không như người Quảng mình thích những cái mủng chắc chắn, cầm phải nghe nặng cái tay. Thời gian làm ra một cái mủng ở đây cũng nhanh hơn so với ngoài quê. Được cái, người dân ở đây rất tin dùng mủng của người Quảng mình làm bởi sự bền chắc. Tôi luôn nhắn nhủ bà con mình, làm gì thì làm nhưng phải giữ được chữ tín. Thúng mủng tuy bán được ít tiền nhưng đó là cái nghề của mình. Giờ người ta nói đến thúng mủng là nhắc ngay đến người Quảng ở đây” - ông Hiến nói.
Giống như bao làng nghề đan thúng mủng ở quê hương, làng của bà con người Quảng ở đây cũng nằm sát bên con sông lớn. Dường như đó là nét đặc trưng rất rõ dành cho nghề này. Theo ông Hiến, chuyện có một cái ao, bàu nước hay một con sông ở bên luôn là điều thuận lợi nhất cho những người đan thúng mủng. Họ có thể dễ dàng ngâm nước đối với mây nứt, ngâm vành, nan cho mềm.
Mới đây, làng nghề đan thúng mủng Yên Hạ của người Quảng được UBND TP.Cần Thơ đưa vào danh mục những điểm du lịch làng nghề dành cho du khách khi ghé thăm chợ nổi Cái Răng. Nhiều resort ở miền Tây cũng đặt làm những chiếc mủng, thúng nhỏ xinh của người Quảng ở Yên Hạ. Anh Nguyễn Văn Biển - phóng viên của tờ Doanh nhân Việt Nam chia sẻ: “Tôi đã có dịp tiếp xúc với nhiều du khách đến Cần Thơ hoặc nghỉ dưỡng tại các khách sạn lớn có sử dụng những vật dụng do người Quảng ở Yên Hạ làm ra, họ đều tỏ ra thích thú. Tôi đã đưa vài người bạn nước ngoài đến đây, ai cũng rất thích và mua những chiếc rổ rá nhỏ của bà con làm kỷ niệm”. Cũng theo phóng viên Văn Biển, trước sức ép cạnh tranh của sản phẩm được làm từ nhựa, nhôm thì những thứ làm bằng tre rất khó đứng vững trên thị trường. Nhưng chính bằng thái độ nghiêm túc và niềm tự hào về nghề, những sản phẩm của bà con nơi đây luôn được đón nhận.
Giữa dòng ghe thuyền ngược xuôi trên chợ nổi Cái Răng buổi sớm. Nhìn những loại trái cây được bày bán trong những chiếc thúng, mủng do chính người Quảng ở Yên Hạ làm nên, tôi thấy hình ảnh quê nhà như đang hiển hiện đâu đây!
MINH KIỆT