“Sài Gòn mới có 300 tuổi nhưng ký ức mất mát và hư hao nhiều quá…”. Nghe lâu lắm rồi nhưng giờ tôi mới thấm thía nhận xét này của một kiến trúc sư khi một ngày làm du khách “đắm chìm” trong Dinh Độc Lập và một phòng trưng bày chủ đề “Từ Dinh Norodom đến Dinh Độc Lập” vừa mới mở cửa đón khách.
Một bức ảnh đen trắng hiếm hoi về Dinh Norodom. Ảnh: T.L |
Không ai bị lãng quên
“Từ Dinh Norodom đến Dinh Độc Lập”, có mấy dòng thế thôi nhưng là thời gian của cả hơn một trăm năm dài đằng đẵng, bắt đầu từ năm 1863, khi người Pháp chiếm xong Nam kỳ lục tỉnh và Thống đốc Nam kỳ thời đó là Lagrandière làm lễ đặt viên đá xây dựng đầu tiên trên nền một dinh thự bằng gỗ trước đó. Theo những ghi chép hiếm hoi còn sót lại thì đó là một dinh thự lớn với mặt tiền rộng 80m, bên trong có phòng khách chứa 800 người, và một khuôn viên rộng với nhiều cây xanh và thảm cỏ. Phần lớn vật tư xây dựng dinh được chở từ Pháp sang. Do chiến tranh Pháp - Phổ 1870 nên công trình này kéo dài đến 1871 mới xong.
Điều ngạc nhiên là dinh thự do người Pháp xây dựng trên đất của Việt Nam, nhưng không hiểu sao khi xây dựng xong, dinh thự lại được đặt tên là Norodom - lấy theo tên của… Quốc vương Campuchia lúc bấy giờ. Thậm chí ngay cả đại lộ trước dinh cũng được gọi là đại lộ Norodom (đường Nam kỳ Khởi nghĩa). Vì sao dinh thự này lại được đặt theo tên của Quốc vương Campuchia thời ấy mà không phải là tên vua triều Nguyễn? Đã có rất nhiều cách giải thích khác nhau. Nhưng tôi thấy có lý hơn cả với lý do Hoàng đế nước Pháp lúc ấy là Napoleon III ưu ái Quốc vương Norodom (tên khác là Ang Voddey) do vua cha của Norodom là Ang Duong (cai trị 1841 - 1860) trước đó đã viết thư cầu viện Napoleon III giúp đỡ trong các cuộc chiến tranh. Và Norodom cũng đã đi theo đường lối của vua cha khi thừa nhận Campuchia là xứ bảo hộ thuộc Pháp vào năm 1863.
Dinh Norodom chính là Dinh Độc Lập bây giờ nhưng Dinh Độc Lập lại không còn dấu tích gì của Norodom. Bởi đây là công trình do ông Ngô Đình Diệm xây mới theo thiết kế của KTS Ngô Viết Thụ vào năm 1963 sau khi san bằng Dinh Norodom do một cuộc ném bom đảo chính trước đó làm sập phần chính cánh trái của dinh không phục hồi được. Vậy nên khó mà hình dung được Dinh Norodom cách đây gần một trăm năm nó như thế nào ngoài những dòng ghi chép khô khan tôi vừa dẫn ở trên cùng một vài tấm ảnh đen trắng hiếm hoi chụp ở mặt trước, nhìn cũng giống như bao nhiêu công trình kiến trúc Pháp khác ở Sài Gòn. Còn lại, theo như thừa nhận của bà Trần Thị Ngọc Diệp - Giám đốc Hội trường Thống Nhất thì “cũng không nhiều người biết do nguồn tư liệu và hình ảnh, kể cả các trung tâm lưu trữ nước ngoài cũng rất hạn chế”.
Hôm ấy trong vai du khách, tôi không tìm được gì đáng kể về Dinh Norodom, nhưng tôi lại bắt gặp nhiều thứ quý giá từ hơn 800 tư liệu về Sài Gòn thời thuộc địa, về sự hình thành và sụp đổ của chính quyền Ngô Đình Diệm cùng quá trình xây Dinh Độc Lập. Trong đó, nhiều tư liệu về Sài Gòn xưa, về cuộc đời đầy biến cố của ông Diệm lần đầu được công bố từ các trung tâm lưu trữ quốc gia ở Việt Nam, Mỹ và Pháp - kết quả hơn ba năm làm việc của các chuyên gia trong nước và quốc tế. Tôi dừng lại khá lâu ở tầng 1, nơi một phần Sài Gòn xưa được gợi nhớ qua những gương mặt thấp thoáng của những Nguyễn An Ninh, Trương Văn Bền, Phan Châu Trinh, Sương Nguyệt Anh, Đỗ Hữu Phương, Trương Vĩnh Ký…
Đây là những gương mặt đại diện cho các tầng lớp xã hội và xu hướng chính trị thời đó. Mỗi cuộc đời và mỗi câu chuyện của họ là những mảnh ghép tạo nên bức tranh đa dạng của một giai đoạn lịch sử đầy biến động của Sài Gòn. Nhưng bất ngờ thú vị là ngoài những gương mặt sớm tiếp thu nền văn minh phương Tây để phát triển đất nước, đấu tranh đòi quyền lợi cho dân tộc - dĩ nhiên. Ở đây còn có những cái tên tưởng chừng không bao giờ được xuất hiện hay bị lãng quên lâu nay như nhà bác học Trương Vĩnh Ký hay Đỗ Hữu Phương – một người gốc Hoa, đệ nhị phú hào Sài Gòn đầu thế kỷ 20, từng đắc lực giúp Pháp bình định, tổ chức cai trị trong những năm đầu chiếm Nam kỳ…
Cặp ngà voi đẫm máu…
Thật tình, tôi không ấn tượng lắm với kiến trúc Dinh Độc Lập – phiên bản mới của Dinh Norodom, nhưng tôi lại mê đắm với hơn 5.000 hiện vật quý hiếm và vô số đồ tinh xảo ở đây, dù thời gian cũng làm hư hao, lưu lạc, mất mát không ít. Những hiện vật còn được trưng bày, phần lớn là những món quà của các nguyên thủ quốc gia đã tặng hoặc là đồ cung tiến cho các đời tổng thống chế độ Sài Gòn. Ví như cặp ché lớn không nắp được làm bằng gốm sứ men xanh trắng với đề tài chính “Văn Vương cầu Khương Thượng”, trên vành miệng, vai và đế ché còn có các hoa văn đối xứng như: lá trúc, lá đề, lá sen… cách điệu. Hay cặp bình gốm cổ do nghệ nhân Việt Nam chế tác vào đầu thế kỷ 19 có màu xanh dương đậm vẽ nhũ vàng. Đề tài chính được thể hiện là “Tết Trung thu” với cảnh múa rồng, múa lân, đốt pháo, rước lồng đèn… trang trí ở vành miệng, vai và đế bình. Hoặc cặp bình gốm men ngũ sắc “Bát Tiên đến dự hội bàn đào” có niên đại vào khoảng cuối thế kỷ 19.
Một trong những điểm dừng chân lâu nhất của du khách, là khu vực tầng 3 của dinh, nơi sinh hoạt của gia đình tổng thống Việt Nam Cộng hòa với ngọn giả sơn đúng chuẩn cùng nhiều hiện vật là quà tặng của các nguyên thủ, trong đó có 3 cái chân voi tiêu bản rất to không thấy đề xuất xứ. Và ám ảnh, là cảm giác của tôi khi lần đầu tiên tận mắt nhìn thấy cặp ngà voi “huyền thoại” – một biểu tượng quyền lực gắn liền với một tội ác đẫm máu.
Theo một nhân chứng giấu tên kể lại thì chuyện bắt đầu từ năm 1971, khi Tiểu đoàn 2 thuộc Trung đoàn 54, Sư đoàn 1 bộ binh Sài Gòn đóng tại Thừa Thiên Huế được lệnh tiến sang đất Lào. Trên đường tiến quân, trung đội đã gặp một đoàn khoảng 20 người dân tộc thiểu số trong đó toàn người già, phụ nữ và trẻ em. Nhóm người này đang đi ngược chiều về xuôi, theo sau là một đàn voi thồ hàng hóa cồng kềnh, trong số đó có con voi có cặp ngà dài bóng mướt. Khi nhìn thấy con voi, viên sĩ quan chỉ huy trung đội đã nảy ra ý định phải có nó và đã đề nghị được mua voi của nhóm người dân tộc này nhằm lấy cặp ngà. Tuy nhiên đề nghị này không được chấp nhận. Trước tình hình ấy, viên sĩ quan liền điện về trung tâm chỉ huy trưởng báo cáo và xin ý kiến của “Đại bàng” - mật danh của Thiếu tá Thọ, tiểu đoàn trưởng, là bà con bên vợ của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu xin chỉ đạo. “Đại bàng” ra lệnh không thương thảo được thì bắn, bằng mọi giá phải lấy được cặp ngà voi đem về. Sau khi nhận được lệnh từ Thiếu tá Thọ, viên sĩ quan cố gắng thuyết phục đoàn người nhưng họ tiếp tục từ chối. Lập tức, viên chỉ huy ra lệnh cho lính hạ thủ đoàn người và lấy đi cặp ngà.
Giết người, giết voi xong, trung đội lính cộng hòa tiếp tục hành quân nhưng hai ngày sau đó thì bất ngờ lọt vào vòng vây của bộ đội cách mạng. Rơi vào thế bị động, viên sĩ quan chỉ huy đang giữ cặp ngà voi hấp tấp điện về sở chỉ huy xin quân viện trợ để giải cứu trung đội. Thiếu tá Thọ sợ cặp ngà voi quý bị phá hủy trong quá trình chiến đấu nên dẫn đầu một tiểu đoàn bộ binh lên núi yểm trợ nhưng vẫn không thoát được vòng vây. Nhận được tin cháu vợ gặp lâm nguy, Nguyễn Văn Thiệu nóng lòng điện ngay cho Tư lệnh quân khu 1, vùng 1 phải cứu Thọ bằng mọi giá. Ngay lập tức một trực thăng đặc biệt được điều động xuyên rừng đưa Thọ và một số sĩ quan khác rời trận địa.
Người ta kể lại, trong thời gian cất giữ cặp ngà voi, Thiếu tá Thọ đã gặp phải không ít rủi ro và luôn sống trong hoảng loạn khi nghĩ đến những oan hồn mà ông đã ra lệnh giết chết cũng như nhiều quân lính phải chiến đấu đến cùng để bảo vệ cặp ngà đã nằm lại nơi rừng thiêng. Một năm sau, Thọ lên Trung tá, được về làm tiểu khu phó tỉnh Định Tường (nay là Tiền Giang), quê vợ ông Thiệu. Ngày ra đi, Thọ đóng cặp ngà voi vào thùng, mang tặng Tổng thống Thiệu để vừa đền ơn cứu mạng, vừa muốn xa “chiến lợi phẩm” dính dáng tới quá nhiều cái chết. Vậy là cặp ngà voi vào Dinh Độc Lập, ở đó cho đến bây giờ.
Một vòng Dinh Độc Lập, bà chị, người có chút dính dáng đến Dinh Độc Lập, xa Sài Gòn hơn 30 năm mới có dịp trở lại kéo tôi ra quán cà phê, thở dài bảo tòa nhà này mới có một trăm năm tuổi thôi mà đã bao nhiêu chuyện nhớ nhớ quên quên, ngay cả những hiện vật trước mắt nhưng cũng nghe như xa xôi lắm trong ký ức. Huống chi một Sài Gòn rộng lớn hơn của hơn 300 năm tuổi với những nền văn hóa Óc Eo, Phù Nam, Chân Lạp… cùng biết bao sắc tộc trên thế giới đã từng chọn nơi này làm trú xứ. Rồi chị cười, nghe nhẹ bâng như ngoài trời đang “Sài Gòn chợt mưa chợt nắng…”. Hình như ở xứ này, nhớ quên gì cũng nhè nhẹ như cảm giác xa xưa lần đầu tiên được nắm bàn tay thon mềm của cô gái ấy.
Phóng sự của TƯỜNG MINH