|
Khi báo chí đăng tin cụm rạp CGV Sài Gòn trên đường Hoàng Văn Thụ khai trương rạp chiếu phim giường nằm đầu tiên của Việt Nam mang tên “Cuộc tình” (L’Amour) đầu tháng 7.2016 mới thấy người xem phim bây giờ được chủ rạp coi còn hơn “thượng đế” nữa là đằng khác… Ai đời vô rạp, mỗi cặp đôi được nằm một giường, có gối tựa, gối ngủ, gối ôm, rồi được phục vụ cà phê, nước trà, thức uống các loại, có cả bữa ăn nhẹ… trong một bầu không khí rất “riêng tư” chẳng khác chi ở nhà. Khi được hỏi nếu như khán giả lỡ có “thân mật” quá trớn thì sao, và làm sao để giữ “thuần phong mỹ tục”, chủ rạp trả lời, lúc mô trong rạp cũng có camera giám sát, giường nào “phạm quy”, rạp sẽ cho nhân viên đến “nhắc nhở”, nếu tái phạm, rạp sẽ kiên quyết mời ra khỏi rạp, tránh ảnh hưởng đến người khác…
Rạp chiếu phim xưa. Ảnh: Internet |
Nguyên cớ để các chủ rạp phim thời nay chiều khách “hết cỡ” như rứa cũng thật dễ thấy. Thời đại bùng nổ thông tin, tầng tầng lớp lớp các phương tiện nghe nhìn “kỹ thuật số”, “số hóa”, thời đại truyền hình đa phương tiện, con người chỉ còn thiếu thời gian dành cho các loại hình giải trí, thiếu “không gian” sang trọng, tiện ích phù hợp với cuộc sống hiện đại nữa mà thôi.
Một thời cũ… dẫu không “cũ” mấy cũng đã “xưa rồi Diễm”. Cách đây non mấy chục năm, người Hội An, Tam Kỳ vùng quê - vùng đông hay vùng Tây, mỗi lần đến khu đô thị đều nói là “đi Phố”, “xuống Phố” hay “lên Phố”, cách nói ấy vẫn còn lưu giữ ở những người cao tuổi dù ở các nơi “quê” ấy chừ không khác chi ở phố. Ngày xưa, mức sống còn nghèo khó, nghèo đến mức, lâu lâu có chút tiền “lận lưng” - thay vì nói “đi Phố”, người quê còn nói “đi kéo ghế” - nghĩa là có chuyện họ ghé vô quán ăn, vì có tiền nên phong thái chững chạc, tự tin, bèn “kéo ghế”, ngồi xuống bàn, dõng dạc kêu món ăn, thức uống…
Vào thời kỳ “điện ảnh - nghệ thuật thứ bảy” lên ngôi những năm 60, 70 thế kỷ trước, thành phố, thị xã nào cũng “nổi tiếng” vì có rạp chiếu phim. Những cô cậu học trò thách đố nhau nơi nào có nhiều rạp chiếu phim nhất chắc chắn đó là thành phố… lớn nhất. Thứ bảy, chủ nhật nào các rạp phim cũng đông kín người xếp hàng mua vé. Thời đó phim Việt (miền Nam) không được chuộng bằng phim nước ngoài - những bộ phim võ hiệp đình đám Hồng Kông (bây giờ gọi là “bom tấn”) do các diễn viên nổi tiếng thập niên 70 thế kỷ XX như Lý Tiểu Long, Khương Đại Vệ, Trịnh Phối Phối… đóng như Mãnh long quá giang, Đường Sơn đại huynh, Tinh võ môn, Long tranh hổ đấu… ngày thứ bảy, chủ nhật luôn đầy khách vô rạp. Thời ấy còn có những phim tâm lý xã hội “tuyệt cú mèo” như Love story (Chuyện tình - dựa theo tiểu thuyết cùng tên của Erich Segal), Vĩnh biệt tình em (dựa theo tiểu thuyết Bác sĩ Zhivago của B. Paternak), Mùa thu lá bay (dựa theo tiểu thuyết của Quỳnh Dao)…
Hội An cũng từng có hai rạp chiếu bóng: Phi Anh, Hòa Bình… dường lúc nào cũng sáng đèn. Điện ảnh rạp kéo theo nghề vẽ paneau quảng cáo những cảnh “bắt mắt” nhất trong phim, tên phim, tên diễn viên đóng chính, đạo diễn, nhà sản xuất, rồi “đẳng cấp” màn hình như câu “màn hình đại vĩ tuyến”… treo trước cửa rạp hoặc ở những giao lộ đông người.
Sau năm 1975, rạp tiếp tục thu hút khách gần một thập niên nữa với những phim của Liên Xô, Trung Quốc, các nước khối xã hội chủ nghĩa - có phim lấy nước mắt của biết bao khán giả như phim Cuộc đời hai chị em sinh đôi của Triều Tiên… Ngày ấy ở nông thôn vui nhất là “phim chiếu bãi” - nơi hò hẹn của không ít lứa đôi, lúc nào họ cũng nhắc những phim như Thép đã tôi thế đấy, Khi đàn sếu bay qua, Chiến hạm Pôchemkine… của Liên Xô, Thầy Lang của Ba Lan…
Sang thời kỳ đổi mới tính từ năm 1986, điện ảnh, sân khấu thời “bao cấp” đã yếu hẳn do thua lỗ triền miên bởi không chuyển đổi kịp “cơ chế thị trường” và nhất là do sự tràn ngập các phương tiện giải trí công nghệ cao. Biết là biết vậy nhưng “tình trạng” suy thoái của “rạp nhà nước” dường đã đến bước “chết lâm sàng” vì cả khi “chiếu miễn phí” phim “kỷ niệm sự kiện lịch sử” cũng chẳng mấy ai coi. Sự thể chẳng thể nào hiểu nổi nếu so với một số nước trong khu vực, không thể so với các cường quốc điện ảnh như Mỹ, Pháp. Rạp tư nhân đang “thắng” cho dù kinh doanh trên lĩnh vực văn hóa là một sân chơi đầy may rủi.
Ở Quảng Nam, cả hai thành phố Tam Kỳ, Hội An vẫn chưa có một “rạp chiếu bóng tư nhân” nào, còn ở Hội An, rạp Phi Anh giờ đã chuyển “chức năng” sang “xúc tiến du lịch”, mấy năm rồi, lâu lắm mới thấy chiếu một phim, giờ đã thưa vắng hẳn…
Gẫm thấy buồn. Thành phố nào cũng muốn hướng đến một trung tâm hành chính, trung tâm du lịch, rồi đưa việc xây dựng “thành phố văn hóa” là “cốt lõi” mà khi du khách hỏi “rạp xi-nê ở đâu?” thì chẳng biết “ăn làm sao nói làm sao bây giờ”.
Người viết bài này có người em, một trang nam tử “làm thơ” và lúc nào cũng gắn với công việc chính là thành viên của Đội chiếu bóng lưu động vùng sâu, vùng xa của tỉnh. Lâu lâu gặp, bạn bè hỏi “vẫn còn đi chiếu à?, thôi thì chuyển hẳn qua… làm thơ đi” nghe mà rầu, bởi cả hai công việc đều “bất định”, đều bấp bênh…
Thôi thì rủ nhau bữa mô có tiền, có thời gian rỗi, bọn mình đi Sài Gòn, rồi vô rạp “giường nằm”, mình cùng coi phim, cùng “đọc thơ” cho nó đã, bởi “hãy đi khi bạn chưa già” như slogan của một hãng du lịch, chứ ở xứ mình “chờ đến bao giờ?” hay - nói như tên một bộ phim của đạo diễn Đặng Nhật Minh - “Bao giờ cho đến tháng Mười”! (PHÙNG TẤN ĐÔNG)