(QNO) - Tình cờ đọc bài thơ: “Vu Lan đứng giữa vườn nhà/ Lòng như dây mướp dây cà đơm bông/ Mong em về hái nụ hồng/ Hái rau chua lẻ anh trồng mời em” của nhà thơ Khổng Vĩnh Nguyên, khiến lòng tôi cứ miên man nhớ về một loại rau đã từng gắn bó với mình suốt thời thơ ấu - rau chua lẻ!
Bao đời nay, miền Trung vẫn nhiều mưa nắng. Nắng thì khô cằn bỏng rát. Mưa thì trút nước dầm dề. Lại thêm, mỗi năm có hàng chục cơn bão lớn nhỏ càn quét gây nhiều thiệt hại cho bà con nơi đây. Khác chăng là hồi trước, những con đường quê, kênh mương nội đồng chưa được bê tông kiên cố, cỏ mọc um tùm. Bọn trẻ ngoài giờ đi học thì chỉ biết đến cánh đồng, dòng sông, gò bãi… để vui với việc chăn bò, tát cá, hái rau. Do vậy, rau chua lẻ cũng gần gũi và thân quen lắm.
Không phổ biến bằng một số loại rau trong vườn nhà như rau muống, rau lang, rau dền… Rau chua lẻ mọc hoang ở bờ mương, bờ ruộng, bãi soi, bãi cỏ, gò đồi. Trong kí ức của tôi, nó là loại rau dân dã mà thân thương, gắn liền với những bữa cơm nhà đạm bạc ở chốn quê xưa. Suốt mùa hè, nắng như thiêu đốt khiến cho cỏ cây xơ xác, rau cũng còi cọc héo khô. Khi những cơn mưa rào cuối hạ mang đến không khí mát lành báo hiệu tiết trời đang chuyển sang thu, chính là lúc nhiều loài rau dại, trong đó có rau chua lẻ, mọc lên khắp nơi.
Từng vạt cỏ xanh ven đường đồng, chen với nhiều thứ rau mọc hoang khác như rau má, rau trai, rau đắng... chúng ta sẽ gặp một loại rau xanh mướt, chỉ cao độ một gang tay, lá có hình răng cưa, khi già sẽ có những chùm hoa tròn tròn, tim tím ở trên ngọn. Đó chính là rau chua lẻ. Điều đặc biệt của rau chua lẻ là lá giòn và có vị chua như chính tên gọi.
Thuở đồng quê còn rộng mênh mông, cứ đi dọc bờ mương, bờ vùng hoặc những đám ruộng bỏ hoang đang chờ lấy đất sét để nung gạch, là gặp rất nhiều rau chua lẻ. Gần phía chân ruộng, bờ mương, nhờ đất tốt và có hơi nước nên rau tươi non hơn. Cứ thế hái về nấu canh, luộc chấm mắm hoặc là ăn sống. Rau chua lẻ ăn sống rất ngon vì độ giòn và vị chua của nó. Nếu kết hợp với các loại rau khác như rau má, bồ ngót để nấu canh tập tàng cũng thú vị. Có khi đem luộc vừa chín tới, vớt rau ra đĩa, vẫn còn xanh mướt đang bốc khói mà chấm với mắm ớt hiểm, mắm cái thì ngon hết sẩy. Nhiều người cũng thích dùng rau chua lẻ làm gỏi nộm với bắp chuối hột, ngon đã đời. Nhưng với tôi, thích nhất vẫn là rau chua lẻ nấu với cua đồng và măng tre…
Ngày trước, cua bò lổm ngổm dưới ruộng, trên bờ. Sau cơn mưa lớn, cua bò lên đường cái, vào tận trong sân nhà, nếu ở gần ruộng. Muốn bắt cua là dễ lắm, chẳng mấy chốc đã đầy gàu. Lúc này hái thêm ít rau chua lẻ bên mương, rồi đi ngang qua hàng tre khèo một ít măng vòi (quê tôi gọi là măng dòi) là loại măng nhỏ, nứt ra từ nách nhánh của cây tre non, đem về nấu canh cua với rau chua lẻ.
Hồi đó, cuộc sống còn nhiều khó khăn nên cách chế biến món ăn cũng chẳng cầu kì theo công thức nào. Đem mớ rau chua lẻ tươi non rửa sạch, ngắt đoạn chừng một lóng tay. Cua đồng đem rửa sạch, giã nhuyễn rồi vắt lấy nước. Măng vòi thì lột lấy phần non, trụng qua nước sôi cho bớt đắng. Có thêm trái khế xắt lát mỏng, vài trái ớt hiểm cay cay là được. Chẳng biết nấu như thế là ngon hay dở nhưng cứ dễ nấu, hợp khẩu vị là ngon! Nhất là những ngày mưa lạnh mùa đông, có nồi canh nóng hổi, sực nức mùi thơm của đồng nội quê nhà thì còn gì bằng. Nồi canh bốc khói nghi ngút, có vị chua của rau chua lẻ và khế, vị đắng nhân nhẩn của măng, vị cay the của ớt, vị béo ngọt của cua đồng, hòa quyện với nhau tạo thành hương vị thức quê không dễ gì quên được. Những món ăn bình dị, những loại rau mộc mạc như chua lẻ, vẫn còn vương vấn mãi trong tôi!
Bây giờ đi đến bất cứ vùng quê nông thôn nào, chúng ta cũng nhận thấy sự thay da đổi thịt từng ngày. Đường sá, bờ vùng, kênh mương được kiên cố hóa, rất thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp và nông thôn. Cuộc sống của bà con thôn quê cũng khấm khá hơn nhiều. Nhưng những cánh đồng đang dần hẹp lại, các loại rau dại như rau chua lẻ cũng không dễ tìm. Nay, một số loại rau, trong đó có rau chua lẻ, đã trở thành đặc sản trong các quán ăn, nhà hàng sang trọng. Tôi chẳng biết thực hư thế nào, chỉ bâng khuâng thương nhớ rau chua lẻ bình dị ở chốn quê đã gắn bó với tôi suốt thời khó nhọc.
Giữa muôn vàn các loại rau khác nhau, chua lẻ vẫn giữ cho mình một đặc tính riêng biệt và ngon ngọt bổ lành. Từ đồng bãi hoang vu, rau chua lẻ theo người về trong gian bếp nhỏ, để rồi nó gắn bó với mâm cơm bình dị và hằn sâu trong kí ức chưa xa! Tôi đọc lại câu thơ của Khổng Vĩnh Nguyên: “Mong em về hái nụ hồng/ Hái rau chua lẻ anh trồng mời em” mà lòng thầm cảm ơn thi nhân và bồi hồi nhớ rau chua lẻ!