Nhớ một thời viết báo, tôi không thể quên những ngày viết tay… Tôi bắt đầu viết đủ thứ ngoài việc học, thu nạp những điều “tai nghe mắt thấy”. Khi còn ngồi trên ghế trường phổ thông, tôi đã có bài dạng “viết ngắn” trên báo Mực Tím - tờ báo bén duyên tôi đến với nghiệp viết.
Tôi sung sướng vô cùng, cầm ấn phẩm được nhận có tên mình, bài của mình, tâm trạng tôi vô cùng hồi hộp, phấn chấn. Lần đầu được đăng báo, tôi ngắm mãi, đọc mãi không chán mắt. Và sau đó, tôi tranh thủ, cặm cụi gửi bài cho các báo khác. Hồi đó, các báo đều có chuyên mục “Bạn đọc viết”. Tôi viết và gửi đến tòa soạn các báo Mực Tím, Hoa Học Trò, Sinh Viên, Áo Trắng… Thức khuya, đến một, hai giờ sáng vẫn còn ngồi viết để kịp hôm sau gửi đến tòa soạn…
Học xong cấp ba, tôi thi đỗ vào Khoa Văn Đại học Tổng hợp Huế (nay là Đại học Khoa học Huế) và viết nhiều hơn. Thời đó tôi viết tay trên khổ giấy manh kẻ ngang. Tôi nhớ có lần lên Báo Thừa Thiên Huế nhận nhuận bút, cô thư ký tòa soạn nhận xét: “Chữ viết em đẹp, rõ ràng, rất “thuận lợi” cho các cô đánh máy chữ ở đây…”. Chính lời động viên ấy mà tôi càng viết nhiều hơn, gửi thêm cho các báo khác và gửi qua đường bưu điện, rồi chờ đợi, ngóng trông…
Nhớ đầu những năm 1990, công nghệ fax ra đời, giúp cho việc chuyển bài vở nhanh hơn, thuận tiện hơn. Chỉ cần mang bài viết ra bưu điện gửi qua số fax của tòa soạn. Nhưng dùng kiểu này đối với sinh viên là thứ “xa xỉ” vì phải trả tiền fax nhiều hơn là mua tem gửi thư, đại loại thế. Nhưng có lần do yêu cầu cấp bách phản ánh một chuyến đi thực tập của sinh viên, tôi chọn gửi fax là lập tức thư ký tòa soạn gọi điện lại theo số fax vì có vài dòng chữ bị mờ, không đọc được. Chẳng biết vì lý do gì nhưng nghe tòa soạn bảo vậy tôi phải fax lại…
Thời đó, các báo đều trả nhuận bút qua bưu điện. Vì vậy, thích nhất là được mấy anh bưu tá gửi “giấy báo nhận tiền” và lập tức ra bưu điện liền. Thời sinh viên, có một bài báo được in là bạn bè xúm lại “bán lúa non”, nghĩa là đi ăn chè, bánh bèo, hay ăn kem, nước mía… đủ chủng loại khao bạn bè một chầu cho thỏa đáng. Rồi lại rủ nhau viết báo, kiếm nhuận bút. Nhiều lúc tiền nhuận bút cũng là “cần câu cơm” cứu những đứa sinh viên xa nhà những ngày “giáp hạt”… Những bài báo được in, có khi tòa soạn in luôn địa chỉ sau mỗi trang viết, nên thỉnh thoảng nhận được thư làm quen, chuyện trò xung quanh chuyện viết báo, cũng vui vui… qua những cánh thư viết tay một thời như thế.
Học tổng hợp Văn, nhưng ra trường cơ duyên tôi lại đi dạy văn ở một trường cấp ba. Tuy vậy, giáo án, học trò, phụ huynh, trường lớp… với biết bao những điều “tai nghe mắt thấy” tôi vẫn cầm bút viết bài cộng tác xung quanh lĩnh vực giáo dục. Tôi cộng tác các chuyên mục như “Gia đình - Nhà trường - Xã hội” của báo Thừa Thiên Huế, các chuyên mục “Văn hóa - Học văn” của báo Giáo dục và thời đại, các chuyên mục văn hóa - xã hội của nhiều tờ báo khác nữa. Tôi vẫn viết tay miệt mài trên những trang giấy manh kẻ ngang, vẫn đều đặn gửi đi, nhận báo biếu, nhận nhuận bút… và có nhiều báo mời dự hội nghị cộng tác viên cuối năm. Tôi nhớ, có lần anh Hồ Đăng Thanh Ngọc - khi đó là biên tập viên chuyên mục “Gia đình - Nhà trường - Xã hội” ở Báo Thừa Thiên Huế gọi điện thoại về số máy trường tôi (cả trường có một điện thoại bàn) động viên tôi viết nhiều bài, gửi về cho chuyên mục này. Hoặc có khi anh điện trao đổi thêm một số vấn đề về bài vở, mời khi nào có dịp ghé thăm tòa soạn…
Nhờ quá trình làm “cộng tác viên” một thời viết tay, tôi cẩn thận cắt ra những mẩu báo là “tác phẩm” để lưu lại, có cả những phiếu báo nhận tiền và lời nhắn gửi của tòa soạn cũng bằng chữ viết tay. Tôi xem đó là “tài sản” quý giá của đời mình và nâng niu gìn giữ. Cộng tác với nhiều báo “thuở ban đầu” viết tay ấy đã mang lại cho tôi nhiều động lực để trao dồi chữ nghĩa, văn phong, học được nhiều quý giá của cuộc sống. Thời đó, các thầy cô ở trường tôi công tác hay gọi tôi với cái tên “nhà giáo - nhà báo”, tôi tự nhủ ngoài công việc chuyên môn, tôi phải cần mẫn thu thập và tập trung viết những đề tài tôi yêu thích…
Mãi đến cuối những năm 1990, xứ Việt ta mới phổ biến internet và máy vi tính. Đây được xem là “cuộc cách mạng” cho những người làm báo. Thời đó, lại bắt đầu “giao dịch” bằng thư điện tử email, rồi yahoo, tra google. Các tòa soạn báo đã bắt đầu có kế hoạch hiện đại hóa hệ thống máy tính, cộng tác viên như tôi cũng phải “vận hành” theo, không còn viết tay nữa mà đánh vi tính, mail về tòa soạn, nhanh hơn, chính xác và kịp thời hơn… Tôi dành dụm sắm máy tính, tập tành “mổ cò” trên bàn phím vi tính. Thú thật, thời gian đầu gõ mỏi tay và lâu hơn viết tay, rồi quen dần, nhanh và thuận tiện hơn. Khép lại những tháng ngày viết tay gửi đến các tòa soạn báo qua bưu điện, nhưng đó là chuỗi kỷ niệm không thể nào quên được.
Bây giờ, thời đại của 4.0, của tốc độ và “thế giới phẳng”, nhưng chắc chắn những cộng tác viên, những người làm báo, viết báo một thời viết tay… không thể nào không nhớ những dòng tin, những bài viết được viết ra trên trang giấy… Nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21.6, lại nhớ một thời làm báo viết tay.