Tôi ngước lên nhìn, tấm biển nhỏ ghi: “Đường cổng chính ấp Quảng Đà” (xã Đông Hòa, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai). Tìm hỏi nhà ông trưởng ấp. “Con chạy thẳng vô, đụng nhà thờ, rẽ trái; đi thẳng tiếp vài chục mét, hỏi nhà ông Dụng trưởng ấp họ chỉ cho”. Lúc cảm ơn ríu rít, quen miệng: “Dọa, dọa! (dạ)”. Ông cụ chỉ đường như giãy nảy: “Chu. Mi ngùa (ngoài) nớ vô hả?”
Đường cổng chính vào ấp Quảng Đà. Ảnh: XUÂN THỌ |
1. Nghe tôi trình bày lý do, ông Phạm Văn Dụng - trưởng ấp Quảng Đà tạm dừng công việc thay phích cắm mới cho cây quạt: “Tau cũng dân Quảng đây mi”. Thấy tôi… nhíu mày. Ông cười: “Chú giỡn đó. Là Quảng, nhưng… Quảng Trị lận”. Dứt câu, ông trở về âm giọng quê mình, dù ít nhiều đã bị “loãng” đi. “Chú ở đoạn mô Quảng Trị?”. “Chỗ vĩ tuyến 17”. Tôi nhớ hè năm 2015 đi ra đó, nắng cháy da người, phả hầm hập vô mặt cái hanh khô đầy khó chịu. “Chờ chú chút”. Ông Dụng rút điện thoại gọi. “Là ông Lãng, dân Quảng Nam chính gốc. Ổng làm trưởng ấp cũng mấy nhiệm kỳ đó, chút ổng ra tha hồ hỏi chuyện” - ông Dụng giải thích cho cuộc gọi điện thoại của mình. Ông Dụng bảo ấp này chủ yếu là dân Quảng Nam - Đà Nẵng: “Chưa có thống kê cụ thể, nhưng chắc phải chiếm hơn 2/3 dân số ở đây”.
Bà Chín tráng mỳ Quảng. |
Tôi nghe giọng Quảng oang oang phía ngoài đường nhỏ, rất gần nhà ông Dụng: “Gọi có việc chi đó?”. Vừa ngoái đầu nhìn, chiếc xe đạp và chủ nhân kịp trờ tới. Người đàn ông trung niên, dáng cao to, đạp chân chống dứt khoát: “Đi xe đạp cho nó khỏe ông nạ”. Ở cái tuổi sắp bước sang 67, sống ở đây gần 46 năm, ông Nguyễn Lãng mặc nhiên trở thành… bô lão của ấp. “Hồi nớ là năm 1973, chính xác là ngày 20.10, chúng tôi theo cha Phạm Minh Tri vào đây để xây dựng vùng kinh tế mới. Chu, đi đông lắm, nguyên vùng Hòa Khánh hay Cẩm Lệ gì đó trở vào hết Quảng Nam mình chớ ít gì” - ông Lãng nhớ lại. “À, chú ở huyện mô?”. “Quế Sơn, chỗ gần gà đèo Le đó, mỗi lần về quê là phải ăn cho đã”. Tôi nói ngoài đó món phở sắn cũng đang nổi tiếng. Ông cười, bảo hồi xưa gọi là phở lưới vì có hình dạng thế.
Ngoài kia làm nông, vô đất Đồng Nai lập ấp cũng làm nông. Được cái đất đai nhiều, lại màu mỡ, nên dễ làm ăn. “Lúc đầu chỉ trồng các loại cây ngắn ngày như ở quê mình thôi. Tầm cuối những năm 1990 mới trồng cây công nghiệp, chủ yếu là cao su. Sang đầu những năm 2000, cơ cấu kinh tế bắt đầu có sự chuyển dịch mạnh. Người làm nông ít đi, người làm dịch vụ, công nhân,… tăng lên do ở đây thu hút được các công ty về đặt nhà máy” - ông Lãng cho biết thêm. Riêng ông Lãng, vào trong này, ông đi bộ đội rồi về làm dân quân ở xã Trảng Bom 2, tức xã Đông Hòa bây giờ. “Ổng làm trưởng ấp mười mấy năm lận đó” - ông Dụng chêm vào.
Ông Lãng (bên trái) và ông Ngô (bên phải) ngồi nhắc nhớ chuyện quê hương. |
2. Tôi theo ông Lãng lang thang mấy ngả đường trong ấp Quảng Đà. “Hồi trước chú hay về quê lắm, nhưng từ ngày vợ chú mất, thì ít hơn”. Hỏi chuyện, mới biết vợ ông mất đã gần 3 năm. Vào trong này, ông vẫn hay ngược xuôi Quảng Nam - Đồng Nai. “Vì chú buôn heo với thuốc rê mà”. “Vậy chú lấy heo ở chợ Bà Rén?”. “Ờ, lấy heo ở đó đem vào trong này bán kiếm lời”. Ông nói người Quảng mình hay, là lúc đi, dù có nghèo khổ, cũng ráng mang “cái dáng dấp quê nhà” theo. “Là mỳ Quảng đó” - ông cắt nghĩa. Tôi chỉ biết “à” một tiếng rõ to. Ông tiếp: “Thấy vậy chớ ở ấp này, nhiều người sống được nhờ làm mỳ Quảng đó”. Ông Lãng vừa dứt câu, chúng tôi kịp chạm ngõ nhà vợ chồng ông Đinh Công Ngô - Võ Thị Chín.
Vợ chồng ông Ngô đều quê ở xã Duy Châu, huyện Duy Xuyên và cùng tuổi 65. Nên ông Ngô mới tếu: “Cùng tuổi nằm duỗi ăn. Mà… không duỗi được, nên phải cày”. Nơi góc bếp, bà Chín đang ngồi tráng mỳ. Trên tấm vỉ, ngoài những lá mỳ nghi ngút khói vừa tráng xong, còn thấy mấy loại bánh tổ, bánh ú, bánh tét, xôi ngọt… Tôi đưa máy ảnh lên, bà đùa: “Con chụp thiệt à? Để cô sửa soạn cái đã. Chớ lên báo ở quê thấy tàn tạ rồi hỏi sao vô trong này cực khổ thế”. Rồi cười. “Mà cực thiệt chớ sướng gì đâu” - ông Ngô nói với ông Lãng, khi cả hai kéo ghế ngồi trước cửa nhà. Bà Chín bảo: “Mấy loại bánh đó cô làm thường xuyên. Rằm thì thêm bánh ú tro. Tết thì thêm bánh nổ, bánh nếp, bánh khảo…”. Vợ chồng bà Chín vô đây từ năm 1998, khi đã nên duyên vợ chồng và có với nhau ba mặt con. Kỹ năng làm mỳ bà học từ bên ngoại, còn cách làm các loại bánh được bên nội dạy, khi bà còn đương thì con gái.
“Mỳ trong này thì làm cũng như ở ngoài quê thôi. Có điều mình dùng khác loại gạo nên thay đổi cách chèn chuốt cho hợp lý” - bà Chín nói. Ở ấp Quảng Đà này, bây giờ còn 3 lò mỳ, lò của bà Chín là một trong 2 lò còn làm thủ công. Bà nói người Quảng ở đây có thể ăn mỳ thay cơm. Mà đúng thật, tầm giờ trưa, cuộc nói chuyện của chúng tôi hay bị gián đoạn vì có người đến mua mỳ, đều là dân Quảng. Một ông khách tên Chi mua đúng… 9 nghìn tiền mỳ, bảo: “Nhà có làm con gà, ăn mỳ cho sướng!”. Ông Chi quê ở xã Đại Quang (huyện Đại Lộc), vào đây vào năm 1976.
3. Tôi hỏi chuyện hồi hương. Ông Lãng nói chẳng có kế hoạch gì. Đâu cũng là quê, chỗ nào sống được thì sống thôi, huống chi trong này toàn người Quảng nữa, nên cảm giác như làng Quảng thu nhỏ. Còn ông Ngô thì bảo chưa nghĩ tới, bởi: “Tui với bả bây giờ như… hai vợ chồng son”. Rồi cười khà khà. Ba người con của vợ chồng ông, con gái đầu hành nghề y ở Đà Nẵng, gái giữa cũng làm nghề y ở Thủ Đức (TP.Hồ Chí Minh), còn trai út làm kỹ sư điện ở Duy Xuyên. Hai mươi năm trước, gia đình ông dắt díu nhau vào đây, vì ở quê khổ. Đến lượt con cái, có đứa trở ngược lại quê, âu cũng là điều xoay quanh chữ “mưu sinh” như người xưa đã nói “đất lành chim đậu”.
Những thế hệ người Quảng kể từ thời lập ấp Quảng Đà như ông Lãng, hay tiếp sau đó như vợ chồng ông Ngô, luôn biết cách vun vén nuôi dưỡng tâm hồn, khí chất Quảng của lớp hậu bối sinh ra và lớn lên ở nơi này. Từ khi đặt chân đến đây, người Quảng đã biến mảnh đất gần như hoang dại trở nên tràn đầy sinh lực. Điều ấy hiện diện ra cả bên ngoài, trên những con đường thông thoáng, trên những ngôi nhà kiên cố, ngay ngắn. Tôi nhớ mãi lời ông Dụng đùa với ông Lãng, rằng hôm nào đó đi thống kê xem ấp có bao nhiêu chiếc ô tô. Là đủ để biết họ đã xây dựng được ấp Quảng Đà trở nên khá giả đến nhường nào.
Ông Lãng nhớ ngày lập ấp, có tất cả 5 khu và cả 5 khu tồn tại đến bây giờ. Các khu 1, 2, 3 là 100% là người Quảng; hai khu 4 và 5 thì người Quảng chiếm khoảng 80%. Nhưng bây giờ, qua gần 46 năm nhiều biến động, ít nhiều có sự pha trộn. Cũng may là cái hồn cốt vẫn còn đó, để lớp trẻ còn biết về cội nguồn, còn biết nhớ thương gọi tiếng quê nhà…
Tôi rời ấp Quảng Đà, trong các câu chuyện bàn nhau về quê chạp mả, mà thương!
Ký của XUÂN THỌ