Những tháng cuối năm 1974, địch triển khai lực lượng công binh tổ chức cày ủi mở rộng vành đai kiểm soát từ thôn Đông Trà, xã Hòa Hải (nay là phường Hòa Hải thuộc quận Ngũ Hành Sơn, TP.Đà Nẵng) đến giáp xã Điện Dương, huyện Điện Bàn (nay là thị xã Điện Bàn, Quảng Nam). Lúc đó, các cơ quan của Quận ủy và Quận đội quận 3 Đà Nẵng vẫn kiên quyết bám trụ trên các gò đồng, lũy tre cuối con sông Điện Bình ngay trước mũi súng, tầm đạn pháo của địch. Hình như bước vào giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh giải phóng quê hương, tâm trí của các đồng chí từ lãnh đạo đến cán bộ, chiến sĩ trong các cơ quan của quận bị cuốn hút vào những công việc vừa rất bộn bề vừa hết sức khẩn trương, nào là tiếp nhận chỉ thị, mệnh lệnh của Đặc khu ủy Quảng Đà; nhanh chóng cắt cử cán bộ bám sát vào các vùng lõm, căn cứ lõm để chỉ đạo, truyền đạt những nhiệm vụ cụ thể; tiếp nhận xử lý thông tin báo cáo, phản ảnh từ cơ sở nội thành báo về; tiếp nhận, phân tích, đánh giá tình hình từ nguồn khai báo của các tên điệp báo, chỉ điểm vừa bị ta bắt. Bên cạnh đó còn phải tổ chức lực lượng bảo đảm chống địch càn quét, bảo vệ an toàn căn cứ…
Nước con sông Điện Bình như “nóng” lên theo các diễn biến tình hình địch - ta, rồi những doi cát ven biển Điện Dương và cả cồn Chờ cũng chói chang hơn dù tiết trời đang dần dịch chuyển sang xuân. Mấy dãy cát công binh địch vừa ủi lên trong những ngày vừa qua cũng làm cho vành đai quanh căn cứ sáng lên trắng xóa, đồng nghĩa với việc những ụ đất, gò đồi ven sông Điện Bình lộ ra trơ trọi, trở thành mục tiêu cho các loại súng, pháo của địch tha hồ tác xạ.
Đúng như phỏng đoán, cứ khoảng tầm 7 giờ sáng mỗi ngày là pháo địch ở trận địa Cống Tiềm lại “điểm tâm” vài chục quả, hết bụi tre này đến bãi chuối nọ tan tác tơi bời bởi các đạn pháo của địch. Đã thành quy luật nên anh chị em trong cơ quan chúng tôi không ngại, chị Sơn là y sĩ kiêm nuôi quân thường dậy rất sớm cặm cụi lo bữa ăn sáng cho cơ quan, làm sao cho bữa ăn cơ quan kết thúc trước khi trời sáng để còn thu xếp đồ đạc, tài liệu và súng ống chuẩn bị cho việc chống càn trong ngày. Phải lo nồi cơm chín và chia đủ mắm theo định suất vừa vẹn cho mỗi người. Việc nấu nướng ban đêm ở ngay trước mắt địch thì điều tối kỵ là không được để lộ ra ánh sáng, nếu không khác gì “lạy ông tôi ở bụi này”… Việc cuối cùng trước khi rời cứ là cài hết lại dây vướng mìn để bẫy địch là việc của cánh lính trẻ chúng tôi, kể cả động tác xóa dấu vết cuối cùng để không lộ hướng di chuyển của anh chị em.
Sáng tinh mơ, xắn quần tới gối lội bì bõm trong lúc lau lách còn ướt đẫm sương đêm, cứ thế chúng tôi men theo lối mòn quen thuộc, rồi chia nhau từng tốp nhỏ vài ba người tìm đến những gò đất thấp để tránh pháo địch, phân công người cảnh giới bộ binh địch có thể càn lên từ hướng Hội An, Điện Thọ. Điên tiết nhất là mấy thằng “cà chớn” bắn pháo theo kiểu “thích thì mần”, chúng tôi không biết đâu mà lần, nhiều hôm đang ăn cơm tối, nghe tiếng pháo địch khởi động ở cống Tiềm phải nhanh chóng rời mâm vào hầm trú ẩn, chừng vài giây sau đã nghe tiếng hú cuối tầm quen thuộc của đạn pháo 105 ly, cùng tiếng nổ inh tai là cảm nhận rất rõ mặt đất, nắp hầm rung lên bần bật, tiếng mảnh pháo cắt ngọt mấy thân tre hoặc găm vào bờ ruộng, vách hầm nghe phập phập. Những lần như thế là chúng tôi mất toi bữa cơm, cả cơ quan phải một phen nhịn đói, cánh lính trẻ như chúng tôi vốn đang sức ăn lại háu đói chỉ biết lầm bầm chửi địch.
Sau thắng lợi to lớn của ta ở Tây Nguyên, quyết tâm giải phóng Đà Nẵng, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước được thể hiện bằng ý chí quyết tâm từ Trung ương cho đến cơ sở. Ta tiếp tục đẩy mạnh hoạt động 3 mũi giáp công trên toàn chiến trường miền Nam, trong khi đó địch hình thành ý đồ co cụm tại Đà Nẵng. Tình hình trên gây khó khăn cho chúng tôi trong việc tiếp nhận nguồn lương thực từ Vùng 5, Hòa Hải vào căn cứ của quận. Đến giáp Tết Ất Mão 1975, lượng gạo dự trữ của cơ quan chúng tôi đã cạn, các đồng chí lãnh đạo cơ quan tính “nát nước” vẫn chưa tìm ra cách nào trước nguy cơ toàn cơ quan bị đói; giải pháp tình thế đưa ra được nhất trí cao là phát huy “nguồn lực tại chỗ”. Thế là cánh lính trẻ chúng tôi được phân công xuống sông mò cua, bắt ốc. Cua đâu chẳng thấy chứ ốc thì nhiều vô kể. Ngày đầu cánh lính trẻ chúng tôi ăn thỏa thích và thấy thật ngon miệng dù thiếu muối. Ngày thứ hai ăn hơi chững lại, đến ngày thứ ba ăn vào bao nhiêu… nôn ra bấy nhiêu. Thế là phương án “mở đường máu” được đưa ra bàn bạc và nhất trí tổ chức lực lượng đi vào cơ sở của ta tại Vùng 5, Hòa Hải để tải gạo, muối cùng các loại nhu yếu phẩm khác. Nhiệm vụ này lại được giao cho cánh lính trẻ chúng tôi đảm nhiệm.
Tổ “mở đường máu” được lập, trong đó có tôi. Bí mật lợi dụng thời gian nửa khuya về sáng địch đang say ngủ, chúng tôi chống xuồng đi sát mép sông tiếp cận sát phía bắc cồn Chờ, nhẹ nhàng len lỏi trong đám sình lầy, lau lách. Sau khi nhận xuồng xuống sông và lấy hoa lục bình phủ lên ngụy trang để tránh trực thăng của địch phát hiện, chúng tôi kiểm tra lại vũ khí và các vật dụng mang theo rồi giãn đội hình thẳng tiến hướng núi Non Nước, bí mật vượt qua chốt gác của địch ở Sở Cùi. Gần 3 giờ sáng, chúng tôi vượt qua khe nước Vùng 5 và tiếp cận được nhà cơ sở đầu tiên, phát ám hiệu đến lần thứ 2 mới nghe giọng đáp ám hiệu còn đang ngái ngủ: “Nhà ni không có Việt cộng mô. Mấy ổng mới đi đó”. Tiếp tục phát ám hiệu lần thứ 3, cửa mở, chúng tôi lách ngay vào, hơi ấm mái nhà tranh và ngọn đèn dầu vừa đủ sáng làm chúng tôi ấm lại sau nhiều giờ bươn bả dưới sương khuya. Vừa ấm chỗ, má Bảy trách: “Mấy đứa bây liều thiệt, tụi lính dù đông nghịt mới ở đây hồi chiều, coi chừng đó!”. Chúng tôi thăm hỏi sức khỏe bà con và nắm thêm tình hình địch rồi khẩn trương cho gạo, muối, cá khô vào gùi, nhanh chóng quay về cứ trước khi trời sáng. Kế hoạch “mở đường máu” thắng lợi trọn vẹn đã sớm hồi phục sinh khí của cơ quan trong những ngày giáp tết, thời điểm mà các lực lượng cách mạng của ta đang dốc sức chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân 1975.
Tết cuối cùng ở bưng biền thuở ấy đối với tôi không thể nào quên. Chiều 29 Tết năm 1974, theo thư nhắn của cơ sở, lãnh đạo cơ quan phân công tôi và anh Phụ cần vụ đi nhận giỏ thịt heo do cơ sở gửi vào cho cơ quan ăn tết. Giữa thanh thiên bạch nhật, cồn cát trắng xóa, phải đi làm sao? Tôi và anh Phụ bàn nhau bò sát dưới những dãy cồn cát địch vừa cày lên để tiếp cận nơi có giỏ thịt heo. Đến nơi, với giỏ thịt heo gần một tạ, chúng tôi người bò trước thì kéo, người bò sau thì đẩy, cứ thế lê lết từng mét một, đến tối mới về đến cơ quan, mệt nhưng vui. Ngay đêm đó thịt heo luộc chín thơm lừng, chị nuôi dọn ra mâm, mọi người được một bữa ăn tết toàn thịt heo với bông súng, rau má chị em phụ nữ hái ven đồng. Đã lâu lắm rồi chúng tôi mới được ăn thịt heo nên ngon đáo để. Mới đó mà đã ngót 44 năm, bây giờ nhớ lại, ôi thương lắm một thuở bưng biền!
Bút ký: MAI MỘNG TƯỞNG