Nhờ tòa phán xử

Công Tú 11/01/2013 08:40

Do không được tìm nói chung trong việc thay hay chưa thay xe mới, Công ty CP GTVT Quảng Nam đã quyết định kiện chủ của hai phương tiện  tham gia tuyến xe buýt Tam Kỳ - Đà Nẵng ra tòa.

Ngả rẽ lý - tình?

Báo Quảng Nam nhận được đơn thư phản ánh của hai chủ phương tiện ở TP. Tam Kỳ tham gia trên tuyến xe buýt hai chiều Tam Kỳ - Đà Nẵng là ông Nguyễn Lê Phương (quản lý xe BKS 92K-6243) trú tại khối 6, phường An Mỹ và ông Huỳnh Văn Học (quản lý xe BKS 92K-5534) trú tại khối phố Mỹ Thạch Bắc, phường Tân Thạnh. Trong đơn thư, hai ông không đồng tình với nội dung Thông báo số 216/TB-CT ngày 15.11.2012 của Công ty CP GTVT Quảng Nam. Hai ông cho rằng, không hề hay biết nội dung cuộc họp Hội đồng quản trị ngày 8.4.2009 giữa các thành viên về việc thống nhất đầu tư phương tiện vận tải, các chủ phương tiện tuyến buýt Tam Kỳ - Đà Nẵng và ngược lại, cho đến khi nhận được thông báo. Thứ hai, Thông báo số 2013/TB-LS GTVT ngày 18.9.2012 của hai Sở GTVT TP. Đà Nẵng và Quảng Nam hoàn toàn không đề cập phải thay xe đời 2003, 2004; mà quy định các đơn vị vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt xây dựng kế hoạch lộ trình thay thế những phương tiện xe khách cải tạo thành xe buýt theo QCVN số 10:2011/BGTVT- Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ô tô khách thành phố.

Hai xe này đang khiến cho những người từng liên kết làm ăn phải đưa nhau ra tòa. Ảnh: C.T
Hai xe này đang khiến cho những người từng liên kết làm ăn phải đưa nhau ra tòa. Ảnh: C.T

Các xe trên tuyến buýt Tam Kỳ - Đà Nẵng đã được các cơ quan chức năng kiểm tra, chứng nhận đảm bảo tiêu chuẩn, cho phép đưa vào hoạt động. Công ty cũng đã tiếp nhận phương tiện của hai ông đưa vào khai thác trên tuyến xe buýt, được ký hợp đồng liên kết không thời hạn theo Hợp đồng số 330/HĐLK-CT ngày 31.7.2007, đương nhiên xe chỉ dừng hoạt động khi Nhà nước có thông báo.

Viện dẫn các văn bản trên, hai ông cho rằng giám đốc doanh nghiệp (DN) cố tình hiểu sai và lợi dụng Thông báo số 2013/TB-LS GTVT để ban hành Thông báo số 216/TB-CT là không có cơ sở. Hai ông cũng không thống nhất với nội dung cuộc họp ngày 12.11.2012 giữa giám đốc, đội trưởng đội xe công ty với chủ xe 92K-5534, 92K-6243, vì vậy không ký biên bản và xem như cuộc họp bất thành, biên bản không có giá trị pháp lý. Theo ông Phương và ông Học, họ  chỉ có chiếc xe làm kế sinh nhai, tin tưởng vào lãnh đạo công ty nên liên kết để kinh doanh vận tải. Trong những năm đầu hoạt động, họ trải qua muôn vàn khó khăn, vất vả mới tồn tại cho đến bây giờ. Nay tình hình kinh doanh có khả quan hơn, DN lại có chủ trương loại tất cả các xe cá nhân ra khỏi tuyến, nhằm thao túng toàn bộ tuyến xe buýt Tam Kỳ - Đà Nẵng. Giá trị của 1 chiếc xe trên thị trường hiện nay là 500 triệu đồng, nhưng công ty buộc hai ông đem xe đi bán phế liệu (còn thời gian hoạt động 10 năm), cược 100 triệu đồng/xe để nhận xe khoán, hàng tháng nộp tiền khoán 20 triệu đồng.

Nhờ tòa phán xử

Ông Ông Văn Dũng - Đội trưởng đội xe Công ty CP GTVT Quảng Nam khẳng định, kể từ ngày DN có thông báo, chủ hai phương tiện đều không đến làm việc trực tiếp với công ty. Còn Giám đốc Huỳnh Anh Dũng cho biết, trong quá trình hoạt động, nhiều phương tiện trên tuyến buýt Tam Kỳ - Đà Nẵng không còn phù hợp với quá trình phát triển của xã hội nên công ty đã đưa xe chất lượng cao chuẩn B50 vào thay thế. Tuy nhiên, có 4 xe (trong đó có xe 92K-5534 và 92K-6243) của chủ phương tiện liên kết với công ty không thay xe mà xin cải tạo từ xe khách thành xe buýt. Đầu năm 2009, điều kiện đưa ra của hai Sở GTVT Đà Nẵng và Quảng Nam về việc đầu tư trên tuyến Tam Kỳ - Đà Nẵng là xe buýt chuẩn B50, mới 100%. Trong khi đó, xe 92K-5534 (sản xuất năm 2005), 92K-6243 (sản xuất năm 2003) là xe khách cũ mới mua về hoạt động từ năm 2007, xét thấy các xe chưa thu hồi vốn, hoàn cảnh các chủ quản lý khó khăn nên công ty đã có văn bản xin 2 Sở GTVT cho cải tạo thành xe buýt B40 để tiếp tục tham gia trên tuyến. Hiện tại, 2 xe này đang trong tình trạng xuống cấp cần phải thay thế. Riêng 2 xe còn lại sản xuất năm 2007 (xe cải tạo), công ty cũng đã sắp xếp lộ trình thay thế.

Theo ông Huỳnh Anh Dũng, hợp đồng liên kết là việc ký kết hợp tác khai thác phương tiện vận tải hai bên cùng có lợi, không có thời hạn không có nghĩa là không thể chấm dứt hợp đồng. Từ đầu năm 2012, công ty đã xây dựng lộ trình thay xe và thông báo trong các cuộc họp hàng tháng tại Đội xe khách, nhưng ông Phương và ông Học đều không có mặt, chỉ có ông Nguyễn Lê Anh (lái xe 92K-6243) và bà Huỳnh Thị Lễ (thu ngân xe 92K-5534) đi họp. Nhằm tạo điều kiện ổn định đời sống, công ty ưu tiên cho 2 quản lý xe nói trên nhận khoán với mức đặt cược 100 triệu đồng/xe, so với xe khác giảm 140 triệu đồng. Công ty tổ chức ký lại hợp đồng liên kết với 2 xe cải tạo này để phân bổ hoạt động vận tải tuyến cố định hoặc vận tải theo hợp đồng (Thông báo số 216/TB-CT đã nói rõ), không buộc 2 ông bán xe phế liệu như đơn khiếu nại. Cũng theo ông Huỳnh Anh Dũng, ông Phương tự kê giá trị xe hiện tại trên thị trường là 500 triệu đồng là không đúng, vì năm 2007, ông Khánh (cha ông Phương, mất năm 2010) mua xe cũ giá 200 triệu đồng, qua 5 năm sử dụng giá trị đã khấu hao gần hết. Mặc dù được tạo mọi điều kiện, song ông Phương và ông Học vẫn không hợp tác mà có đơn khiếu nại gửi nhiều nơi, có nội dung không đúng sự thật làm ảnh hưởng đến uy tín DN.

Hai bên không tìm được tiếng nói chung nhằm giải quyết vấn đề vừa thấu tình vừa đạt lý, vì vậy Công ty CP GTVT Quảng Nam làm đơn khởi kiện gửi Tòa án nhân dân TP. Tam Kỳ. Hy vọng, trong thời gian sớm nhất vụ việc sẽ được giải quyết.

Công Tú

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhờ tòa phán xử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO