Nhớ Trịnh

01/04/2014 08:50

(QNO) - Kỷ niệm 13 năm ngày mất của nhạc sĩ tài hoa - “kẻ du ca trong tình yêu” - Trịnh Công Sơn (1.4.2001-1.4.2014), nhiều nơi ở Quảng Nam đã tổ chức đêm nhạc Trịnh để được cùng nhau sống trong những giây phút ngọt ngào của âm nhạc từng làm say đắm bao thế hệ người Việt và sẽ mãi mãi song hành cùng năm tháng...

13 năm qua, nhiều người yêu nhạc xứ Quảng vẫn vẹn nguyên tình yêu với nhạc Trịnh.
13 năm qua, nhiều người yêu nhạc xứ Quảng vẫn vẹn nguyên tình yêu với nhạc Trịnh.

Cách đây ba năm, lần kỷ niệm 10 năm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, chúng tôi có dịp về xã Điện Ngọc - huyện Điện Bàn để được thả lòng mình trôi theo dòng cảm xúc êm đềm của đêm nhạc tưởng nhớ mười năm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với chủ đề “Để gió cuốn đi” do một nhóm những người yêu nhạc Trịnh tổ chức. Dù chỉ là một đêm văn nghệ tự phát đồng thời lại được khởi nguồn từ một quán cà phê nhỏ ở Điện Ngọc, nhưng lại khiến tâm hồn người nghe thổn thức cùng những âm hưởng ngọt ngào của âm nhạc Trịnh Công Sơn. Tình yêu mà công chúng danh cho nhạc Trịnh bao giờ cũng ăm ắp cảm xúc và lan tỏa.

Và giờ đây, đúng vào dịp kỷ niệm 13 năm ngày mất của Trịnh, dòng cảm xúc êm đềm ấy lại trở về nguyên vẹn trong tôi khi được sống trong bầu trời âm nhạc rất riêng của Trịnh Công Sơn được tổ chức ở nhiều nơi trong tỉnh vào dịp này.

Mộ điệu nhạc Trịnh và say đắm trong từng giai điệu trữ tình nhưng mang đầy triết lý cuộc sống mà âm nhạc Trịnh Công Sơn mang đến, suốt nhiều năm qua, kể từ ngày nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ra đi về với “Cát bụi” - những người yêu nhạc của ông đã có những buổi sinh hoạt theo từng chủ đề, âm thầm nâng niu những tình khúc Trịnh và góp tiếng nói để âm nhạc Trịnh tạo nên những khoảng lặng cần thiết trong cái ồn ào, hối hả của cuộc sống hôm nay...

Chị Nguyễn thị Quỳnh Châu- một người yêu nhạc Trịnh ở Điện Ngọc, Điện Bàn bảo rằng, từ thời học sinh đã chị đã yêu thích nhạc Trịnh rồi. Chị kể, hồi ấy, cứ mỗi lần tan trường ngang qua hàng quán nào đó mà nghe phát băng nhạc Trịnh Công Sơn thì đứng lại, nghe cho hết bài mới chịu về. Lớn lên đến tuổi yêu, tuổi mộng mơ của người con gái lại da diết, đắm say với tình khúc Trịnh qua những giai điệu ngọt ngào và ca từ đầy lãng mạn trong “Ước mi”, “Diễm xưa” “Hãy yêu nhau đi”, hay “Phôi pha” rồi “Còn tuổi nào cho em”… Bây giờ vẫn vậy, dù đã qua gần trọn một đời người, âm nhạc Trịnh Công Sơn vẫn mãi mãi có một chỗ đứng cao nhất trong tâm hồn chị mỗi khi lòng thảnh thơi hay những lúc chạnh buồn với cuộc sống mưu sinh đời thường…

Ca si
Tình cờ, giảng viên thanh nhạc Nguyên Nhung (TP.Hồ Chí Minh) cũng có mặt tại đêm nhạc tưởng nhớ Trịnh ở Tam Kỳ.

Cũng như chị Châu, vợ chồng anh Hiếu, chị Tâm - chủ quán cá phê Điểm hẹn (Điện Ngọc, Điện Bàn), nơi được chọn làm địa điểm để tổ chức những đêm nhạc Trịnh dù bận bịu với công việc làm ăn, buôn bán nhưng lúc nào cũng để tâm hồn mình có vài khoảnh khắc riêng với nhạc Trịnh. Anh Hiếu bảo rằng, nhạc Trịnh phải nghe trong lúc tĩnh lặng mới cảm nhận hết cái hay, cái tuyệt vời và triết lý trong từng lời từng bài hát. Anh Hiếu chị Tâm là người gốc Điện Ngọc, nhưng có một thời gian dài làm ăn sinh sống ở thành phố Hồ Chí Minh, cũng thường xuyên được gặp nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong mối tương giao bè bạn, anh em nên ít nhiều cũng có kỹ niệm với nhạc sĩ Trịnh. Lúc Trịnh Công Sơn ra đi về với cõi vĩnh hằng, chị Tâm đã khóc ông nhiều ngày để tiễn biệt một người anh và một người nhạc sĩ tài hoa mà chị yêu quý…

Cũng mộ điệu nhạc Trịnh như nhiều người, nhưng với nhà thơ Đỗ Thượng Thế, yêu nhạc Trịnh không chỉ bằng việc mỗi ngày để lòng lắng đọng với những tình khúc Trịnh mà anh còn trân trọng gìn giữ, nâng niu những kỷ vật liên quan đến nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được người cha sưu tầm từ mấy chục năm về trước như những tấm hình nhạc sĩ Trịnh từ thuở thiếu thời cho đến lúc ông có mặt trên khắp sân khấu ca nhạc từ Nam ra Bắc hay những chiếc dĩa hát tròn thời cũ với những ca khúc đầu tay của Trịnh và những bút tích, ký họa của người nhạc sĩ này. Nhà thơ Đỗ Thượng Thế bảo rằng, mỗi người đều có một cách trân trọng tài hoa khác nhau nhưng ước muốn chung nhất vẫn là để âm nhạc Trịnh Công Sơn được lan tỏa và làm dịu lại cuộc sống vốn hối hả thời hiện đại này.

Một đêm nhạc tưởng nhớ Trịnh do Hội Văn học - nghệ thuật TP. Tam Kỳ tổ chức.
Một đêm nhạc tưởng nhớ Trịnh do Hội Văn học - nghệ thuật TP. Tam Kỳ tổ chức.

Còn với nhà điêu khắc trẻ Nguyễn văn Huy - người nhiều năm nay gặt hái được không ít thành công từ các sân chơi điêu khắc trong và ngoài tỉnh thì, sự trân trọng của anh dành cho Trịnh được thể hiện trọn vẹn trong bức điêu khắc chân dung nhạc sĩ - chân dung này được chọn làm một dấu ấn và là đường dây dẫn chuyện đầy tình ý trong chương trình âm nhạc tưởng nhớ 13 ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn do Hội Văn học - nghệ thuật Tam Kỳ cùng với những người yêu âm nhạc Trịnh Công Sơn tổ chức vừa qua. Chương trình này xuất phát từ ý tưởng của nhà báo Huỳnh Trương Phát - một người mộ điệu nhạc Trịnh cùng một số anh em văn nghệ thuộc Hội Văn học - nghệ thuật TP.Tam Kỳ và những người yêu nhạc Trịnh đến từ các địa phương trong tỉnh như Núi Thành, Thăng Bình, Phú Ninh… Từ Núi Thành, cây saxophone độc nhất của xứ Quảng Ngọc Thành, biệt danh Thành Châu Phi đã mang đến cho người nghe trong chương trình những giai điệu ru hồn mà chỉ có saxophone mới có thể chuyển tải hết cái thần của nhạc Trịnh. Suốt nhiều năm nay, bằng tình yêu âm nhạc Trịnh Công Sơn, anh Thành đã không ngừng trau dồi khả năng “sử” kèn với những ca khúc của Trịnh. Âm nhạc Trịnh từ lâu như là một phần trong đời sống tinh thần của anh.

Và rất ngẫu nhiên, chương trình âm nhạc kỷ niệm 13 ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ở Tam Kỳ lần này có sự tham gia đầy hứng khởi và sang trọng của giọng hát Nguyên Nhung - một giảng viên thanh nhạc đến từ thành phố Hồ Chí Minh. Sự xuất hiện của Nguyên Nhung độc diễn cùng cây ghi-ta thùng đã tạo nên bất ngờ và đầy thú vị cho người thưởng lãm. Nguyên Nhung cho biết, chị là một người con xứ Quảng, lần này về thăm quê, tình cờ nghe có chương trình kỷ niệm ngày mất của Trịnh nên đã nhiệt tình tham gia. Không gian tĩnh mịch, thời gian như ngừng lại khi những ngọn nến được thắp lên thay lời tưởng nhớ người nhạc sĩ tài hoa và giai điệu tinh khiết mang đầy tính nhân văn của “Để gió cuốn đi” ngân vang và lan tỏa vào lòng mỗi người...

Cùng với những câu chuyện kể, những vần thơ tưởng nhớ và một vài kỷ niệm nhỏ của những người từng gặp Trịnh lúc đương thời… là những giọng hát “ngẫu hứng” từ phong trào văn nghệ quần chúng Quảng Nam, nhưng trong một đêm mang đầy ý nghĩa tưởng niệm và tràn ngập giai điệu âm nhạc... thì hình như tất cả đã trở nên thăng hoa và vượt thoát khỏi đời thường để được bay bổng cùng nhạc Trịnh.

Tình khúc đầu tay “Ước mi” được hát lên nhiều lần như một sự tri ân với người quá cố để rồi sau đó là “Một cõi đi về”, “Biển nhớ”, “Hãy yêu nhau đi”, “Phôi pha”, “Đêm thấy ta là thác đổ”, “Cát bụi”... được ngân nga như những sợi tơ óng ánh mà người yêu nhạc Tam Kỳ xứ Quảng đã dệt tình yêu với Trịnh...              

Mười ba năm, hai mươi năm hay còn nhiều hơn thế nữa, âm nhạc Trịnh Công Sơn sẽ vẫn còn sống mãi trong lòng người yêu nhạc. Và, có lẽ cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là người hạnh phúc nhất khi mà từng khoảnh khắc thời gian trôi qua, gia tài âm nhạc ông để lại cho đời luôn được ngân lên trong cuộc sống dù ở nơi đó là thành phố đèn hoa rực rỡ hay chỉ là một làng quê bình dị của Việt Nam…

ĐẶNG TRƯƠNG KHÁNH ĐỨC     

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhớ Trịnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO