Nhớ về cô giáo cũ

PHAN LĨNH 26/09/2013 09:32

Đến thăm trường Đại học Sư phạm Hà Nội những năm 1968 - 1971, lên tầng 4 nhà B3 ai cũng có thể gặp một gia đình nhỏ gồm mẹ và 4 con. Bữa cơm hằng ngày chỉ có lạc rang, rau muống luộc. Người mẹ là một sinh viên, có chồng bộ đội đi B, 4 con đang học trường phổ thông cấp III, cấp II ở Cầu Giấy. Tối tối, dưới ánh sáng tù mù của ngọn đèn dầu hỏa, 5 mẹ con cùng chăm chỉ học bài, làm bài. Đó là gia đình cô giáo cấp II trường Học sinh miền Nam số 6 - Trần Thị Qua. Khi trường dời sang Trung Quốc, cô được Bộ Giáo dục cử đi học khoa Tâm lý giáo dục trường Đại học Sư phạm Hà Nội để khi đất nước thống nhất, trở thành giáo viên trường Trung học Sư phạm ở miền Nam, đào tạo giáo viên, phát triển giáo dục cấp I, cấp II ở vùng mới giải phóng.

Khi khoa Tâm lý giáo dục đi sơ tán ở Phù Cừ (Hưng Yên) cô sinh viên 41 tuổi này cùng với 4 con đeo ba lô quần áo, sách vở dẫn nhau đến xin trọ nhà dân để mẹ lên giảng đường đại học, các con tiếp tục học trường phổ thông. Giáo sư Nguyễn Lân - Chủ nhiệm khoa đến thăm nơi ăn ở của sinh viên, thấy cảnh mẹ con cô Qua quá vất vả, đã nói với cán bộ sinh viên toàn khoa: “Chị Qua một nách bốn con, cứ theo học được đến cuối khóa thì cũng có thể là tốt nghiệp rồi, chưa cần phải kiểm tra thi cử gì”. Không phụ lời động viên của thầy, cô sinh viên cao tuổi này không những học được mà còn học giỏi, cuối khóa các môn thi đều đạt điểm cao và được giữ lại trường làm giảng viên bộ môn Tâm lý lứa tuổi. Lúc bà giáo mới của Đại học Sư phạm Hà Nội được lên giảng bài ở khoa Tâm lý giáo dục thì 3 con lớn của bà cũng đã lần lượt là sinh viên đại học ở Ba Lan, Đại học Y Hà Nội và ở Liên Xô. Thế là bốn mẹ con đã dàn hàng ngang mà tiến trong quá trình  phục vụ sự nghiệp giáo dục đào tạo.

Năm 1978, nhà giáo Trần Thị Qua được điều về làm cán bộ giảng dạy trường Cán bộ quản lý giáo dục Trung ương 2 của Bộ Giáo dục ở số 7 Nguyễn Bỉnh Khiêm, TP.Hồ Chí Minh, chủ nhiệm lớp Tâm lý giáo dục sau đại học. Ở cương vị này, cô Qua đã góp phần quan trọng bồi dưỡng nhiều cán bộ cốt cán cho ngành giáo dục, y tế, giao thông, công an. Cô còn giữ chức Chủ tịch Công đoàn, Bí thư Chi bộ trong những năm đầu trường mới thành lập. Có 2 câu chuyện cảm động mà cô là người trong cuộc và tôi - một học sinh cũ thời tiểu học trong kháng chiến chống Pháp của cô được chứng kiến.

Câu chuyện thứ nhất: Ngày khai giảng lớp hiệu trưởng của trường Cán bộ quản lý giáo dục Trung ương 2, cô giáo Đặng Huỳnh Mai ở Vĩnh Long đến làm thủ tục vào học, mang theo 2 con nhỏ. Giáo sư Hoàng Chúng - Hiệu trưởng nhà trường phân vân chưa biết giải quyết thế nào vì trường không có chỗ ở cho học viên có con nhỏ. Bàn bạc với cô giáo Qua thì không chút phân vân ngần ngại, cô đã xung phong nhận nhiệm vụ sắp xếp chỗ ở cho ba mẹ con cô giáo Mai. Cô Qua nhớ lại ngày mình vào trường Đại học Sư phạm một nách 4 con được trường đón nhận, nếu không giúp cô Mai thì làm sao nâng được trình độ của cán bộ nữ. Thế là cô Mai được vào học và được vào lớp do cô Qua làm chủ nhiệm. Sau khi tốt nghiệp, cô Mai được cử làm Hiệu trưởng một trường cấp III rồi lên làm Phó Giám đốc, Giám đốc Sở giáo dục, thời gian sau được đề bạt làm Thứ trưởng Bộ GDĐT. Sau này nhiều lần đi công tác các tỉnh phía Nam, Thứ trưởng Đặng Huỳnh Mai đều đến thăm cô giáo cũ của mình với tất cả tấm lòng tri ân sâu sắc.

Câu chuyện thứ hai: Sau khai giảng khóa Tâm lý giáo dục sau đại học 2 ngày, Sở Giáo dục Quảng Nam - Đà Nẵng cử 6 giáo viên vào học. Theo quy định chung, học viên đến muộn 2 tháng thì nhà trường không nhận vì học thiếu chương trình, không bảo đảm chất lượng đào tạo. Giáo sư Hoàng Chúng - Hiệu trưởng nhà trường lại hỏi ý kiến cô Qua. Cô đề xuất cách giải quyết: Nhà trường nên linh động nhận, cô sẽ lo việc tổ chức cho 6 giáo viên này học bù phần chương trình bị thiếu. Cô nói: “Quảng Nam trung dũng kiên cường đi đầu diệt Mỹ, tôi và anh là người Quảng Nam lẽ ra phải về phục vụ giáo dục quê hương. Không về được thì giúp các học viên này được học ở đây cũng là một cách đóng góp xây dựng quê hương”. Hiệu trưởng Hoàng Chúng đồng ý và 6 học viên đến muộn được nhận vào học. Khi tốt nghiệp, thầy Tường được cử về làm trưởng khoa tại trường Cán bộ quản lý giáo dục TP.Hồ Chí Minh, thầy Thạnh về Quảng Nam làm việc một năm thì được bầu làm Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh.

Ghi lại vài nét về quá trình phục vụ ngành giáo dục của cô giáo cấp I cũ, tôi liên tưởng hình ảnh cô Qua ngày đầu năm 1945. Khi đó tôi còn rất nhỏ, thấy cô mặc quần soóc đi trong nhóm cán bộ Phụ nữ Cứu quốc của Việt Minh huyện đến xã tôi giải thích chính sách Việt Minh, vận động bà con tham gia khởi nghĩa cướp chính quyền. Đầu tháng 10.1945 tôi được học lớp dự bị do cô dạy tại trường huyện. Tôi tự hào đã được học một cô giáo, cán bộ tiền khởi nghĩa có 24 năm ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa, đã vượt khó khăn khi chồng là bộ đội đi B, một nách 4 con, vươn lên trở thành cán bộ giảng dạy đại học có uy tín của ngành.

PHAN LĨNH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhớ về cô giáo cũ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO