Nghỉ hưu, có thời gian rảnh rỗi ngồi ôn lại những năm tháng say mê cầm bút “chạy” theo cái nghiệp “viết lách”. Với biết bao kỷ niệm nhưng đáng nhớ nhất là thời gian tôi làm cộng tác viên cho các tạp chí cùng một số tờ báo trung ương và địa phương khi còn là một nhân viên kỹ thuật của ngành lâm nghiệp đóng chân tại huyện Trà My (cũ).
Tháng 11.1976, tôi cùng 10 anh chị em thuộc Đoàn điều tra quy hoạch Ty Lâm nghiệp Quảng Nam - Đà Nẵng nhận quyết định tăng cường về Lâm trường Trà My. Mới 19 tuổi, chúng tôi lên đường nhận nhiệm vụ với khí thế hừng hực “đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc cần”.
Vốn là những người có chút tài lẻ về viết, vẽ... nên trong những năm 70 của thế kỷ trước tôi và người bạn đồng môn Huỳnh Gạch (nhà báo Huỳnh Trương Phát) được rất nhiều người chú ý. Lúc bấy giờ phong trào làm báo tường là một trong những hoạt động sôi nổi của Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Mỗi lần hội thi thì các cơ sở đoàn thuộc Lâm trường Trà My không có đơn vị nào cạnh tranh được phòng kỹ thuật (nơi chúng tôi công tác) và chưa có chi đoàn nào trên địa bàn huyện “qua mặt” được Chi đoàn Lâm trường trên lĩnh vực làm báo tường.
Hai cái tên Nguyễn Bộ và Huỳnh Gạch được nhiều người biết đến qua những bài viết được đăng tải vào các dịp lễ tết trên các tờ báo tường của Huyện Đoàn, đặc san của các ngành, đoàn thể, nhất là những bài viết được đăng trên Bản tin của Đảng bộ huyện Trà My. Cùng với đó là bài viết, những bản tin có tính thời sự được các tờ báo, các tạp chí của địa phương và trung ương sử dụng. Đây là nguồn động viên, giúp chúng tôi vượt qua khó khăn trở thành cộng tác viên tích cực.
Vốn dĩ là người hay viết, từ những bài viết cảnh báo về chuyện phá rừng đến những việc xử sự không công bằng trong xã hội, hay như những bài phản ánh về việc bố trí sản xuất, ngành nghề, cây trồng không phù hợp đã gây sự chú ý của nhiều người. Họ luôn nghi ngờ, soi mói và tìm cách tạo áp lực để hạn chế việc viết bài cộng tác của chúng tôi. Dưới đây là một ví dụ.
Điều tra quy hoạch là một trong những công tác quan trọng của ngành lâm nghiệp, là chiếc “chìa khóa” để mở cửa rừng. Chính vì vậy mà những người làm công tác điều tra quy hoạch như chúng tôi rất vất vả. Do điều kiện đi lại khó khăn và đường sá xa xôi nên anh em phải làm lán trại ở những nơi thuận tiện trong rừng để làm nhiệm vụ thiết kế khai thác, đường vận xuất, vận chuyển, thiết kế tu bổ, trồng rừng, chăm sóc rừng... Thời gian ở trong rừng bình quân 3 tuần/tháng hoặc nhiều hơn nữa tùy thuộc vào thời tiết và công việc.
Cảm xúc trước sự tương đồng với cuộc sống hiện tại nên ai đó đã thổ lộ tình cảm của mình bằng hai câu thơ “Hỡi ơi trời đất vô cùng rộng/ Nào biết tìm đâu một mái nhà” được viết trên tấm bảng đen dùng để làm lịch công tác đặt trong phòng kỹ thuật. Đây là những câu thơ ở đoạn cuối trong bài thơ “Mưa rơi đất khách” của nhà thơ Nguyễn Bính viết vào năm 1943 tại Sài Gòn. Tưởng là chuyện “đang giỡn” nhưng thật ra không “đơn giản” chút nào, bởi do hai câu thơ này mà chúng tôi bị “làm mình làm mẩy”.
Đó là buổi sáng cách đây hơn 42 năm. Ông N.P.L. - Phó Giám đốc lâm trường kiêm trưởng phòng kỹ thuật đến phòng làm việc như mọi ngày đã phát hiện những dòng thơ này, chưa biết đầu cua tai nheo gì nhưng ông L. tức tốc chỉ đạo ông Đ.K.C. - Trưởng phòng Tổ chức trình báo Công an huyện.
Liền sau đó 3 cán bộ chiến sĩ Công an huyện đến kiểm tra, niêm phong và khiêng tấm bảng đen về cơ quan công an. Khoảng 30 phút sau, tôi là người đầu tiên được Công an huyện triệu tập đến cơ quan làm việc. Họ đưa cho tôi một tờ giấy và cây bút bảo viết tường thuật nhưng không biết viết tường thuật về nội dung gì, khi tôi hỏi thì họ bảo tôi viết bản lý lịch tóm tắt. Tưởng là viết một lần nào ngờ đến 3 lần như vậy, cứ viết xong là họ cầm tờ giấy đi đâu đó khoảng 20 phút sau trở lại phòng và bảo tôi viết tờ khác. Do phải ở lại trưa nên anh em cùng cơ quan phải mang cơm giúp, đồng thời không quên kèm theo một cục thuốc rê và một tập giấy quấn thuốc (lúc bấy giờ tôi đang hút thuốc).
Cán bộ trực ban cầm lấy chiếc cà mèn đặt xuống trước mặt tôi, lấy muỗng xới cơm và thức ăn từ đáy lên, ngoài ra họ còn gỡ từng tờ giấy cuốn thuốc rê để kiểm tra trước khi đưa cho tôi sử dụng. Ăn cơm xong tựa lưng vào thành ghế để nghỉ trưa, đúng 1 giờ 30 phút chiều, tiếp tục công việc trả lời các câu hỏi xoay quanh các vấn đề về tư tưởng của anh em đội Điều tra quy hoạch trong thời gian qua và thăm dò biểu hiện của từng người trong đội, đến 5 giờ chiều cùng ngày họ cho tôi về.
Anh Huỳnh Gạch thì triệu tập vào đầu giờ chiều và phải thực hiện đúng quy trình như tôi đã làm nên phải ở lại qua đêm cho muỗi “liên hoan” no say một bữa, đến trưa hôm sau mới được thả về. Chuyện thì đơn giản nhưng quan điểm quá “ấu trĩ” nên chúng tôi đã phải nếm mùi phiền toái.
*
* *
Vào những năm 1990, không ai bảo ai nhưng chúng tôi đã tự chọn ngả rẽ cho riêng mình bằng việc chuyển công tác về các đài truyền thanh. Từ một cộng tác viên tiêu biểu tôi trở thành phóng viên và chính thức ăn lương tại Đài Truyền thanh thị xã Tam Kỳ. Riêng người bạn đồng môn của tôi thì chuyển sang làm phóng viên ở Đài Truyền thanh huyện Trà My, rồi chuyển về làm phóng viên, sau đó làm cán bộ quản lý tại Đài Truyền thanh huyện Núi Thành và là Phó Chánh văn phòng Hội Nhà báo tỉnh. Cuộc đời đã nếm trải biết bao niềm vui và nỗi buồn nhưng rút ra một điều là những người sống có hoài bão và lý tưởng, làm những việc chính đáng, không tô hồng hoặc bóp méo sự thật thì mới tồn tại. Điều đó đã giúp chúng tôi đứng vững trên con đường nghề nghiệp của mình.