(VHQN) - Ký ức tuổi thơ thiệt dữ dội, lưu giữ mãi, khó quên. Với cái xóm nho nhỏ ven sông Ly quê nhà, tôi chỉ sống tám năm đầu đời ở đó vậy mà những hoài niệm cứ trở đi trở lại mãi.
Ký ức tuổi thơ
Những đứa trẻ như tôi ở vùng quê gắn bó với những buổi dang nắng chang chang hoặc đội mưa tầm tã “bắt cá giữa đồng”. Năm sáu tuổi, theo chân mấy anh chị đi bắt cá bừa, tôi “tóm” được một chú cá rô tí tẹo. Ngẩng đầu lên, thấy ông nội tôi đi qua, tôi khoe ngay.
Tôi nhớ, ông nội cười rất tươi, xoa đầu tôi, khen: “Giỏi lắm, cháu của ông! Cứ bắt được cá là đem lên cho ông nghe, ông thưởng!”. Ông đùa thôi nhưng tôi thấy sướng rơn, bởi thành quả của mình được ông nội ghi nhận, lại còn hứa sẽ thưởng nữa! Câu chuyện theo tôi khắp đồng cạn, đồng sâu nhiều năm sau.
Ban đầu chỉ theo chân mấy anh chị lớn, chạy sau mấy chú, mấy bác bừa ruộng để bắt cá. Gọng bừa kéo qua, gạt hết nước, thỉnh thoảng nổi lên những con cá đủ kích cỡ.
Có khi chỉ là “cái dạng” của một chú cá nào đó, hoặc chỉ là một mẩu đất bùn mang hình dạng cá. Đứa nào nhanh tay lẹ mắt sẽ nhào tới, vồ bằng cả hai tay. Có khi nhiều cá quá thì tay bắt, chân giậm mấy con khác để “xí quyền” rồi sẽ bắt sau.
Thôi thì đủ thứ cá: tràu, rô, diếc, gáy, trê, mại, cấn, bống, cờ... Lúc đầu, cá bắt được sẽ cuộn vào lưng quần rồi tiếp tục chạy theo dấu bừa để bắt. Cá lớn thì tìm chỗ hục nước nào đó để “trộng”. Xong buổi, sẽ bắt đem về nhà.
Sau này, lớn lên một chút, chuyên nghiệp hơn tôi có sẵn cái giỏ tre luôn đeo bên hông. Những thanh tre được vót nhỏ, tròn đều, “gầy” từ cái đáy hình tròn, sau đó đan dựng lên thành lưng giỏ cũng chỉ bằng những cái nan mảnh.
Cứ thế đến cổ rồi miệng giỏ, như một cái lọ hoa. Miệng giỏ được úp bởi cái nắp, tạo bằng những cộng tre vót nhọn, kết từ lớn tới bé theo chiều từ trên xuống. Cá được bỏ vào giỏ và sẽ không bị rơi ra. Khi muốn lấy cá ra, chỉ gần tháo miệng giỏ thò tay vào bắt là xong! Tôi đeo cái giỏ bên hông, yên tâm chạy theo chân các anh chị trong xóm, dõi mắt theo mọi động tĩnh hiện ra sau những lằn bừa…
Nghìn lẻ một... cách bắt cá
Thời trước, ruộng đồng chưa bị nhiễm thuốc trừ sâu nên cá nhiều ở mọi nơi có nước, có khi quanh năm. Những vùng nước chảy từ mương ra, từ ao vào ruộng hoặc từ ruộng này sang ruộng khác nằm trong tầm ngắm của bọn con nít. Mùa nước lũ về hoặc cơn mưa đầu mùa cá thường đi ăn, có khi từng bầy.
Những cái lờ đan bằng tre có hai hom ở hai đầu được đặt ở khắp các “lỗ trổ” từ mương, ao vào ruộng hoặc ở các con bờ ngăn đôi các thửa ruộng hoặc thả giữa làn nước. Cá, nhất là trong những thời điểm “ức nước” hoặc đúng mùa sinh sản sẽ di chuyển khắp nơi.
Chúng sẽ đi qua những cái lờ đã giương sẵn và “mắc lại”. Sáng sớm, chỉ cần đi trút mấy cái lờ là sẽ có cá ngay. Đúng mùa, khi cá ức nước đi theo từng bầy thì chủ nhân lờ sẽ thu nhận bội phần!
Bắt cá bừa có thể bằng tay hoặc bằng nơm. Riêng bắt cá ao, ruộng hay mép cỏ ven bờ sông đều cần có nơm. Những cộng tre được vót tròn, đầu lớn đầu nhỏ. Phần đầu lớn được vót nhọn. Các cộng tre được kết thành một cái nơm tròn hình giống chiếc váy có miệng nơm nhỏ phía trên vừa dùng để cầm vừa dùng để thò tay vào lòng nơm, khoắng quanh tóm lấy những chú cá lọt trong đó.
Phần đuôi thân nơm, rộng hơn dùng chụp xuống nước để “úp nơm”! Sau khi cắt lúa xong những thửa ruộng chỉ còn trơ gốc rạ. Dưới nước thỉnh thoảng hiện lên những chú cá ung dung bơi lội. Nhanh tay, lẹ mắt bạn có thể bươn xuống ruộng dùng nơm úp lấy cá.
Có thể sẽ trượt mất nhưng sau nhiều lần cũng sẽ bắt được. Giữa trưa nắng bọn con nít chúng tôi đầu trần lưng cháy nắng lang thang ruộng trên ruộng dưới “soi cá”. Ham đến bất kể trời đất, nắng mưa, ham đến quên lời dặn của người lớn nên chuyện bị đánh đòn là chuyện thường ngày ở… ruộng. Đòn đau nhớ được vài ngày lại quên bẵng đi ngay.
Những ngày lũ sớm đầu mùa, cá ức nước chạy lên cả các rãnh khoai trong “thổ”. Cá bơi từng bầy, thấy cả lưng, tạo thành những cơn sóng. Băng bờ lẫn rãnh khoai dùng nơm để úp. Có người còn dùng cả… dao để chém cá! Cá diếc, cá gáy về nhiều trong thời điểm ấy nên có người bắt được cả xô lớn. Sau cơn lũ đầu mùa, khi nước đã tràn bờ thì chỉ dùng lờ, lưới hoặc rớ để cất lấy cá.
Còn khá nhiều cách để bắt cá. Hoặc dùng “chà vi”, đó, đăng, nò… để hứng cá ở những khu vực nước khỏa bờ và chảy xiết hoặc các vụng nước lớn. Hoặc dùng rớ để cất ở ao hay ở ven sông.
Hoặc thả những cái “bò” có bỏ sẵn “chà chươm” để dụ cá ao, hồ hoặc ven bờ sông vào trú. Sau vài ba ngày kéo lên sẽ có được đủ thứ: cá, tôm, ốc…, đôi khi có cả… rắn rột lại ở đuôi “bò”.
Với ruộng sâu thì dùng nhủi để nhủi cá lên bờ hoặc tát cạn nước để bắt. Tát cá ao cũng là những kỷ niệm thú vị với cách bắt cá mang tính cộng đồng ở làng quê. Còn lại thì đi câu, “siêng đi tát, nhác đi câu”…
Bây giờ, tìm đỏ mắt cũng khó ra một chú cá giữa đồng! Vì thế càng thương nhớ một thời bắt cá giữa đồng xa xưa.