Đào tạo nghề, tạo công ăn việc làm cho lao động là người đồng bào dân tộc thiểu số theo Quyết định 3577 ở Hiệp Đức ngày càng khó bởi ý thức về tác phong lao động công nghiệp chưa cao.
Lao động là đồng bào dân tộc thiểu số ở Hiệp Đức không đi học nghề vì thích tự do. Ảnh: D.L |
Khó thay đổi
Khoảng 2 giờ chiều, đi vào thôn 6 xã Phước Trà (huyện Hiệp Đức) đã thấy vài nhóm thanh niên bày bàn nhậu. Hỏi thăm, họ nói họ đi phát rẫy keo trong buổi sáng, trưa về “làm tí giải mỏi”. Công việc của những lao động ở đây chủ yếu là đi phát rẫy keo thuê, hoặc đi chăm sóc vườn cao su nhận của nông trường. Tiền công được trả ngay khi phát xong một rẫy keo, mỗi ngày được 150 nghìn đồng. Hỏi sao sức thanh niên nhưng lại không đi học nghề, đi làm cho thu nhập tốt hơn, cả nhóm đều lắc đầu bảo không thích đi làm vì ở nhà tự do. Hồ Văn Đái (thôn 6, Phước Trà) nói rằng ở nhà đi làm thuê thích hơn, làm ngày nào nhận tiền công ngày đó. “Tiền ít cũng được, nhưng ngày nào làm nhận tiền ngày đó thích hơn. Hôm nào hai vợ chồng cùng đi làm thì tiền công nhận được khoảng 300 nghìn đồng, có tháng làm được 10 ngày, có tháng làm được 20 ngày” - anh Đái nói.
Gia đình có hai vợ chồng đều là lao động trẻ, chị Đinh Thị Năm (thôn 6, Phước Trà) cùng chồng đã được vận động đi học nghề, đi làm trong nhà máy để có thu nhập cao hơn nhưng đều không đồng ý. Chị Năm nói ở nhà làm keo, nhận cao su chăm sóc thì có thể vừa làm rẫy vừa trông con. Vợ chồng chị đã trồng được hơn 1 ký hột keo được 3 mùa mưa rồi, có trồng được rẫy lúa, và nhận chăm sóc 5 héc ta cao su của nông trường. Chị Năm nói: “Lúa rẫy trồng đủ ăn cho cả nhà, còn nhận cao su chăm sóc thì đến khi cho mủ mới được trả tiền, rẫy keo còn 2 mùa mưa nữa là khai thác được. Ở nhà làm thế này thích hơn đi làm xa vì không ai giữ con, chăm sóc gia đình”.
Nằm ở vùng còn khó khăn như xã Sông Trà cũng gặp cảnh khó tương tự khi vận động lao động là đồng bào dân tộc thiểu số đi học nghề. Ông Nguyễn Hồng Sơn - Chủ tịch UBND xã Sông Trà cho hay rằng học nghề theo Quyết định 3577 ở xã làm chưa tốt. Nếu lao động là người Kinh sống trên địa bàn xã thì ý thức cao, nên họ tự giác đi đăng ký và đi học. Còn lao động là đồng bào dân tộc thiểu số thì phải bu bám, vận động nhưng vẫn không được. Ông Sơn nói: “Lao động là người đồng bào dân tộc thiểu số không có việc làm ổn định, chủ yếu đi làm thuê. Nhưng khi xã đến vận động, họ đưa ra lý do thích lao động tự do, không bị ràng buộc giờ giấc. Thêm một nguyên do nữa là thực tế một số lao động sau khi học nghề đi làm ở nhà máy nhưng mức thu nhập ban đầu chỉ hơn 2 triệu đồng/tháng, không thể đáp ứng được nhu cầu cuộc sống ở miền xuôi nên bỏ về”.
Thay đổi hướng vận động
Theo ông Hồ Văn Chiêng - Chủ tịch UBND xã Phước Trà, việc vận động lao động đi học nghề theo Quyết định 3577 xã đã làm rồi nhưng không hiệu quả. Ông Chiêng cho biết: “Năm trước xã chưa làm được, năm này vận động được 4 lao động đi học nghề tập trung ở Nam Giang. Mặc dù xã cử cán bộ đi cùng nhưng họ vẫn bỏ học giữa chừng”. Ông Chiêng nói rằng hiện nay ông chưa nắm rõ số lao động có khả năng đi học nghề được. Thời gian tới xã sẽ khảo sát cụ thể, chỉ vận động những người học xong bậc THCS hoặc THPT mà không đi học tiếp để học nghề. Bởi theo định hướng của huyện Hiệp Đức, chỉ có nhóm LĐ này mới đáp ứng điều kiện đi làm xa, dễ tiếp thu tác phong công nghiệp để có thể gắn bó lâu dài.
Thống kê từ Phòng LĐ-TB&XH huyện Hiệp Đức, từ đầu năm 2018 đến nay, phòng cùng với các xã kiên trì vận động người dân đi học bằng cách đến tận thôn để tuyên truyền mở lớp. Nhưng huyện chỉ mới mở được một lớp có 29 học viên. Lớp này học xong và đi làm ở Công ty Germton (Quế Sơn). Nhưng chỉ sau 1 tháng làm việc, 4 người đã bỏ về. Phòng LĐ-TB&XH cùng cán bộ xã lại tới nhà từng lao động tìm hiểu, thì được biết công ty chỉ trả 2,5 triệu đồng/tháng trong khi cam kết ban đầu từ 3 - 4 triệu đồng/tháng. Cán bộ Phòng LĐ-TB&XH huyện Hiệp Đức phải giải thích rõ ràng lý do công ty giữ lại tiền lương 10 ngày. Đó là vì họ mới vào làm chỉ được 1 tháng, mà công ty thường vào ngày 10 của tháng sau mới trả lương của tháng trước. Số tiền này sẽ tiếp tục được nhận vào tháng sau và thực tế không có chuyện trả lương thiếu hay mất tiền của người lao động. Thế nhưng, các lao động nêu trên vẫn từ chối quay trở lại làm việc. Qua đó cho thấy, để lao động miền núi gắn với công ty không phải là chuyện ngày một ngày hai, mà cả quá trình lâu dài, nhất là thay đổi về nhận thức.
LÊ DIỄM