Nhọc nhằn điều tra đơn thư

TRẦN HỮU 30/06/2019 20:31

Đi làm điều tra, xác minh đơn thư mà tâm không sáng, võ đoán suy diễn, thiếu kiến thức về luật rất dễ bị “sập bẫy”, thậm chí còn tiếp tay cho cái ác. Nghề báo là một nghề bình thường như mọi nghề nghiệp khác, nhưng nếu cứ chọn lựa sự “bình thường”, không dám dấn thân, đương đầu với cái ác thì nên chọn một ngả rẽ khác.

Niềm vui của phóng viên điều tra đơn thư bạn đọc là được bạn đọc gửi gắm niềm tin. TRONG ẢNH: Ông Trần Ngọc Bảo, phường Hòa Hương (Tam Kỳ) phóng to hình ảnh và bài báo “Bồi thường ở dự án kè sông Bàn Thạch: “Vì sao “bên trọng bên khinh?” đăng trên báo Quảng Nam. Ảnh: T.HỮU
Niềm vui của phóng viên điều tra đơn thư bạn đọc là được bạn đọc gửi gắm niềm tin. TRONG ẢNH: Ông Trần Ngọc Bảo, phường Hòa Hương (Tam Kỳ) phóng to hình ảnh và bài báo “Bồi thường ở dự án kè sông Bàn Thạch: “Vì sao “bên trọng bên khinh?” đăng trên báo Quảng Nam. Ảnh: T.HỮU

Đương đầu

Nhận đơn cầu cứu của Phan Thế Tài (phường Hòa Thuận, TP.Tam Kỳ), có công ty chuyên thi công xây dựng tố cáo một “tay anh chị” trong giới giang hồ, chuyên thuê đối tượng côn đồ đến đe dọa uy hiếp ai mua hồ sơ mời thầu dự án. Thấy anh Tài cương quyết không nhượng bộ, đối tượng đã thuê người đến nhà anh Tài đập phá tài sản, uy hiếp tinh thần. Cùng thời gian, Báo Quảng Nam tiếp tục nhận đơn của ông Lê Văn Tình (trú phường Tân Thạnh, TP.Tam Kỳ) cũng có đơn gửi Công an TP.Tam Kỳ trình báo vụ đánh người liên quan đến việc mua hồ sơ thi công xây dựng. Cả hai trường hợp đều là nạn nhân của một “tay anh chị” có số má ở Tam Kỳ.

Sau khi xác minh toàn bộ diễn biến vụ việc qua nội dung đơn thư, biên bản được lập, hình ảnh chứng cứ trích xuất từ camera do đương sự cung cấp, chúng tôi chủ động liên hệ vào số điện thoại của người bị tố là chủ mưu của các vụ tấn công, đe dọa uy hiếp tinh thần người dân đi mua hồ sơ mời thầu. Tuy nhiên, qua điện thoại, “tay anh chị” lên giọng hăm dọa sẽ “cho phóng viên nghỉ việc” nếu thông tin một chiều. Bản thảo, hồ sơ tài liệu liên quan, ghi âm cuộc gọi đã chuyển về tòa soạn, sau đó Báo Quảng Nam đăng bài “Bị đe dọa khi mua hồ sơ mời thầu”. Báo đăng, những ngày sau đó dù cẩn thận trong đi đứng, đưa đón con đi học, nhưng trong đầu tôi vẫn không thoát khỏi cảm giác bất an, lo lắng. Cũng may, sau khi gây ra một số vụ tấn công, đối tượng đã rời khỏi địa phương, Công an TP.Tam Kỳ và Công an huyện Đại Lộc đang trong thời gian điều tra, xác minh việc đánh người gây thương tích của đối tượng.

Là phóng viên được tòa soạn giao điều tra đơn thư bạn đọc; có thời điểm, trong tuần dồn dập 3 - 4 đơn thư chủ yếu khiếu nại lĩnh vực đất đai. Nếu ngồi nghiên cứu đống hồ sơ ngồn ngộn kia mà không đến tận nơi, tiếp cận đa chiều thông tin, thì góc nhìn của bài báo cũng hạn hẹp. Thách thức của nghề là được phân công những vụ việc đơn thư khá rắc rối về tính pháp lý đất đai. Điều may mắn hơn, phần lớn vụ việc tôi tiếp cận thì bức xúc khiếu nại của nguyên đơn là xác đáng. Bạn đọc tìm đến Báo Quảng Nam như chỉ dấu của niềm tin, bởi báo không ngại cử phóng viên lao vào điểm nóng, sẵn sàng bảo vệ công bằng, lẽ phải. Còn nhớ, cách đây không lâu, khi tiếp cận hồ sơ đất và thực tế ngôi nhà xây dựng dang dở của ông Phan Tấn Hiệp (trú ở thị trấn Hà Lam, Thăng Bình) bị buộc dừng thi công giữa chừng do xảy ra tranh chấp, tôi nhận thấy, TAND huyện Thăng Bình đã cố tình trì hoãn và xử lý lòng vòng vụ tranh chấp đất đai của ông Hiệp. Sau khi Báo Quảng Nam có nhiều bài phản ánh, TAND tỉnh đã xét xử phúc thẩm, bác bỏ nội dung bản án sơ thẩm của TAND huyện Thăng Bình.

Đồng hành

Cuối năm 2017, khi tiếp cận hồ sơ các hộ dân thuộc phường Hòa Hương (TP.Tam Kỳ) bức xúc khiếu nại việc chi trả bồi thường bất nhất của các cơ quan chức năng TP.Tam Kỳ, phóng viên đã vào cuộc tìm hiểu, sau đó báo đăng bài: “Bồi thường ở dự án bờ sông Bàn Thạch: Vì sao có chuyện “bên trọng bên khinh”? Cuối cùng, UBND TP.Tam Kỳ đã chỉ đạo các cơ quan chức năng đến xác minh lại hiện trạng và thống nhất điều chỉnh bồi thường cho các hộ dân khiếu nại với đơn giá cao gấp 3 lần so với ban đầu. Chưa dừng lại ở đó, cũng dự án này, tháng 4.2019, nhiều hộ dân ở phường Hòa Hương tiếp tục yêu cầu phải được bồi thường đất do không thể sản xuất được. Và Báo Quảng Nam đã đồng hành với các hộ dân trong việc lên tiếng đòi quyền lợi chính đáng, hợp pháp. Giám đốc chi nhánh Trung tâm Phát triển quỹ đất TP.Tam Kỳ - ông Trần Đình Đức cho rằng, với dự án kè sông Bàn Thạch, phản ánh của báo là hoàn toàn chính xác, chính quyền đang rốt ráo chỉ đạo các ngành chức năng rà soát lại hiện trạng sử dụng đất và thống nhất đề xuất thu hồi đất với tất cả hộ bị ảnh hưởng, chứ không riêng gì các trường hợp khiếu nại.

Phóng viên đi làm đơn thư khiếu nại đối mặt với nhiều áp lực đến từ bạn đọc, tòa soạn, kể cả sức ép từ cơ quan quản lý nhà nước. Bài báo nếu sơ sẩy, chủ quan, phóng viên “dốt” kiến thức pháp luật, hậu quả gây ra nhẹ có thể đính chính xin lỗi, công chúng giảm sút lòng tin; còn nặng hơn là chịu các hình thức kỷ luật của cơ quan, bị thu hồi thẻ nhà báo, buộc thôi việc, thậm chí phải hầu tòa… Trong suốt gần 15 năm được giao điều tra đơn thư bạn đọc, không ít lần vì non nớt nghiệp vụ, từ tác phẩm của mình mà vài lần báo phải đính chính xin lỗi bạn đọc. Nhưng, cũng từ đam mê dấn thân với nghề, mong muốn bảo vệ lẽ phải, công bằng mà được bạn đọc gửi gắm niềm tin.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhọc nhằn điều tra đơn thư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO