Nhọc nhằn đường qua Hiệp Đức

CÔNG TÚ 15/08/2017 08:45

Đường bộ nhỏ hẹp, chất lượng nền và bề mặt thấp; đường thủy nội địa chưa được đầu tư khai thác đúng mức... là những nguyên nhân khiến việc đảm bảo an toàn giao thông, cải thiện kinh tế - xã hội ở Hiệp Đức còn hạn chế.

Vào mùa mưa, QL14E thường xuyên bị sạt lở, gây chia cắt địa bàn huyện Hiệp Đức.
Vào mùa mưa, QL14E thường xuyên bị sạt lở, gây chia cắt địa bàn huyện Hiệp Đức.

Giao thông bất lợi

Còn nhớ đợt mưa lũ cuối tháng 12.2016, quốc lộ (QL) 14E thuộc địa bàn xã Phước Hòa (Phước Sơn) từng bị đất đá, cây cối sạt lở từ taluy dương nằm ngổn ngang, chiếm trọn lòng đường, tường hộ lan mềm bị chôn vùi. Cũng trên QL này, cách đó không xa về hướng tây, taluy dương cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Sạt lở đã gây ách tắc từ Phước Sơn (cuối tuyến kết nối đường Hồ Chí Minh) xuống Hiệp Đức và ngược lại. Do thời tiết khắc nghiệt, địa hình phức tạp, phải đến vài ngày sau đơn vị quản lý đường mới có thể dọn dẹp để thông xe bước một. Qua địa phận huyện Hiệp Đức, QL14E tiếp tục xuất hiện sạt lở nhỏ tại một số vị trí, mặt đường trơn trợt rất khó đi lại an toàn. “Còn về mùa nắng, tuyến đường là trung điểm lưu thông của 6 huyện, kết nối đông - tây này không đáp ứng được nhu cầu của người dân. Đặc biệt, hiện trạng nền qua địa bàn Hiệp Đức phần lớn đều nhỏ hẹp, bề mặt hư hỏng vì cấp đường thấp và chưa từng được nâng cấp, mở rộng” - Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức, ông Nguyễn Như Công cho biết. Hiện trạng một tuyến giao thông đối ngoại khác đi qua Hiệp Đức là tỉnh lộ (ĐT) 614 kết nối với ĐT615 không mấy khả quan hơn. Trong khi đó, đường thủy nội địa lại chưa hề được quan tâm đầu tư đúng mức để giảm tải cho đường bộ.

Kết nối với QL14E, tuyến đường huyện (ĐH) từ Quế Lưu đi Quế Bình là ĐH2.HĐ mỗi ngày có hàng nghìn lượt xe cộ đi lại. Không chịu nổi sức ép của lưu lượng phương tiện, nhất là xe tải chở keo và do ảnh hưởng thiên tai, nền đường sụt lún nghiêm trọng nhiều đoạn. Theo quan sát, bề mặt mới chỉ thâm nhập nhựa bị rã ra tại nhiều vị trí, có chỗ chỉ rộng hơn một mét nên không đủ cho 2 xe đi ngược chiều nhau. Ông Trịnh Xuân Hải (trú thôn 1, xã Quế Lưu) phản ánh, đường hư hỏng nhiều năm nay, tai nạn do người điều khiển phương tiện tự té ngã thường xuyên xảy ra. Mỗi năm, huyện có tiến hành sửa chữa nhưng được thời gian ngắn thì đâu lại vào đấy. “Nếu mình cấm xe tải, keo trồng và các sản phẩm từ nông - lâm nghiệp làm sao mà bán được. Trong lúc, chúng tôi sống chủ yếu dựa vào nghề này” - một người dân ở xã Quế Bình nói.

Theo Trưởng phòng Kinh tế và hạ tầng Hiệp Đức - ông Trần Thọ, địa bàn huyện có gần 100km hệ thống ĐH được cứng hóa không đồng bộ bằng bê tông xi măng hoặc thâm nhập nhựa. Nhiều cung đường đã đầu tư trước đây đều hẹp, hiện xuống cấp nặng nhưng không đủ kinh phí để nâng cấp, mở rộng. Vì vậy, người dân trồng và khai thác rừng gặp khó trong khâu vận chuyển. Ngoài ra, Hiệp Đức đang sở hữu khoảng 140km giao thông nông thôn, song phần lớn còn là mặt đường đất.

Khó khăn về tài chính

Để khơi những “điểm nghẽn” huyết mạch hạ tầng giao thông trên địa bàn Hiệp Đức, lãnh đạo địa phương cho rằng cần phải ưu tiên đầu tư mạnh mẽ hơn nữa cho miền núi. Theo ông Nguyễn Như Công, trước mắt huyện nỗ lực kêu gọi doanh nghiệp đầu tư phát triển giao thông tại khu vực nội thị; đối với những trục khác rất cần sự quan tâm, đầu tư từ trung ương và tỉnh. Bộ Giao thông vận tải cần sớm hiện thực hóa chủ trương nâng cấp, mở rộng QL14E thuộc phạm vi mình quản lý. Có như vậy, trục độc đạo qua địa bàn huyện mới kết nối thông suốt với QL1 và đường Hồ Chí Minh. Cạnh đó, tỉnh tiếp tục bố trí tài chính nâng cấp, mở rộng 2 tuyến ĐT614 và ĐT615 để Tam Kỳ, Phú Ninh, Tiên Phước và Hiệp Đức không còn cách trở. Các cấp có thẩm quyền cần quan tâm đầu tư đúng mức cho tuyến đường thủy nội địa từ nhánh sông Tranh kết nối hệ thống sông Thu Bồn và Vu Gia. Nếu được như vậy, ngoài giảm tải về mật độ lưu thông cho đường bộ, Hiệp Đức sẽ có điều kiện để khai thác tuyến du lịch sông nước; đồng thời phát huy hiệu quả diện tích 18.000ha keo nguyên liệu, 4.000ha cây cao su cùng với rau củ quả, cây dược liệu.

Bàn về thực trạng chung, lãnh đạo huyện Hiệp Đức cho biết việc đầu tư vào giao thông tại khu vực miền núi còn quá khiêm tốn, chỉ khoảng 2 - 3% so với đồng bằng. Ông Trần Thọ cho hay: “Nguồn lực dành cho hạ tầng giao thông miền núi vẫn chưa đáp ứng so với nhu cầu hiện tại. Trong khi đó, Hiệp Đức lại thuộc vùng núi thấp nên không có nguồn lực phân bổ từ những chương trình khác, chẳng hạn như 30a so với vùng cao. Chưa kể, nguồn lực đầu tư kiên cố hóa giao thông nông thôn và ĐH trên địa bàn Hiệp Đức theo phân bổ không bằng so với chương trình kiên cố hóa giao thông nông thôn trước đây”.

Để giải một phần nào đó bài toán kinh phí, ngày 31.10.2016, HĐND huyện  Hiệp Đức đã ban hành Nghị quyết số 35/2016/NQ-HĐND về phát triển giao thông nông thôn giai đoạn 2016 - 2020, lồng ghép với nguồn lực mà tỉnh hỗ trợ hàng năm theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Mục tiêu đề ra là phát triển kết cấu hạ tầng giao thông ở nông thôn bền vững, đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; gắn kết hệ thống giao thông nông thôn với ĐH, ĐT và QL nhằm tạo sự liên hoàn, xóa đi “nút thắt” để giảm nghèo và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, nếu thực hiện hoàn thành đến năm 2020, huyện vẫn còn hơn 50% chiều dài giao thông nông thôn chưa được kiên cố hóa. Có thể khẳng định, bài toán về kinh phí đầu tư cho giao thông Hiệp Đức chưa thể có lời giải thỏa đáng nếu không có sự vào cuộc của tỉnh và trung ương.

CÔNG TÚ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhọc nhằn đường qua Hiệp Đức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO