Nhọc nhằn hoa tết...

Ghi chép của 25/01/2017 22:39

(QNO) - Tết sát đến nơi rồi, mà hoa tết vẫn đìu hiu, vẫn chưa thể nào kích hoạt nụ cười trên đôi môi người bán. Những người mang tết đến cho mọi nhà, dường như đang phải đối mặt với nỗi lo, rằng tết của nhà mình đang… ở đâu?

Thì chịu. Làm sao mà biết được. Chỉ biết là bây giờ đang lo, thế thôi.

Hoa tết từ Quảng Ngãi ra chợ hoa ven bàu nước Hà Kiều. Ảnh: XUÂN THỌ
Hoa tết từ Quảng Ngãi ra chợ hoa ven bàu nước Hà Kiều. Ảnh: XUÂN THỌ

1. Vừa tiễn ông Táo về trời xong, ông Đinh Ca (60 tuổi, phường Cẩm Hà, TP.Hội An) thuê xe đến các nhà vườn để chở số quật đã đặt mua trước đó vào thị trấn Hà Lam (huyện Thăng Bình) và ra Đà Nẵng bán. Đã 4 ngày trôi qua, mà ông mới bán được vài chậu quật loại nhỏ ở Hà Lam, và đó cũng là tình trạng đối với số quật tết mà ông chở ra Đà Nẵng bán.

Ông bảo bây giờ buôn bán quật tết dễ bể như chơi. “Rứa thì chú đi bán làm chi cho mệt?” - tôi hỏi. Ông đáp: “Phải bán chứ con, may ra còn kiếm mấy đồng tiêu tết, rồi hết tết còn có cái mà xoay xở”. Người nhà nông số khổ, cả năm quần quật với ruộng đất mà may lắm mới đủ ăn, thì tết là dịp họ cố gắng chạy ngược chạy xuôi để kiếm thêm mấy đồng đặng có ít nhiều để lo liệu sau tết.

Nhưng cái niềm tin bấu víu vào bán hoa tết để kiếm tiền mỗi ngày thêm lung lay. Năm ngoái, tôi cũng gặp ông Ca ở Hà Lam, khi ông đang “mếu máo” vì bị chính quyền làm khó trong lúc bán quật. Năm nay cũng gặp ông ở đây và ông vẫn tiếp tục bán quật tết. Và đã gần cả chục năm như thế, ông bám lấy công việc này mỗi khi tết về. 

Người bán quật tết ở Hà Lam ngồi buồn vì không có khách mua. Ảnh: THÀNH CÔNG
Người bán quật tết ở Hà Lam ngồi buồn vì không có khách mua. Ảnh: THÀNH CÔNG

“Cách đây vài năm sướng, bán tới 27, 28 âm là xong rồi, phấn khởi về với gia đình vợ con. Vài ba năm lại đây thì khổ, khi mô cũng về tới nhà là sắp giao thừa”- ông Ca tâm sự. Ông bảo năm ngoái dù bị chính quyền “làm khó”, xong gần hết đêm 30 cũng bán xong hết quật tết. “Chứ bán không hết là… tiêu. Mấy chục triệu bạc chứ ít” - ông thêm vào.

Vậy mà năm nay, ông vẫn tiếp tục… đánh cược với quật tết, khi bỏ ra cả trăm triệu bao gồm cả tiền tích cóp, vay mượn thêm bạn bè, người thân để đặt mua quật tết từ nhà vườn để chở đi Hà Lam và Đà Nẵng bán. Ngồi… nhìn mưa, ông bảo đang lo sốt vó. Năm ngoái dù bán chậm, nhưng người đi xem, đi dò hỏi thử trước khi mua quật cũng đông. “Còn năm nay, không khí trầm lắng quá. Không biết ra răng nữa đây, cả trăm triệu bạc lận chớ chẳng chơi mô…” - ông Ca lo lắng.

2. Giả dụ có một chiếc flycam, từ trên cao chụp xuống, thì tác phẩm sẽ là một bức ảnh chợ hoa ven bàu nước Hà Kiều (thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình) tuyệt đẹp. Và những người đang làm nên vẻ đẹp ấy, phần lớn không phải là cư dân bản địa, mà là dân tứ xứ. Năm nào cũng thế, gần tết là xe chở hoa từ các nơi đổ về đây, nào là quật, cúc, đồng tiền, vạn thọ…

Từ vựa hoa tết (chủ yếu là cúc) lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi, năm nay anh Nguyễn Minh An, 37 tuổi, ở xã Nghĩa Hiệp, huyện Tư Nghĩa vẫn tiếp tục đưa hoa ra Quảng Nam, Đà Nẵng để bán. Anh cho biết khi vừa bước qua rằm tháng Chạp, là anh và các “đồng nghiệp” của mình đã bắt tay lo chuẩn bị cho “đợt làm ăn lớn cuối cùng trong năm”. 

Đưa hoa tết từ trên xe xuống chợ hoa. Ảnh: THÀNH CÔNG
Đưa hoa tết từ trên xe xuống chợ hoa. Ảnh: XUÂN THỌ

Nhưng nói chính xác hơn, thì với những người như anh An thì đây mới chính là “đợt làm ăn lớn nhất’ trong năm của họ. Bởi dân xã Nghĩa Hiệp và Nghĩa Mỹ của tỉnh Quảng Ngãi là những người chuyên trồng hoa tết, do đó, có thể nói hoa tết là niềm trông cậy duy nhất về kinh tế của họ trong năm. Vậy mà “niềm trông cậy” này của họ hồi tháng 12.2016 vừa rồi bị lũ lụt vùi dập te tua.

“Cũng may mà nai lưng ra ráng giữ được gần nghìn chậu cúc, mong là bán hết để trả nợ đợt lũ vừa rồi làm hư mấy nghìn chậu, và kiếm thêm một ít cho vợ sắm tết, chớ không là… méo mặt” - anh An nói như mếu.

Cùng chung nhóm với anh An, còn có thêm 3 người nữa. Họ đều chung một ước mong, là bán hết số hoa tết còn sót lại sau đợt lũ vừa rồi. Nghĩa là họ còn có… chút may mắn khi còn hoa để bán, chứ như trường hợp của anh Hoàng Thanh Dân, 34 tuổi, xã Nghĩa Mỹ, thì tết như đóng khép kể từ lúc lũ nhấn chìm toàn bộ bảy trăm mấy chậu cúc non của anh.

“Nên bây giờ theo xe anh em khuân vác để kiếm tiền thôi, biết sao được, miễn là có tiền để mua ít bánh kẹo, ít đồ mới cho con cái có tết với người ta thôi. Còn nợ nần vì cúc bị lũ nhấn chìm vừa rồi, cũng may là anh em thương tình chưa thúc trả, nên cứ xong tết đã, rồi tính tiếp…” - anh Dân rầu rĩ.

3. Ở chợ hoa tết Tam Kỳ, tình hình cũng chẳng mấy rôm rả so với chợ hoa tết bên bàu nước Hà Kiều. Người mua thì lác đác, còn “thanh niên nữ tú” thì tranh thủ rủ nhau đến chụp ảnh, rồi ra về trong cái thở dài thườn thượt của người bán hoa.

Rồi đi trong miền đầy những tiếng thở dài thườn thượt ấy, mới biết là 2 đợt lũ của tháng 12 vừa rồi, ngoài làm cho nhà vườn méo mặt vì hoa bị thiệt hại, giờ khiến cho người bán phải… méo mặt lần nữa khi giá hoa khá cao hơn so với năm ngoái. “Hoa tươi giá cao, nên nhiều người ít tiền sắm tết bèn chọn hoa giả vì họ có nhiều sự lựa chọn cũng như phù hợp với túi tiền hơn” - một chủ bán mai tết cho biết.

Lại thêm nữa, năm nay giới công viên chức nhà nước nghỉ tết trễ, chợ hoa vì thế mà bớt phần xôm tụ, bởi họ chính là những khách hàng đông nhất của những người bán hoa.

Người bán hoa tết ở chợ hoa Tam Kỳ thở dài thượt thượt vì vắng khách. Ảnh: THÀNH CÔNG
Người bán hoa tết ở chợ hoa Tam Kỳ thở dài thượt thượt vì vắng khách. Ảnh: THÀNH CÔNG

Bán hoa tết bây giờ, chẳng khác gì… đánh bạc, dù có là hợp pháp, thì họ cũng không tránh khỏi tâm trạng thấp thỏm khi phần thua luôn hiện hữu. Để rồi khi nhà nhà xôm tụ đêm giao thừa, thì họ mới lặng lẽ dọn dẹp và trở về cùng với vợ con, có khi về tới nhà đã là sáng mùng Một tết. Vậy mà, năm nào gần đến tết, cũng chạy xuôi chạy ngược cho đủ tiền để mua tết từ nhà vườn đem đi bán. Hình như, ngoài cái gọi là mưu sinh, thì còn điều gì đó đặc biệt, hút chặt họ với hoa tết mãi…

Ghi chép của THÀNH CÔNG - XUÂN THỌ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhọc nhằn hoa tết...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO