Nhọc nhằn khôi phục sản xuất

LÊ HIỀN 04/01/2017 10:58

Ngay sau 2 trận lũ hồi tháng 12.2016, lãnh đạo TP.Hội An chỉ đạo ngành chức năng phối hợp với các xã, phường kịp thời động viên, chia sẻ khó khăn, hỗ trợ bà con nông dân khôi phục sản xuất… Tuy nhiên, mọi thứ vẫn đang gặp nhiều khó khăn.

Đây đã là lần thứ 3 ông Huỳnh Tấn Sang, ở thôn Trung Châu, xã Cẩm Kim (Hội An) cấy lại ớt giống, kể từ khi bước vào vụ đông xuân.  Ảnh: L.HIỀN
Đây đã là lần thứ 3 ông Huỳnh Tấn Sang, ở thôn Trung Châu, xã Cẩm Kim (Hội An) cấy lại ớt giống, kể từ khi bước vào vụ đông xuân. Ảnh: L.HIỀN

Những ngày gần đây, ông Huỳnh Tấn Sang, ở thôn Trung Châu, xã Cẩm Kim tận dụng các công trình phụ của gia đình để đặt những vỉ ớt mới cấy. Những mầm giống đã bắt đầu bung ra khỏi hạt. Số ớt này ông cấy để trồng trong thời gian tới. Đây là lần thứ 3 ông Sang phải cấy lại ớt giống, kể từ khi bước vào vụ đông xuân. Hai trận lụt trước, hơn 40 vỉ ớt giống của gia đình ông bị hư hại. Cùng với đó là bí đao, khổ qua, đậu đũa… đã được đôn đất, leo giàn để thu hoạch bán trong dịp tết này cũng bị héo rũ, thối lũn gây mất trắng. Trước đó, ông đã bỏ ra cả chục triệu đồng mua phân, giống và mướn nhân công làm gần 1 mẫu đất màu ông thuê của UBND xã để gieo tỉa, làm giàn. Ông nhẩm tính, nếu không lụt, chắc chắn tết này thu nhập từ các loại rau màu sẽ được hơn 100 triệu đồng. Thế mà giờ đây, ông phải tự mua giống ớt về làm lại và phải chờ khoảng một tháng nữa, khi cây giống cứng cáp mới có thể trồng đại trà. Còn các loại rau màu khác, tạm thời chưa thể trồng trở lại. Ông Sang cho biết: “Hai đợt lũ vừa qua, tính cả tiền phân bón, nhân công, giống, thiệt hại khoảng hơn 40 triệu đồng. Đáng nói là bây giờ đã qua vụ chính, tết nay nhà nông không có mặt hàng nông sản nào để bán. Chừ trồng ớt thì cũng phải qua tháng 3 âm lịch mới có thu, còn rau quả thì không làm kịp. Đời sống của nông dân trong cái tết tới hết sức khó khăn”. Tại bãi bồi Bà Mau - nơi sản xuất của 6 hộ dân ở 2 thôn Trung Châu và Phước Thắng, không có mảng xanh rau màu nào, những ruộng cỏ của các hộ trồng chăn nuôi trâu bò cũng bạc phếch bùn non. Ông Huỳnh Minh Huy - một nông dân sản xuất tại đây nói: “Chưa nói đến thiệt hại, chỉ riêng chuyện khôi phục sản xuất đã làm chúng tôi mất ăn mất ngủ. Bữa nay mà còn chưa thể xuống giống loại cây gì. Tết nay không vui như mọi năm rồi!”.

Nhiều diện tích sản xuất rau màu ở Hội An mất trắng sau lũ.
Nhiều diện tích sản xuất rau màu ở Hội An mất trắng sau lũ.

Đi sâu vào đồng ruộng ở các thôn Trung Châu, Phước Thắng, Đông Hà, Trung Hà, Đông Vĩnh của xã Cẩm Kim, không một loại rau màu nào sống sót sau lũ. Bùn non đóng dày mặt ruộng. Bà con nông dân chia sẻ, nhìn thấy đồng ruộng như vậy vừa buồn, vừa ngán. Bởi để tái sản xuất, trước hết phải cày xóc lại. Việc này khó nhọc, tốn công sức, khó thuê lao động, giá ngày công cao và quan trọng là phải một lần nữa mua phân, mua giống để làm lại từ đầu. Bà con còn lo lắng, phân có thể mua nhưng giống chắc khó, bởi lụt hai trận liên tiếp như vậy, những vùng có giống nhiều trong tỉnh như Đại Lộc, Điện Bàn, kể cả ở các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định… cũng bị ngập, nông dân khắp nơi phải trồng đi trồng lại nên không thể tránh chuyện thiếu giống để khôi phục sản xuất… Lo lắng là vậy nhưng trong những ngày này, như nhiều địa phương khác, nông dân Cẩm Kim đã xuống đồng cải tạo đất, trước mắt làm rau ngắn ngày và chuẩn bị ớt giống trồng sau tết. Chính quyền xã Cẩm Kim cũng đã và đang hỗ trợ nông dân địa phương khôi phục sản xuất. Ông Phan Trọng Nhân - Chủ tịch UBND xã Cẩm Kim nói: “Khi lũ rút, cán bộ xã chia thành nhiều nhóm đi xuống từng cánh đồng thống kê diện tích hoa màu bị hư hại, niêm yết công khai tại thiết chế văn hóa và UBND xã. Qua đó đề xuất thành phố hỗ trợ thiệt hại cho người dân. Vì đây là vụ chính nên chỉ riêng giống và phân bón, nhiều hộ đã đầu tư 30 - 40 triệu đồng, bây giờ xem như mất trắng”.

Theo thống kê của Phòng Kinh tế TP.Hội An, toàn địa bàn bị thiệt hại khoảng 173ha hoa màu, nhiều địa phương thiệt hại nặng như Cẩm Kim, Cẩm Nam, Cẩm Hà… Riêng tại phường Cẩm Nam, ngoài rau và đậu phụng, 18ha bắp nếp chuẩn bị thu hoạch trong dịp tết và đầu xuân mới bị hư hại hoàn toàn. Vì vậy, Lễ hội bắp nếp phường Cẩm Nam năm 2017 theo định kỳ sẽ diễn ra vào đầu năm mới sẽ phải gác lại vì không có bắp để làm lễ hội. Trước thiệt hại của bà con, UBND TP.Hội An đã khẩn trương họp bàn phương án hỗ trợ một phần chi phí giúp nông dân địa phương khôi phục sản xuất. Phó Chủ tịch UBND thành phố - ông Nguyễn Thế Hùng nói: “Về chính sách, đối tượng và quy trình hỗ trợ áp dụng theo Nghị định 31. Sau khi có quyết định là thực hiện ngay, tuy nhiên mức hỗ trợ không nhiều. Chúng tôi rất mong các tổ chức, cá nhân chung tay hỗ trợ nông dân khôi phục sản xuất, giúp bà con có thể đón tết sum vầy”.

LÊ HIỀN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhọc nhằn khôi phục sản xuất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO