Các đợt bão lũ liên tiếp gần đây khiến nhiều vườn hoa, cây cảnh tại TP.Hội An bị thiệt hại nghiêm trọng. Vì vậy việc khôi phục vụ hoa cho mùa tết càng khó hơn.
Ưu tiên hoa ngắn ngày
Cẩm Châu - vựa hoa của TP.Hội An xác xơ trong những ngày qua. Ông Đinh Văn Hữu (khối phố An Mỹ, phường Cẩm Châu) cho biết, chưa năm nào bão tàn phá nghề trồng hoa khốc liệt như năm nay. Cả 500 chậu hoa cúc đại đóa, hoa hồng, thược dược của ông đã bị bật gốc, chết héo. Các loại hoa trên có thời gian sinh trưởng dài ngày nên ông Hữu không thể khôi phục để phục vụ vụ tết sắp đến. Để bù lại thiệt hại lên đến hơn 100 triệu đồng, ông Hữu mua giống hoa ngắn ngày là dạ yến thảo, sao băng, dừa cạn, chuông về gieo trồng lại. “Nếu thời tiết từ nay đến trước tết ổn định thì các loại hoa treo sẽ kịp tết. Còn nếu mưa bão kéo dài thì thiệt hại nặng thêm” - ông Hữu nói.
Ông Nguyễn Quang Tiến - Chủ tịch Hội Nông dân phường Cẩm Châu cho biết, trên địa bàn có 284 hộ trồng hoa, cây cảnh. Đợt bão lũ vừa qua, hơn 8 nghìn chậu cúc, hoa hồng, thược dược bị hư hại mà nông dân không thể “chạy đua” với thời gian để trồng lại cho kịp vụ tết sắp đến. Hầu hết các hộ này đều chuyển sang trồng hoa ngắn ngày để kịp vụ tết sắp đến. Các loại hoa treo rất được người tiêu dùng ưa thích trong thời gian qua nên kỳ vọng họ sẽ có nguồn thu nhập bù đắp thiệt hại.
Bà Trần Thị Hồng Trang - Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp TP.Hội An cho rằng, các loại hoa treo được nông dân trên địa bàn trồng, cho vào các chậu hay giỏ nhỏ rất phù hợp với không gian nhà vườn không quá rộng của thành phố. Các loại hoa treo được bán với giá trung bình 150 - 200 nghìn đồng/chậu, giỏ; trong khi đó chi phí đầu tư không quá lớn, thời gian chăm sóc không nhiều nên hy vọng đem lại nguồn thu ổn định cho người trồng hoa.
Lo với quật tết
Người trồng quật tết ở Hội An cũng đang lo lắng. Bão số 9 vừa qua đã khiến hàng nghìn chậu quật bị bật gốc và chết. Thời gian sinh trưởng, phát triển của quật không dưới 12 tháng mà thời gian đến tết lại gần nên nông dân không thể thay thế các chậu quật đã chết bằng quật mới.
Năm nay đầu tư 500 chậu quật tết, ông Ngô Quang Trường (ở khối phố An Phong, phường Tân An, TP.Hội An) cho biết: “Các chậu quật của tôi được bố trí ở nơi tương đối kín gió nên may mắn không bị chết do ảnh hưởng của mưa bão, nhưng cây suy yếu và bị nấm gây rụng trái. Phải mất chừng 10 ngày nữa tôi mới có thể bón phân, các chất kháng sinh để tăng thêm dinh dưỡng và sức đề kháng cho quật. Bây giờ chỉ có thể phun thuốc để hạn chế hoạt động của các loại nấm gây bệnh. Quật rụng đến 20% lượng trái nên chất lượng suy giảm, rất khó bán trong dịp tết sắp đến”.
Người trồng quật ở phường Tân An, Thanh Hà, xã Cẩm Hà, cũng đang thấp thỏm vì quật sinh trưởng, phát triển không đúng kế hoạch. Ông Tăng Quang Hải (ở thôn Bến Trễ) cho biết, đầu tháng 11 là thời điểm thương lái, tư thương ở khắp các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Khánh Hòa, Quảng Ngãi đến đặt cọc để mua quật tết nhưng năm nay họ chỉ đến trao đổi sơ sài nên chưa ký kết mối làm ăn nào. “Bão lũ khiến chất lượng quật tết năm nay giảm. Bên cạnh đó, vì lo ngại dịch Covid-19 có thể tái bùng phát nên các mối làm ăn chưa dám đặt mua hàng loạt như mọi năm” - ông Hải nói.
Theo bà Trần Thị Hồng Trang, thời điểm này có nhiệt độ thấp, độ ẩm cao rất dễ phát sinh các loại bệnh trên hoa, cây cảnh. Để phòng trừ, nông dân cần tăng cường bón phân hữu cơ hoai mục để bổ sung nguồn dinh dưỡng tổng hợp cho cây, đồng thời cải tạo kết cấu của đất, bổ sung vi sinh vật có ích, tăng cường phân lân và ka li. Để trồng hoa, cây cảnh không gây hại cho môi trường, người dân cần ưu tiên sử dụng thuốc có nguồn gốc thảo mộc, sinh học như gừng, tỏi, ớt ngâm với rượu rồi tưới cho cây.