(QNO) - Đợt nắng nóng đỉnh điểm kéo dài những ngày qua khiến người lao động vất vả hơn nhất là với những người phải lao động ngoài trời.
"Bán lưng cho trời"
Dù chỉ mới 10 giờ nhưng nhiệt độ ngoài trời đã đạt đến 34oC. Ông Nguyễn Thanh Quốc (xã Tam Phú, TP.Tam Kỳ) mồ hôi nhễ nhại, cần mẫn cắt sắt tại công trình nhà ở mà ông và nhóm thợ đang thi công. Vào mùa xây dựng nên ông Quốc phải cố sức làm việc trong thời tiết khắc nghiệt. Ngoài mũ rộng vành, áo dài tay kín mít thì những thợ hồ như ông Quốc phải chia nhỏ thời gian làm việc ra nhiều đợt, vừa làm vừa nghỉ.
“Chủ nhà giao khoán công trình nên mình chủ động tránh nắng nóng bằng cách đi làm sớm, tranh thủ nghỉ ngơi và uống thật nhiều nước” - ông Quốc cho biết.
Ông Trần Văn Thi - chủ thầu xây dựng nói: “Rất hiểu và thông cảm cho anh em thợ nên khi trời quá nóng thì tôi nghỉ sớm để “trốn” nắng, anh em nghỉ sớm làm trễ chớ không thể như ngày thường. Mùa này chỉ thấy nắng là đã hoa mắt, huống chi leo trèo".
[VIDEO] - Thợ xây dựng là một trong những nghề nghiệp chịu ảnh hưởng bởi nắng nóng kéo dài:
Đã gần 12 giờ trưa, mặc cho cái nắng hầm hập như đổ lửa, ông Nguyễn Văn Anh (thôn Trà Long, xã Bình Trung, Thăng Bình) vẫn cố cày vỡ cho xong đám ruộng. “Nông dân giờ xuống giống đồng loạt nên họ hối gấp, mình phải tranh thủ tối đa để cày. Trần lưng suốt ngày trên nắng dưới nóng hại sức lắm” - ông Anh nói.
Còn với bà Lê Thị Thủy (xã Bình Long, Bình Sơn, Quảng Ngãi) mùa nắng chính là thời gian vất vả nhất với người bán vé số. Bà phải dậy thật sớm đạp xe ra thị trấn Núi Thành cách nhà gần 20km để kịp bán buổi sáng.
“Mùa nắng này đạp xe từ quán này qua quán kia bở hơi tai. Tôi đã 70 tuổi rồi nên mệt nhanh hơn những người trẻ khác. May mắn là mùa nắng khách ngồi cà phê đông nên bán được kha khá. Tôi tuổi già, sức yếu nên những ngày này bán đến quá trưa là tôi không đủ sức đi nữa” - bà Thủy tâm sự.
Muôn kiểu tránh nắng
Tận dụng bãi cỏ và bóng cây xanh trước cổng Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam, ông Ngô Đình Dương làm nơi nghỉ trưa. Rời quê hương Quảng Ngãi ra Tam Kỳ bán hàng rong đã 4 năm nay, ông Dương xem chuyện ngủ dưới bãi cỏ, bóng cây là cách tránh nắng tốt nhất. “Nhà trọ thấp, bí gió, nóng hầm hập nên về nhà cũng không ngủ được. Với lại nằm đây khách có ghé thì bán thêm được vài đồng và có thể xin trà đá ở các quán cơm” - ông Dương nói.
Cách đó không xa, ông Phạm Minh cũng tận dụng bóng cây xanh để nghỉ ngơi. Nhà ở tận xã Tam Phước (Phú Ninh), người đàn ông bán vé số này không thể về nhà. “Ở Sài Gòn cũng bôn ba vất vả nên quen rồi. Mấy ngày gần đây thời tiết oi bức quá, tôi khuyết tật, đau nhứt khắp người khó ngủ, mất sức khỏe lắm. Để bớt chi phí thì tôi mang theo bình giữ nhiệt, mua đá rồi xin trà ở quán cơm để giải khát suốt ngày”.
Tương tự cảnh ngộ ông Minh, bà Phạm Thị Kim (phường An Phú) phải mưu sinh trên chiếc xe lăn bán bánh cam, bánh xoài. Quãng đường thường ngày nội thị Tam Kỳ như dài thêm trong những ngày nắng nóng này so với cái tuổi 73 tuổi của bà.
“Nhiều người cũng tránh nắng nóng ở gầm cầu này. Chỉ mong trời giảm nhiệt, nắng đừng gay gắt nữa thì mới bán được nhiều hơn” - bà Kim bảo.
Một số hình ảnh "trốn nắng" của người lao động tại Tam Kỳ: