Nhọc nhằn mưu sinh trong cơn bão giá

NGUYỄN QUỲNH 22/06/2022 15:55

(QNO) - Giá xăng tăng thổi bùng cơn bão giá các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu khiến đời sống của người thu nhập thấp thêm khó khăn hơn bao giờ hết. 

Chật vật xoay xở

Mỗi ngày ông Minh chỉ thu được 70 ngàn đồng từ tiền bán vé số. Ảnh: N.Q
Mỗi ngày ông Minh kiếm được hơn 70 nghìn đồng từ tiền bán vé số. Ảnh: N.Q

Khi mặt trời chưa hừng sáng, ông Nguyễn Văn Minh (66 tuổi, xã Tam Phước, Phú Ninh) bị liệt 2 chân, lái chiếc xe lăn rời nhà xuống TP.Tam Kỳ để kịp nhận vé số từ đại lý đi bán dạo trên các tuyến phố. Hàng ngày, công việc mưu sinh của ông kết thúc sau 19 giờ tối, vì phải đợi đài xổ số xong mới quay về nhà.

Ông Minh cho biết, do tuổi cao, sức khỏe yếu, thêm thời tiết nắng nóng nên ông không thể lái xe lăn đi nhanh, mỗi ngày chỉ bán được khoảng 100 tờ vé số, thu nhập được khoảng 70 nghìn đồng. Buổi trưa, ông ghé vào quán cơm vỉa hè để mua hộp cơm rồi tìm đến bóng cây để ăn uống, tạm nghỉ ngơi và lấy sức.

“Tôi bị bệnh thương hàn lúc 2 tuổi, gia đình khó khăn không có tiền chữa chạy thuốc thang, đôi chân bị bại liệt từ đó. Hàng ngày tôi đi bán vé số để mưu sinh, gặp khi trái gió trở trời bệnh cũ tái phát chỉ biết ở nhà. Thu nhập bấp bênh nhưng cố gắng để có thêm đồng ra đồng vào còn phụ nuôi mẹ già” – ông Minh bộc bạch.

Bà Thủy ăn vội nắm xôi vừa mua lúc sáng, trong giờ nghỉ ngơi ngắn ngủi. Ảnh: N.Q
Bà Thủy ăn vội nắm xôi vừa mua lúc sáng, trong giờ nghỉ ngơi ngắn ngủi. Ảnh: N.Q

Hai chị em bà Nguyễn Thị Thủy (48 tuổi, xã Tam Xuân 1, Núi Thành) và Nguyễn Thị Trang (55 tuổi, xã Tam Phú, TP.Tam Kỳ) tranh thủ giờ nghỉ ăn vội hộp xôi mới mua lúc sáng, để có sức làm việc cho một cơ sở đồ gỗ mỹ nghệ tại tuyến đường Phan Bội Châu. Công việc của 2 chị em bà thường bắt đầu từ 7 giờ sáng đến 17 giờ chiều mới về nhà.

Dưới cái nắng oi bức, người phụ nữ vẫn miệt mài chà giấy nhám cho gỗ mỹ nghệ. Ảnh: N.Q
Dưới cái nắng oi bức, người phụ nữ vẫn miệt mài chà giấy nhám cho gỗ mỹ nghệ. Ảnh: N.Q

Hàng ngày, 2 chị em bà Thủy chà giấy nhám, trắt keo lên các lỗ mối mọt, phun dung dịch PU để làm bóng đồ gỗ, công việc rất nặng nhọc, độc hại vì bụi bặm và thường xuyên ngửi mùi hóa chất. Trong khi đó, đồ bảo hộ lao động của 2 chị em chỉ có đôi găng tay, khẩu trang che mặt, nhiều lúc keo, bụi bắn vào mắt rất nguy hiểm.

“Công việc gia công gỗ khá vất vả, tiền lương mỗi ngày chỉ có 200 nghìn đồng. Để tiết kiệm chi phí đi lại, chị em tôi thường mang theo cơm nước để ăn trưa. Giờ nghỉ việc thì không biết lấy tiền đâu nuôi 2 con ăn học, lo trang trải cuộc sống gia đình, mọi chi tiêu hàng ngày phải "thắt lưng buộc bụng" mới tạm ổn" - bà Thủy trải lòng.

Cần bình ổn giá mặt hàng thiết yếu

Câu chuyện của chị em bà Thủy, ông Minh cũng đang là nỗi niềm chung của nhiều người có thu nhập thấp, lao động tự do trước cơn “bão giá”.

Người thu nhập thấp vất vả mưu sinh dưới trời nắng nóng. Ảnh: N.Q
Xe buýt Đà Nẵng - Tam Kỳ ngừng chạy, lượng khách đi xe ôm cũng thưa dần. Ảnh: N.Q

Ông Hồ Văn Quý (58 tuổi, phường An Sơn, Tam Kỳ) hành nghề lái xe ôm cho hay, giá xăng tăng lên mỗi ngày, khách vắng, nguồn thu giảm đáng kể. Trước đây, giá xăng chưa tăng vọt, mỗi ngày ông Quý chỉ cần đổ vào bình khoảng 50 nghìn đồng là có thể chạy chở khách vi vu, mỗi ngày kiếm hơn 200 nghìn đồng sau khi trừ chi phí. Còn hiện nay để hành nghề, ông phải đổ khoảng 70 - 100 nghìn đồng tiền xăng.

Cạnh đó, tuyến xe buýt Đà Nẵng – Tam Kỳ đã dừng hoạt động nên nguồn khách đi xe ôm thêm vắng. Ngược lại, xe dịch vụ, xe tự phát mọc lên như nấm, nên những người làm nghề lái xe ôm như ông phải cạnh tranh gay gắt.

“Xăng tăng giá nhưng tôi không thể tăng giá để giữ khách quen. Ngày mô “trúng mánh” thì kiếm được khoảng 100 - 200 nghìn đồng, còn không thì về gia đình nuôi. Ngoài ra, để kiếm thêm tiền, tôi sẵn sàng chở hàng hóa nặng cho các tiểu thương thuê mướn, nhưng không phải lúc nào cũng được thuê” – ông Quý nói.

Mồ hôi chảy nhễ nhại trên má của những người phụ hồ. Ảnh: N.Q
Mồ hôi chảy nhễ nhại trên khuôn mặt của những người phụ hồ. Ảnh: N.Q

Lau vội mồ hôi trên mặt, ông Phan Thanh Vy (63 tuổi, xã Tam Thăng, Tam Kỳ) vác xô hồ nặng trên vai để các thợ xây nhà tại đường Phan Bội Châu (Tam Kỳ). Ông cho biết: “Tôi làm phụ hồ hơn 10 năm nay, trời mưa thì không có việc, còn nắng thì chỉ biết thở trong mệt nhọc. Ngày công lao động dành cho phụ hồ chỉ dưới 300 nghìn đồng/ngày, nhưng giờ gia đình không có ruộng sản xuất nên chỉ biết bám trụ với nghề này".  

Chợ thưa vắng khách ghé mua. Ảnh: N.Q
Chợ thưa vắng khách ghé mua. Ảnh: N.Q

Dạo một vòng quanh các chợ Tam Kỳ, hàng hóa được các tiểu thương trưng bày rất đa dạng nhưng sức mua giảm sút. Nhiều tiểu thương cho hay, xăng tăng nên khi nhập hàng về giá cước cũng tăng theo như rau củ quả, bánh trái đều tăng nhẹ từ 5 -10 nghìn đồng, tùy theo từng sản phẩm.

Xăng tăng giá, khiến nhiều mặt hàng tăng theo. Ảnh: N.Q
Xăng tăng giá, khiến nhiều mặt hàng thiết yếu tăng theo. Ảnh: N.Q

Hiện nay, giá xăng đã tăng xấp xỉ 33 nghìn đồng/lít, đây cũng là đợt tăng thứ 7 liên tiếp, khiến các mặt hàng thiết yếu "đội giá". Trong khi đó, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trong 2 năm qua, càng làm cho nhiều người có thu nhập thấp thêm lao đao. Vì vậy, người lao động có thu nhập thấp đều mong ước chung là Nhà nước cần bình ổn giá các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. 

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhọc nhằn mưu sinh trong cơn bão giá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO