Nhọc nhằn nghề bốc vác

VĂN VIỆT 13/06/2019 10:19

(QNO) - Đi dọc các bến xe, nhà ga hay các công ty vật liệu xây dựng… không khó bắt gặp những tốp người làm nghề bốc vác. Họ luôn túc trực chờ chuyển hàng, bất kể nắng mưa.

Nghề bốc vác đòi hỏi sức khỏe tốt. Ảnh: VĂN VIỆT
Nghề bốc vác đòi hỏi sức khỏe tốt. Ảnh: VĂN VIỆT

Là bộ đội phục viên, không có việc làm ổn định, ông Nguyễn Văn Lanh (phường An Xuân, TP.Tam Kỳ) theo nghề bốc vác được hơn 10 năm nay. Ông tâm sự, cái nghề này đòi hỏi phải có sức khỏe và sự dẻo dai. Nếu chẳng may đau ốm thì coi như mất việc vì lượng hàng vận chuyển hầu như ngày nào cũng có.

Giữa cái nắng đổ lửa, anh Huỳnh Tấn Lâm (xã Tam Ngọc, TP.Tam Kỳ) nhễ nhại mồ hôi, cùng 4 người khác tranh thủ vận chuyển cho xong 4,6 tấn gạo cho một chủ xe. Tiền công 1 tấn hàng là 50 nghìn đồng, bình quân mỗi ngày nhóm anh vận chuyển 30 - 40 tấn hàng hóa các loại. “Trung bình mỗi ngày tôi kiếm được 300 nghìn đồng, cực nhọc nhưng cũng đủ trang trải sống gia đình. Tôi làm nghề này đã 7 năm nay” - anh Lâm nói.

Không chỉ cánh đàn ông, nhiều phụ nữ cũng chọn nghề bốc vác để mưu sinh. Từng là công nhân may, tuy nhiên do mắt kém nên chị Nguyễn Thị Sa (xã Tam Đại, Phú Ninh) đành rẽ hướng chọn nghề cần nhiều sức lực này.

Công việc bóc vỏ keo có nhiều phụ nữ tham gia. Ảnh: VĂN VIỆT
Công việc bóc vỏ keo có nhiều phụ nữ tham gia. Ảnh: VĂN VIỆT

Gia đình chị Sa có 3 đứa con đang tuổi ăn học. Hằng tháng mọi chi phí sinh hoạt của gia đình đều nhờ vào ngày công bốc keo thuê của hai vợ chồng; riêng chị Sa, mỗi ngày được trả công 180 nghìn đồng. Chi tiêu tiết kiệm cũng còn dư chút đỉnh cho con ăn học. Mệt nhọc là thế, bù lại 3 đứa con của chị luôn chăm ngoan, học giỏi, những lúc rảnh rỗi còn biết phụ giúp gia đình.

Một người phụ nữ khác tên Hạnh (xã Tam Đàn, Phú Ninh) cũng quần quật với công việc bốc gạch. Dáng người nhỏ nhắn, khuôn mặt đen sạm vì nắng, chị Hạnh cho biết hằng ngày cứ 7 giờ sáng chị lại đến công ty vật liệu xây dựng ở địa phương để chờ bốc gạch cho khách hàng. Mỗi ngày chị kiếm được 200 - 250 nghìn đồng. “Mệt lắm, nhiều khi muốn nghỉ nhưng vì nuôi đứa con trai đang là sinh viên nên phải ráng...” - chị nói vội trong lúc xe chở gạch vừa tới.

Khó khăn, cực khổ song những người theo nghề này luôn đùm bọc, san sẻ với nhau trong cuộc sống. Chúng tôi được nghe họ kể về những lúc rủi ro, tai nạn trong công việc, giúp đỡ nhau trong khốn khó. Những lúc như vậy, họ động viên nhau để tiếp tục chặng đường mưu sinh.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhọc nhằn nghề bốc vác
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO