Khu vực sản xuất muối duy nhất tại Quảng Nam - xã Tam Hòa (Núi Thành) đang đối diện với nhiều khó khăn. Vì thế, chính quyền địa phương, ngành chức năng đang phổ biến các chính sách khuyến khích phát triển nghề muối vừa được Chính phủ ban hành, giúp diêm dân tiếp cận, sản xuất thuận lợi hơn trong thời gian đến.
Bấp bênh
Đến xã Tam Hòa vào những ngày này sẽ chứng kiến cảnh nhọc nhằn, cơ cực của diêm dân. Trưa nắng tháng tư như đổ lửa xuống những tấm lưng lam lũ đang cúi mặt, tất tả kéo nước hay dồn muối đã khô quanh các khoảnh ruộng muối lót bạt. Cái nóng oi ả cộng với vị mặn chát hắt lên từ cánh đồng muối khiến không khí như dồn lại, bức bí hơn. Ông Huỳnh Hà (thôn Hòa Bình, xã Tam Hòa) đã quá quen thuộc với vị mặn của muối thấm đẫm mồ hôi. “Muốn lấy công làm lời mà nhiều khi cũng gặp khó. Muốn muối thật chất lượng thì phải kết tinh trong nhiều ngày. Vậy mà có khi đang chờ thu hoạch thì mưa kéo đến, đành ngậm ngùi. Cái nghề lệ thuộc thời tiết đến tội, nhiều khi đang ngủ mà mơ hồ nghe lộp độp là thảng thốt ngay” - ông Hà nói.
Ông Lê Văn Phú đi khảo sát sản xuất muối tại địa phương. Ảnh: V.Q |
Nhiều người dân cùng thôn gọi ông Hà “liều mạng” vì dám kiên trì với nghề muối hơn 20 năm nay. “Nghề muối trước đây tạm ổn nhưng nay đã thay đổi rất rõ. Lũ trẻ bỏ làng đi làm nghề mới nhiều vô kể. Chỉ có những người già như tôi mới bươn bả với đồng muối trắng” - ông Hà chia sẻ. Tháng tư đến là vụ muối bắt đầu. Hỏi hơn 20 ngày qua, đã thu hoạch được bao nhiêu tấn muối, ông Hà nói khẽ: “Nhiều nhặn chi đâu, mới sản xuất được vài tấn muối. Ông trời thương thì được mùa mà mưa nhiều thì thất bát. Cái đó còn chưa khổ bằng tiêu thụ lượng muối làm ra. Năm trước bán được 1.200 đồng/kg muối, chừ ở mức 7.000 đồng/kg, không biết cuối vụ giá muối có giảm xuống không”.
Nhiều hộ diêm dân ở thôn Bình An lẫn Hòa Bình đang rất lo giá muối năm nay bất ổn. Bởi trong những ngày qua, một số tin đồn thiếu kiểm chứng đã gieo rắc hoài nghi trong giới đầu nậu thu mua muối. Rằng, muối Tam Hòa có chất lượng không bằng trước đây, giảm độ trắng tinh, muối ít đậm chắc vì diêm dân sợ mưa làm giảm sản lượng nên thu hoạch sớm. Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Phú - cán bộ Ban kinh tế xã Tam Hòa cho rằng, đầu ra của muối luôn là nỗi ám ảnh của diêm dân. Trước đây, xã có ký kết hợp đồng với các xã thuộc huyện miền núi của tỉnh để cung cấp muối nhưng đến nay do sản xuất ít ỏi dần nên thỏa thuận đã chấm dứt. Một số đầu nậu ở Núi Thành và số ít thương lái thu mua muối ở tỉnh Quảng Ngãi cũng đã đến hỏi mua muối nhưng ép giá khiến diêm dân gặp khó khăn. “Hiện tại nghề muối của xã Tam Hòa chỉ còn hoạt động ở 2 thôn Hòa Bình và Bình An. Diện tích đất có thể sản xuất muối là hơn 20ha nhưng mỗi năm trôi qua thì diện tích thực làm muối giảm dần, hiện nay còn khoảng 6ha. Chỉ còn số ít hộ dân gắn bó với nghề vì quá bấp bênh” - ông Phú nói.
Hỗ trợ diêm dân
Theo UBND huyện Núi Thành, tin đồn muối Tam Hòa giảm chất lượng là thất thiệt. Các cơ quan thông tin đại chúng nên thông tin rõ việc này, trả lại tiếng thơm cho muối Tam Hòa. Bởi diêm dân nơi đây bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, chắt chiu thời gian, sản xuất muối theo quy trình sạch, khoanh bạt, dẫn nước, kết tinh muối rất bài bản. Ông Nguyễn Văn Thịnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho biết, địa phương đang giao công việc cho Phòng NN&PTNT huyện phối hợp với các cơ quan của tỉnh, rà soát lại tất cả chính sách khuyến khích phát triển nghề muối để phổ biến giúp diêm dân tiếp cận, sản xuất thuận lợi hơn trong thời gian tới. “Quan điểm của huyện Núi Thành là sản xuất muối có thể không đem lại giá trị kinh tế cao như nghề cá nhưng vẫn là một thành phần kinh tế bình đẳng, cần hỗ trợ họ. Trên cơ sở có cơ chế khuyến khích của trung ương, ngành nông nghiệp huyện sẽ khẩn trương giúp diêm dân tiếp cận càng sớm càng tốt” - ông Thịnh nói.
Theo Phòng NN&PTNT huyện Núi Thành, trên cơ sở các chính sách hỗ trợ về tín dụng, khoa học - công nghệ, đào tạo nhân lực, xây dựng cơ sở hạ tầng, địa phương sẽ phối hợp với Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Quảng Nam để triển khai trong thời gian đến. Ông Nguyễn Đình Sơn - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Núi Thành lo ngại rằng, từ chính sách đến thực tiễn có khoảng cách quá lớn, khó vận dụng. Ví như trước đây, cũng đã có cơ chế hỗ trợ phát triển nghề muối nhưng diêm dân không tiếp cận được, vẫn duy trì sản xuất nhỏ lẻ đến bây giờ. “Trong nỗ lực trợ giúp diêm dân, năm trước, xã Tam Hòa phối hợp với Phòng NN&PTNT huyện xây dựng quy hoạch phát triển nghề muối để triển khai xây dựng hạ tầng, trải bạt, đầu tư thủy lợi, làm muối sạch nhưng đã thất bại. Nguyên nhân vì cấp trên cho rằng đầu tư vốn cho nghề muối lớn mà giá trị kinh tế thu được không tương xứng nên không triển khai. Nếu trung ương không ban hành cơ chế thì đành vậy, đằng này đã có cơ chế mà tiếp cận không được thì rất uổng phí. Chúng tôi cố gắng vận dụng khuyến khích của trung ương để diêm dân tiếp cận, hưởng lợi” - ông Sơn nói.
Ông Cao Tấn Thuấn - Trưởng phòng Quản lý chất lượng (Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Quảng Nam) cho rằng, nghề muối Tam Hòa gặp khó trong thời gian qua vì sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Cơ sở hạ tầng cho nghề muối rất thô sơ, diêm dân tự huy động vốn để dồn ụ đất, chia khoảnh rồi lót bạt, dẫn nước vào, kết tinh trong nắng thành muối. Dù sản xuất gặp khó nhưng bộ phận diêm dân gắn bó với nghề có quy trình sản xuất muối sạch rất đáng khen. Họ vất vả chờ kết tinh muối trong 5 - 6 ngày để hạt muối rắn rỏi, trắng tinh, mặn mòi. “Trong thời gian đến, chúng tôi sẽ phối hợp với các ngành, các cấp của huyện Núi Thành, phổ biến các nội dung của Nghị định số 40/2017/NĐ-CP về quản lý sản xuất, kinh doanh muối, giúp diêm dân tiếp cận, hưởng lợi. Các lĩnh vực hỗ trợ sẽ gồm đầu tư hạ tầng, ứng dụng công nghệ, đào tạo lao động, tín dụng ưu đãi” - ông Thuấn nói.
VIỆT QUANG