Nhọc nhằn thợ điện vùng cao

TRUNG LỘ 16/11/2020 05:50

Đưa điện đến các thôn bản vùng sâu, vùng xa, các xã biên giới ở Quảng Nam đã khó, để giữ dòng điện ấy thông suốt càng khó khăn hơn, đòi hỏi người thợ điện phải nỗ lực, quyết tâm cao và đôi khi, phải chấp nhận cả sự hiểm nguy trong công việc.

Thợ điện vùng cao khắc phục sự cố trong mùa mưa bão. Ảnh: Đ.H
Thợ điện vùng cao khắc phục sự cố trong mùa mưa bão. Ảnh: Đ.H

Nỗi vất vả của những người thợ điện ở vùng cao rất dễ nhận thấy trong những ngày mưa bão. Bất kể ngày hay đêm, nắng cũng như mưa, cả khi gió dông bão, họ vẫn luôn trong tâm thế sẵn sàng nhận lệnh. Chỉ cần chuông điện thoại réo lên báo mất điện là các anh lại nhanh chóng lên đường, vượt mọi khó khăn, khắc phục sự cố một cách nhanh nhất để nối thông dòng điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho người dân.

Ông Tưởng Tám - Phó Giám đốc Điện lực Hiệp Đức cho biết, đơn vị hoạt động trên địa bàn rộng, phục vụ cả 2 huyện miền núi Hiệp Đức và Phước Sơn, nên việc quản lý, vận hành của đơn vị gặp không ít khó khăn, đặc biệt là đối với những thợ điện được phân công bám địa bàn thôn bản. Nhiều khi xảy ra sự cố lưới điện trong mưa bão, mấy anh em công nhân phải lội bộ vài chục cây số trong đêm để phát hiện, xử lý, khắc phục sự cố nhằm sớm cấp điện cho khách hàng.

Thời gian qua, thiên tai sạt lở thường xuyên xảy ra, vì vậy có khi cả tháng trời nhiều người thợ điện vùng cao không có thời gian về thăm gia đình. Xử lý, khắc phục sự cố đường dây trong cơn bão trước vừa xong, cơn bão sau lại ập đến; bão chồng bão, lũ chồng lũ đã gây thiệt hại nặng nề hệ thống lưới điện. Thiệt hại nặng nề nhất là cơn bão số 9 mới đây. Hệ thống lưới điện toàn tỉnh bị hư hỏng nặng, tê liệt hoàn toàn và phải ngừng cung cấp điện. 100% xã, thị trấn ở các huyện miền núi bị mất điện, ước tổng thiệt hại ban đầu 39,4 tỷ đồng.

Đơn cử như tại huyện Nam Trà My, hệ thống đường dây 35kV Tam Kỳ - Nam Trà My dài hơn 100km, với hàng chục trụ điện, cây ngã đổ, làm đứt đường dây. Trong khi đó, đường sá bị sạt lở nặng, giao thông bị ách tắc. Hàng chục người dân bị vùi lấp ở xã Trà Leng đang chờ ứng cứu. Không có điện, thông tin không liên lạc được. Nhiệm vụ hàng đầu đặt ra đối với ngành điện là bằng mọi giá phải có điện để phục vụ công tác ứng cứu. Cùng với xử lý, khắc phục sự cố đường dây 35kV, Điện lực Trà My phải cử lực lượng kỹ thuật theo chân đội cứu hộ vào hiện trường xã Trà Leng để khảo sát, lập phương án cấp điện tạm thời.

Được Công ty Điện lực Quảng Nam chi viện 2 máy phát điện, ngay trong ngày 29.10, khi bão suy yếu, cán bộ công nhân Điện lực Trà My quần quật cả ngày lẫn đêm, hì hục vận chuyển để đưa cho bằng được 2 máy biến áp nặng hàng chục tấn vượt dốc đèo, lầy lội để vào hiện trường, phát điện phục vụ lực lượng cứu hộ... 

Người thợ điện vùng cao phải đảm nhận công việc 2 trong 1. Đó là thợ đường dây kiêm luôn nghề thu tiền điện. Đi thu tiền điện vài ba ngày mới về là chuyện thường! Nhiều thôn đường giao thông chưa có hay thường bị sạt lở, chia cắt, thợ điện còn phải bơi qua sông hoặc cắt đường, lội theo đường mòn xuyên rừng để về làng ghi chỉ số điện, thu tiền điện và luôn tiện trợ giúp sửa chữa hư hỏng hệ thống điện trong nhà cho bà con.

Nhân viên thu tiền điện thường phải đi hàng chục cây số đường rừng núi mới tới được nhà hộ tiêu thụ. Nhưng nhiều khi tới nơi lại không gặp, thậm chí phải đi lại vài lần mới thu được tiền điện. Đó là chưa kể trình độ dân trí cũng như hiểu biết về an toàn điện của đồng bào còn hạn chế, nên nhiều khi anh em gặp phải những chuyện dở khóc dở cười.

Chẳng hạn họ gọi điện báo cho điện lực tới “xử lý sự cố gấp”, tức tốc đi một quãng đường dài, tới nơi, anh em mới ngã ngửa vì “sự cố” chỉ là cái bóng điện dùng lâu ngày nên bị cháy hay hỏng cái công tắc điện. Tuy nhiên, bù lại tấm lòng đồng bào vùng cao luôn dành cho những người thợ “áo cam” với sự trân trọng, quý mến.

Anh Lưu Thanh Hùng (Điện lực Nam Giang) tâm sự: “Càng ở những nơi gian khổ, thiếu thốn ở vùng cao, biên giới, bà con càng sống chân tình và luôn dành cho những người thợ điện tình cảm trân trọng và quý mến. Họ coi chúng tôi như con cái trong gia đình vậy. Lúc nhỡ bữa được bà con nấu cơm cho ăn, mưa lạnh thì được người dân cho mượn áo mặc... Mỗi khi khắc phục sự cố, di chuyển vật tư nặng nhọc, bà con lại tận tình giúp đỡ, cùng nhau gùi cõng vật tư, thiết bị, vượt đèo, lội suối. Mệt nhọc là vậy nhưng được người dân giúp đỡ thì ai cũng thấy cảm động và yêu nghề hơn”.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhọc nhằn thợ điện vùng cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO