Nhộn nhịp làm đường bát

QUẾ CHÂU 15/02/2015 09:11

(QNO) - Đến hẹn - những ngày cận tết, lò đường nhà ông Trần Đình Hai, thôn 5 xã Phú Thọ (Quế Sơn) lại đỏ lửa để phục vụ người dân địa phương và vùng lân cận.

Mỗi lần nấu trong chảo khoảng 20 phút là đường chín. Ảnh: Văn Hào
Mỗi lần nấu trong chảo khoảng 20 phút là đường chín. Ảnh: Văn Hào

Tết đến thật gần khi các thương lái hối hả thu mua đường bát ngay tại lò để kịp phiên chợ. Tại xã Phú Thọ, hiện duy nhất lò đường nhà ông Trần Đình Hai vẫn còn hoạt động. Ông Hai bảo, nhiều khi cũng muốn “dẹp” cho xong vì một năm lò đường chỉ đốt lửa trong khoảng thời gian chưa đầy một tháng nhưng vì muốn giữ nghề truyền thống nên cứ mỗi độ giữa tháng Chạp, ông lại rục rịch sửa soạn thùng rót đường, bát, che ép mía… để phục vụ nhu cầu làm đường bát của người dân.

Ông Hai nói: “Từ hồi giải phóng, vùng này có cả chục lò đường nhưng rồi bỏ dần. Lý do, nguyên liệu mía không còn được người dân mặn mà trồng vì đường thành phẩm làm ra khó tiêu thụ. Bây chừ địa phương này vẫn còn một số hộ trồng mía nên tôi phải giữ lại cái lò đường, coi như “giữ lửa” cho cái nghề một thời của cha ông”. Ký ức về nghề làm đường mía một thời mang lại thu nhập chính cho người nông dân luôn “cháy” âm ỉ trong ông mỗi khi mùi đường non xộc vào mũi; mỗi khi nhìn người dân quê khệ nệ bưng thùng đường cần mẫn rót vào bát. Cứ thế, năm này sang năm khác, nhà ông Hai trở thành một “điểm hẹn” quen thuộc của nhà nông trồng mía cũng như cánh lái buôn vào những ngày giáp tết.

Đường được đánh cho nhuyễn trước khi rót vào bát. Ảnh: Văn Hào.
Đường được đánh cho nhuyễn trước khi rót vào bát. Ảnh: Văn Hào.

Quy trình làm đường bát bây giờ vẫn y hệt hồi xa xưa, có khác người ta không còn lợi dụng sức kéo của trâu bò trong công đoạn ép nước mía mà thay vào đó bằng máy móc. Tại lò đường nhà ông Hai, có một “ê kip” gồm 6 người phụ trách cụ thể mỗi phần việc từ ép mía, đốt lò,… cho đến rót đường vào bát và được chủ lò trả tiền công tùy vào số lần đường được nấu trong chảo. Mỗi lần nấu như vậy chủ lò lấy tiền công của người đem mía đến ép đường là 110 nghìn đồng, sau đó trả cho mỗi lao động 14 nghìn đồng/lần nấu. Trung bình một ngày, các lao động này nhận khoảng 200 nghìn đồng.

“Có ngày mía ít làm tới chập choạng tối là nghỉ nhưng cũng có hôm phải tận 22 giờ mới làm xong. Bây giờ ít ai còn bu bám nghề làm đường thuê nhưng cận tết, do rảnh rỗi mùa vụ nên chủ lò kêu là đi làm để kiếm thêm thu nhập trang trải tết nhứt” - ông Lê Văn Tuấn, làm việc tại lò đường nhà ông Hai tâm sự. 

Phải qua 4 lần rót như thế này mới tạo nên một bát đường. Ảnh: Văn Hào.
Phải qua 4 lần rót như thế này mới tạo nên một bát đường. Ảnh: Văn Hào.

Gia đình anh Huỳnh Văn Thuận ở xã Bình Quý (Thăng Bình) trồng 2 sào mía nhưng địa phương không còn lò đường nào hoạt động nên phải kéo mía sang lò nhà ông Trần Đình Hai. “Một sào mía tôi làm được 8 bầu (30 cặp/bầu đường), bán hết ngay tại lò với giá 45 nghìn/cặp. Vì nhu cầu cần đường bát để làm các loại bánh trong ngày tết rất cao nên lái buôn thường đến đặt trước” - anh Thuận cho hay. Theo người dân, hiện, tại vùng Phú Thọ (Quế Sơn) còn khoảng chưa tới 10 hộ trồng mía, mỗi gia đình chỉ trồng vài ba sào.

Trước khi rót, thoa một lớp dầu phộng vào bát nên chỉ cần gõ nhẹ là dễ dàng lấy được tán đường khỏi bát. Ảnh: Văn Hào.
Trước khi rót, thoa một lớp dầu phộng vào bát nên chỉ cần gõ nhẹ là dễ dàng lấy được tán đường khỏi bát. Ảnh: Văn Hào.

Hiện nay ngoài chợ, đường bát phần nhiều là đường pha chế lại. Tức là đường bát được thương lái mua về để hòa nấu lại với đường cát, nước để sinh lời. Do vậy đường bát nguyên chất làm ngay tại lò được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng và nhộn nhịp đến hỏi mua, cho dù chỉ mua có vài cặp. Ra tết, lò đường nhà ông Trần Đình Hai lại đỏ lửa trong khoảng 10 ngày nữa để phục vụ người dân.

Dẫu diện tích trồng mía thu hẹp dần, các lò đường phần lớn đã “đóng cửa” nhưng bát đường quê vẫn được nhiều gia đình xứ Quảng nhắc đến trong mỗi độ tết đến xuân về…

QUẾ CHÂU

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhộn nhịp làm đường bát
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO