Châu Á đang bước vào mùa mua sắm nhộn nhịp khi người dân ở nhiều quốc gia tất bật sửa soạn đón tết cổ truyền.
Không khí tết đang tràn ngập các đường phố, cửa hàng, trung tâm mua sắm tấp nập người ra với những gói hàng lỉnh kỉnh trên tay. Các công ty bán lẻ khắp nơi tăng tần suất của chiến dịch quảng bá rầm rộ để hấp dẫn khách hàng. Anh Lưu Nghi (29 tuổi), một khách hàng của trung tâm mua sắm nổi tiếng ở tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) cho biết, anh cùng vợ con mua rất nhiều quần áo mới, thực phẩm với tổng số tiền chi trả là 5.000 nhân dân tệ. Vào những ngày cuối tuần trong mùa mua sắm tết, nhiều trung tâm mua sắm lớn tại Chiết Giang đón hơn 20 nghìn lượt khách mỗi ngày, tăng gấp nhiều lần so với lượng khách thường ngày.
Xếp hàng tại các siêu thị bán lẻ tại Trung Quốc chờ thanh toán. (ảnh: everychina) |
Trên trang web asia.nikkei số ra gần đây cho biết, nhiều công ty kinh doanh châu Á tiếp tục “hốt bạc” trong mùa tết năm nay. Ngoài công việc chuẩn bị các mặt hàng để sơn sửa, trang trí cho nhà cửa, áo quần, thực phẩm, quà biếu người thân trong dịp tết, rất nhiều người tiêu dùng có điều kiện hơn lại sắm sửa xe ô tô cho nhu cầu đi lại. Trong tháng đầu tiên của năm 2016, Việt Nam nhập khẩu khoảng 10.000 ô tô nguyên chiếc, trong đó hãng Toyota Motor chiếm thị phần lớn với 4.262 chiếc. Nhiều công ty thực phẩm, đồ uống như Sapporo tăng sản lượng đầu ra để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Theo ông Yasuo Nishitoge - Tổng Giám đốc công ty Aeon Vietnam, nhà kinh doanh bán lẻ nổi tiếng đến từ Nhật Bản cho hay, phong cách tiêu dùng của người Việt Nam ngày càng đa dạng và doanh số bán lẻ năm nay của Aeon Vietnam đặc biệt tăng 50% so với mùa tết những năm trước.
Tại nhiều quốc gia, người tiêu dùng thường tất bật mua sắm vào một tuần trước tết. Ngoài việc không có thời gian để mua sắm trước đó, nhiều người cho biết thích mua sắm những ngày cận tết để được thưởng thức không khí vô cùng nhộn nhịp. Tại Malaysia, nhiều khu mua sắm thường bán hàng giảm giá trong những cận ngày tết, thu hút rất đông khách hàng. Ramlee - một cư dân của thủ đô Kuala Lumpur cho biết, đây cũng là cơ hội rất tốt có thể tiết kiệm được một khoản tiền không nhỏ trong lúc phải chi tiêu rất nhiều thứ trong ngày tết.
Theo công ty nghiên cứu Euromonitor International - có trụ sở tại Anh, tổng doanh thu bán hàng vào mùa mua sắm cao điểm tại các quốc gia khu vực châu Á năm 2020 được dự báo đạt 16 nghìn tỷ USD, tăng 60% so với năm 2014. Trong đó đáng chú ý là tầng lớp trung lưu đang gia tăng tại khu vực được xem là lực lượng chi tiêu tiềm năng. Trong những năm tới, châu Á chuyển từ trung tâm sản xuất toàn cầu nhờ lao động giá rẻ sang thị thường tiêu dùng lớn nhất thế giới. Do đó, hiện nhiều công ty bán lẻ danh tiếng nắm lấy cơ hội để có mặt tại khu vực.
Bên cạnh đó, một nghiên cứu mới nhất của hãng công nghệ Criteo vừa đăng trên trang web warc.com cho hay, lượng giao dịch mua bán hàng trực tuyến (online) mùa lễ hội lớn nhất trong năm nay nhân dịp Tết Nguyên đán tăng mạnh 25% so với những năm trước, trong đó 50% số lượng thông qua thiết bị di động. Trước đó, tính trước, trong và sau năm của tết 2015, lượng giao dịch này đạt con số hàng triệu đăng ký tại Hồng Kông, Malaysia, Đài Loan và Việt Nam… Hiện hình thức mua sắm trực tuyến trở nên phổ biến tại châu Á, không chỉ riêng vào những ngày lễ hội. Người tiêu dùng trẻ tuổi được xem giữ vai trò chủ đạo trong thị trường bán lẻ qua internet. Các công ty đặc biệt đẩy mạnh hoạt động bán lẻ qua internet để tăng doanh thu.
NAM VIỆT