Nhộn nhịp thị trường bất động sản: Ngân hàng siết chặt dòng tín dụng

VIỆT QUANG 24/04/2018 08:53

Hệ thống ngân hàng và các cơ quan quản lý nhà nước đang triển khai đồng bộ các giải pháp để ngăn chặn tình trạng vay vốn đầu cơ, gây bất ổn thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh.

Giá đất ở vùng đông của tỉnh đang “sốt” có nguyên nhân từ việc đầu tư nhiều dự án du lịch, dịch vụ.Ảnh: VIỆT QUANG
Giá đất ở vùng đông của tỉnh đang “sốt” có nguyên nhân từ việc đầu tư nhiều dự án du lịch, dịch vụ.Ảnh: VIỆT QUANG

Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam, đến thời điểm này, nguồn vốn huy động tăng 3,56% so với đầu năm, dư nợ giảm 0,9% so với tháng 1. Nợ xấu cuối quý I.2018 chiếm tỷ trọng 0,96% tổng dư nợ. Tín dụng trên địa bàn tỉnh chủ yếu chỉ tập trung vào 5 lĩnh vực được Nhà nước ưu tiên là nông nghiệp, nông thôn; doanh nghiệp vừa và nhỏ; công nghiệp hỗ trợ; xuất khẩu; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ. Trong khi đó, dòng tiền chảy vào lĩnh vực bất động sản, đặc biệt là đất đai được kiểm soát chặt chẽ. “Chúng tôi triển khai nghiêm chỉ thị của Ngân hàng Nhà nước là nguồn vốn cho vay trên địa bàn tỉnh phải được thực hiện an toàn, thận trọng, hiệu quả. Theo đó, vốn vay tập trung vào lĩnh vực sản xuất và khu vực nông thôn, tạo khởi sắc, chuyển biến kinh tế cho người người dân, doanh nghiệp, khu vực nông thôn; hạn chế đến mức thấp nhất cho vay vốn đầu tư vào lĩnh vực phi sản xuất, nhất là đất đai, bất động sản, đề phòng trường hợp nợ xấu khi dòng tiền chảy mạnh vào địa hạt tiềm ẩn nhiều rủi ro” - ông Trần Quang Hổ, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam cho biết.

Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam, tín dụng trên địa bàn tỉnh được khuyến khích cho vay đầu tư ngắn hạn, hạn chế đầu tư trung hạn và dài hạn. Đó là cách để nguồn vốn ít lưu thông trên lĩnh vực đất đai, bất động sản. “Chúng tôi khuyến cáo 27 tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh tập trung cân đối nguồn vốn để cho vay vào 5 lĩnh vực ưu tiên đã nói. Khi cho vay, ngân hàng phải thẩm định dự án chặt chẽ, đảm bảo chất lượng tín dụng. Hàng tháng, các tổ chức tín dụng phải báo cáo tình hình cho vay vốn, nếu chúng tôi nhận thấy có tín hiệu biến động là tổ chức thanh tra, kiểm tra lập tức để ổn định dòng tiền, không chảy nhiều vào lĩnh vực phi sản xuất nói chung, đất đai và bất động sản nói riêng” - ông Trần Quang Hổ nói. Cùng với việc chủ động giám sát, thanh tra, kiểm tra dòng tiền, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam cũng đang tập trung vào việc cập nhật dữ liệu, thông tin tín dụng để chấn chỉnh ngay các khoản vay có xác suất rủi ro cao, khống chế trường hợp bong bóng nhà đất vỡ, doanh nghiệp không có khả năng trả nợ sau khi vay vốn đầu tư.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã và đang chủ động ngăn ngừa rủi ro trước các khoản vay đầu tư vào bất động sản. Bà Vũ Thị Tố Nga - Phó Giám đốc BIDV chi nhánh Quảng Nam cho biết, rất thận trọng trong xét duyệt cho vay vốn đầu tư vào lĩnh vực bất động sản. Về nhà ở, chỉ cho các cán bộ, viên chức hay các cá nhân khác vay với điều kiện là nguồn thu nhập đảm bảo. Đối với các dự án bất động sản lớn, phải thẩm định chặt chẽ. Khi thẩm định, ngân hàng phải so sánh cả một quá trình dài để tính toán giá bình quân của dự án đất đai, làm căn cứ cho vay chứ nhiều khi giá đất được “thổi” quá cao vào thời điểm nhất định. “Không thể để xảy ra tình trạng chạy theo chỉ tiêu cho vay vốn mà cho vay đầu tư bất động sản, đất đai thiếu chặt chẽ. Việc này phải được thực hiện theo quy trình đảm bảo vì tín dụng không được thực hiện theo tâm lý ăn xổi ở thì được” - bà Vũ Thị Tố Nga nói. Được biết nhiều ngân hàng thương mại khác đã phải nhờ đến công ty thẩm định giá đất đai, bất động sản độc lập để định giá chứ không “chạy” theo giá thị trường khi cho vay bất động sản. Hiện lãi suất cho vay bất động sản đã được điều chỉnh tăng, từ 11%/năm trở lên vì rủi ro cao. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam cho rằng, tín hiệu vui là nợ xấu trong quý I ở mức dưới 1% là tiêu chí cần để tin tưởng nợ xấu trong cả năm dưới 3% theo kế hoạch đề ra.

Nhiều dự án du lịch, dịch vụ đang được xây dựng hoặc xúc tiến đầu tư là nguyên nhân của tình trạng giá đất ở vùng đông của tỉnh đang “sốt” lên từng ngày. Nhiều cá nhân, tổ chức kinh doanh bất động sản “đánh hơi” được cơ hội sinh lãi  nên ra sức chạy đua mua đất rồi chuyển nhượng, mua bán, trao đổi. Ông Hoàng Châu Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho rằng, không thể để xảy ra cảnh phân lô bán đất nền vô tội vạ, đẩy giá đất lên ngất ngưởng. Quản lý hiện trạng đất đai chặt chẽ; cấp phép quyền sử dụng đất được thực hiện đúng trình tự; tách thửa đất và chuyển đổi mục đích sử dụng đất phải đảm bảo đúng quy định là các giải pháp khả thi của địa phương để kiểm soát đất đai vùng đông theo đúng quy hoạch của tỉnh.

VIỆT QUANG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhộn nhịp thị trường bất động sản: Ngân hàng siết chặt dòng tín dụng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO