Hàng hóa phục vụ tết trên địa bàn tỉnh thời điểm này rất dồi dào, trong khi đó sức mua của người tiêu dùng đang “ấm” dần. Do hệ thống phân phối rộng nên ngành chức năng dự báo thị trường hàng hóa tết năm nay sẽ bình ổn.
Người tiêu dùng mua sắm hàng tết ở siêu thị Co.opMart Tam Kỳ. Ảnh: N.Q.V |
Hàng hóa sẵn sàng
Nhu cầu mua sắm hàng hóa tết đã bắt đầu sôi động trên địa bàn tỉnh từ thời điểm năm mới dương lịch 2018. Theo quan sát của chúng tôi, hàng hóa phục vụ tết năm nay đa dạng mẫu mã, phong phú chủng loại, hệ thống phân phối phủ rộng. Tại siêu thị Co.opMart Tam Kỳ, chỉ mới bắt đầu buổi sáng ngày 9.1 đã có hàng trăm người xếp hàng thanh toán tiền sau khi đã mua nhiều hàng hóa cần thiết. Điểm đặc biệt là người tiêu dùng rất ưa chuộng mua sắm các loại nông sản được sản xuất trên địa bàn tỉnh như nước mắm Cửa Khe (Bình Dương, Thăng Bình), nước mắm Tam Thanh (TP.Tam Kỳ), rau Trường Xuân (TP.Tam Kỳ), dầu phụng Điện Quang (thị xã Điện Bàn), gà ta Mười Tín (Tam Thăng, TP.Tam Kỳ)...
Bà Trần Thị Như Lai - Giám đốc Co.opMart Tam Kỳ cho biết, siêu thị tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở sản xuất nông sản ở TP.Tam Kỳ, Thăng Bình, thị xã Điện Bàn, huyện Phú Ninh... đưa hàng hóa đến bán. Khi người tiêu dùng đón nhận thì sản phẩm sẽ được khẳng định thương hiệu, giúp cơ sở mở rộng sản xuất, nông dân ổn định đầu ra cung cấp nguyên liệu. Tổng lượng hàng hóa dự trữ và bán tết tại siêu thị Co.opMart Tam Kỳ lên đến 78,5 tỷ đồng, trong đó, nguồn hàng thiết yếu gồm gạo, hạt dưa, mứt, bánh kẹo, bia, nước ngọt, nước mắm, thịt heo, thịt gà, trứng, rau củ quả được dự trữ lên đến hơn 20,6 tỷ đồng. “Chúng tôi tiến hành 4 đợt siêu khuyến mãi, giúp người tiêu dùng dễ dàng lựa chọn và mua sắm hàng hóa, bắt đầu từ ngày 11.1 đến hết ngày 15.2. Đợt 1 và 2 có tên gọi là “Khang trang nhà cửa đón xuân sang”, siêu thị sẽ giảm giá nhiều mặt hàng quần áo, đồ dân dụng, các mặt hàng thiết yếu trong gia đình. Đợt 3 và 4 có tên gọi là “Quà xuân sung túc mang tết đủ đầy”, giảm giá nhiều mặt hàng lương thực, thực phẩm không thể thiếu trong dịp tết” - bà Trần Thị Như Lai nói.
Chợ Hội An (TP.Hội An) đã nhộn nhịp không khí mua sắm từ cuối tuần qua. Các sản phẩm may mặc như quần jean, các loại áo may sẵn được tiểu thương giăng kín quầy. Mặt hàng nồi, niêu, chảo cũng được bán rất chạy. “Tôi luôn chủ động trong chuẩn bị nguồn vốn, nguồn hàng để bán cho dịp tết vì đây là cao điểm mua sắm của năm. Hàng hóa được gia đình tôi chuẩn bị ngay từ đầu tháng 11 để phục vụ. Kế hoạch trữ hàng cũng được coi trọng vì nếu cung tăng mạnh thì vẫn có thể đáp ứng nhu cầu lớn của khách hàng” - chị Nguyễn Phong Lan, tiểu thương bán các mặt hàng may mặc ở chợ Hội An nói.
Theo Phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương), đến thời điểm này, tất cả mặt hàng cần thiết cho dịp tết đều đã được các doanh nghiệp, siêu thị, nhà phân phối và cả người bán lẻ tung ra thị trường. Đối với các chợ là kênh phân phối truyền thống, ban quản lý chợ đã chủ động xây dựng kế hoạch phục vụ tết, tạo điều kiện để các hộ kinh doanh đảm bảo đầy đủ hàng hóa đáp ứng nhu cầu mua sắm. Dự kiến, lượng hàng hóa dịp tết trên địa bàn tỉnh đạt chừng 1.000 tỷ đồng.
Ổn định thị trường
Bà Trần Thị Như Lai cho biết, Co.opMart Tam Kỳ không chỉ đảm bảo nguồn cung hàng hóa tết đầy đủ cho người tiêu dùng ở khu vực nội thị mà còn tổ chức nhiều chuyến bán hàng lưu động đến vùng cao, bán hàng giảm giá để người dân mua sắm. Theo đó, từ nay đến thời điểm áp Tết Nguyên đán, sẽ có 5 chuyến hàng Việt lên vùng cao. Hàng hóa bán lưu động sẽ đảm bảo tiêu chí chất lượng, mẫu mã đẹp, đáp ứng yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm, giá hợp lý. Theo ông Nguyễn Quang Lâm - Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương), để chuẩn bị nguồn cung hàng hóa đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân, Sở Công Thương đã làm việc với tất cả doanh nghiệp. Hầu hết doanh nghiệp, nhà phân phối, siêu thị đều căn cứ vào kết quả bán hàng tết năm trước, dự báo mức tiêu dùng dịp Tết Mậu Tuất 2018, chủ động xây dựng kế hoạch trữ hàng tết tăng gấp 2 - 3 lần so với các tháng trong năm. Để phòng ngừa, hạn chế những biến động của thị trường, nhất là tình trạng đầu cơ, tăng giá bất hợp lý, Sở Công Thương tăng cường theo dõi, nắm tình hình cung cầu, kiểm soát thị trường, không để xảy ra tình trạng người tiêu dùng bị ép giá khi mua sắm. “So với các tết truyền thống trước đây, giá cả hàng Tết Mậu Tuất 2018 sẽ không biến động nhiều bởi thị trường đang cạnh tranh khốc liệt. Hàng hóa không chỉ được sản xuất bởi các doanh nghiệp trong nước mà còn có thêm các doanh nghiệp nước ngoài sản xuất tại Việt Nam. Doanh nghiệp sẽ cân nhắc kỹ càng giá bán, không tăng giá nhiều mặt hàng để đảm bảo cạnh tranh, ngược lại người tiêu dùng có cơ hội lựa chọn hàng hóa chất lượng cao, giá phải chăng” - ông Lâm nói.
Ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở Công Thương cho biết, đến thời điểm này, nguồn cung, giá cả các mặt hàng đều đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng. Tổng mức bán lẻ và dịch vụ hàng hóa trên địa bàn tỉnh trong năm 2017 đạt 41.296 tỷ đồng, tăng 14,53% so với năm trước, vượt kế hoạch đặt ra. “Sở Công Thương xác định theo dõi, dự báo, nắm tình hình cung cầu của thị trường là trọng tâm nên chỉ đạo các bộ phận chuyên môn thị sát thực tế tại các chợ, siêu thị để cập nhật diễn biến thị trường, không để xảy ra thiếu hàng, sốt giá, nhất là ở khu vực miền núi. Từ nay đến tết sẽ kiểm tra gắt gao, ngăn chặn tình trạng gian lận thương mại, hàng giả và không an toàn vệ sinh thực phẩm”- ông Nguyễn Quang Thử nói.
NGUYỄN QUANG VIỆT